Khắc phục vấn đề thừa, thiếu giáo viên hiện nay
Nghịch lý thừa, thiếu giáo viên tồn tại nhiều năm nay. Thời gian qua, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế gặp nhiều khó khăn, khiến vấn đề này càng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.
Báo cáo tại Phiên họp giải trình về việc thực hiện pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tính đến thời điểm ngày 15/8/2018, toàn quốc có 1.161.143 giáo viên mầm non, phổ thông (công lập 858.772 người, ngoài công lập 23.691 người). Trong đó, mầm non: 309.770 người (công lập 262.155 người, ngoài công lập 47.615 người); tiểu học: 395.848 người (công lập 390.873 người, ngoài công lập 4.975 người); THCS: 305.815 người (công lập 300.990 người, ngoài công lập 4825 người); THPT: 149.710 người (công lập 135.819 người, ngoài công lập 13.891 người).
So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; THCS: 10.143 người; THPT: 3.161 người). Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố, nên đến thời điểm hiện tại mặc dù toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên THCS nhưng vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS.
Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận, do tình trạng thiếu giáo viên, một số nơi đã hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng với quy định hiện hành như: Krông Pắk (Đắk Lắk), Thanh Oai (Hà Nội), Cà Mau, Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị và một số địa phương khác.
Gần đây, ngành giáo dục cũng gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Thời gian qua, số lượng giáo viên giảm chủ yếu là do nghỉ chế độ hưu, chuyển công tác, dẫn đến những khó khăn, lúng túng cho cơ sở giáo dục trong việc sắp xếp giáo viên khi chỉ được tuyển mới bằng 50% số giáo viên đã giảm (có những bộ môn, mỗi trường chỉ được phân bổ từ 1 đến 2 giáo viên), trong khi trường lớp tăng, học sinh tăng mạnh theo từng năm nhưng giáo viên lại phải cắt giảm biên chế 10% mỗi năm. Đó là một nghịch lý, khi thiếu giáo viên nhưng không được tuyển.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, việc quy định cắt giảm biên chế đang tạo nên sức ép đối với ngành giáo dục. Bởi lẽ số lượng giáo viên mầm non, tiểu học thiếu rất nhiều do 3 năm gần đây không tăng biên chế, Bộ Nội vụ không giao cho các địa phương, các địa phương phải căn chỉnh mới sinh ra việc hợp đồng. Bộ trưởng đề nghị cần chung tay giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Theo thông tin Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, hiện có 29 tỉnh đề nghị bổ sung 40.447 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2018, trong đó tỉnh Thanh Hóa đề nghị bổ sung nhiều nhất với 7.519 biên chế.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết thêm, từ năm 2015 trở về trước, biên chế sự nghiệp giao quyền cho cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh quy định trên cơ sở định mức của các cơ quan, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định biên chế sự nghiệp. Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các địa phương tổng rà soát, xem lại chỉ tiêu biên chế được thẩm định; ưu tiên tuyển dụng những người có thâm niên, có chuyên môn; ngoài việc tuyển dụng theo quy định còn lại phải thực hiện theo tinh giản biên chế. Theo quy định của pháp luật, tuyển dụng là phải công khai minh bạch, ai đủ điều kiện thì đăng ký chứ không phải chỉ tuyển dụng cho những người làm hợp đồng. Do đó, có người đã từng làm hợp đồng rồi nhưng không trúng kỳ tuyển dụng nên tạo ra dư luận không tốt.
Theo ông Triệu Thế Hùng, đại biểu Quốc hội đoàn Lâm Đồng, chính sách sử dụng và tuyển dụng giáo viên là vấn đề liên quan đến nhiều bộ, ngành và địa phương. Nghị quyết 19 về tinh giản biên chế, khiến nhiều địa phương cắt giảm giáo viên một cách cơ học và con số lên đến hàng nghìn, trong khi đó phải thêm trường, thêm lớp và thêm giáo viên, nhất là ở những thành phố lớn, vì hiện nay có đến 50 - 60 học sinh/lớp, đơn cử như ở Hà Nội. Do đó cần giải quyết câu chuyện hiện nay.
PGS.TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nếu nói về phương diện tuyển dụng thì có một nguyên tắc đó là: Ai sử dụng thì người ấy đứng ra tuyển. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này chưa được làm rõ.
PGS.TS Trần Thị Tâm Đan đề nghị hai Bộ: Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ nên làm việc với nhau và cần có sự bàn bạc thấu đáo về tiêu chuẩn của công chức, viên chức. Cần căn cứ vào đó để vận dụng vào ngành Giáo dục, để quy định những tiêu chuẩn cụ thể và đúng hơn. “Tôi nghĩ rằng, nên đặt vấn đề phân công cho ai tuyển người. Chẳng hạn đối với giáo dục, khi tuyển dụng giáo viên còn phải xem xét kĩ hơn về các tiêu chuẩn. Thời gian qua, nếu phân công tuyển người hoàn toàn do Bộ Nội vụ thì không hợp lý mà hai bộ: Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ phải phối hợp với nhau, chứ không đơn giản được” - PGS.TS Trần Thị Tâm Đan nêu quan điểm.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2018 vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Về biên chế giáo viên, dư luận nêu nhiều vấn đề về việc này và có nhiều bức xúc. Tinh thần chung là thực hiện Nghị quyết Trung ương, trước hết là Nghị quyết 19, rà soát, tổ chức, sắp xếp lại các điểm trường; điều chuyển, sắp xếp biên chế phù hợp, kịp thời theo nguyên tắc không được để thiếu giáo viên, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, ảnh hưởng đến việc học hành của các cháu. Giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sớm thống nhất với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trình ngay Thủ tướng Chính phủ phương án cụ thể để xử lý ngay, không kéo dài, chấp nhận hình thức hợp đồng để xử lý vấn đề giáo viên cấp bách hiện nay, nhất là một số địa phương miền núi, Tây Nguyên tăng cơ học thời gian qua./.
Theo Mỹ Anh
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam