Bạn đọc viết:

Khắc khoải mối tình chè xanh quê mẹ

(Dân trí) - Từ khi gieo tới lúc nảy mầm, rồi cả quá trình tồn tại leo lắt trên mảnh đất nghèo nàn dưỡng chất và rát bỏng mỗi dịp gió Lào ràn rạt thổi về khi tiết trời vào Hạ, đã chắt chiu nên vị chát đậm đà rất riêng đối với cây chè xanh quê tôi.


Hình bóng quê hương


Hình bóng quê hương

 

Cứ chập tối, như thường lệ sau bữa cơm chiều, mẹ thường sai chúng tôi sang nhà hàng xóm mời ông, bà, chú bác …qua nhà uống nước chè xanh. Thứ nước uống mà người dân quê tôi thường quen gọi bằng tiếng lóng và chỉ người dân quê tôi mới hiểu được: “Nước quẫn”. Tức là loại chè xanh nước đầu mới nấu có độ đậm đặc đến mức mà có người phóng đại lên rằng dẫu có “cắm tăm” cũng không đổ!

 

Tò mò ngắm nhìn các vị cao niên hai tay run run nâng niu từng bát nước chè xanh đặc quánh và nóng hổi, vừa hít hà vừa nhấp từng ngụm và chép miệng đầy vẻ ngon lành, lũ nhóc chúng tôi thời đó không thể nào lý giải được vì sao người dân quê tôi lại đam mê chè xanh đến lạ kì như vậy.

 

Làng tôi lẽ tất nhiên có nhiều vị là “đệ tử” trong việc thưởng ngoạn thứ “nước quẫn” này, và nhiều mẩu chuyện được nghe kể lại dường như là “giai thoại” về những ông bà có sức uống đến mức “cao thủ”  của chè xanh.

 

Ví như ông Huynh nhà ở xóm 5, có người “tọc mạch” cho hay rằng cứ mỗi sáng trước khi ra đồng cày ruộng, tuy dạ dày còn lép kẹp mà một mình ông Huynh cũng có thể ừng ực  làm vài hơi hết 5, 6 bát nước chè xanh đặc quánh. Nước chè đựng bằng loại bát quân dụng “B 52” (cách bộ đội ta thời trước dùng để gọi loại bát quân dụng được làm bằng sắt tráng men, cỡ to bằng cái tô của tiệm bún phở bây giờ). Bà vợ ông cứ tưởng “cao thủ làng ta” đã vừa rồi (tức đủ rồi”), nhưng không. Chưa dừng lại ở đó, ông nhà ta còn dự trữ thêm bằng cách tranh thủ “ém” vào bụng vài ba bát nữa phòng khi “cơn nghiện” bất ngờ ập đến  lúc đang buổi cày, làm bà vợ tròn mắt rồi thở dài cái sượt đầy tiếc rẻ bởi mới sáng ra bà chưa kịp uống ngụm chè nào.

 

Còn như bà Lộc ở xóm 4, mỗi lần có ai ngỏ lời  “sượt” (nhờ)  làm giùm công việc đồng áng, bà chẳng đòi hỏi gì hơn ngoài yêu cầu gia chủ chỉ cần thu xếp cho “vài sải” tay bát nước chè xanh là bà mãn nguyện. Để rồi sau đó bà cứ thoăn thoắt làm việc đến quên hết cả chuyện đời.

 
 
Nhớ bát nước chè xanh...

 
Nhớ bát nước chè xanh...
 

Nằm ở phía nam dãy núi Ngàn Hống 99 ngọn là một vùng đất bán sơn địa - quê tôi làng Phù Lưu Thượng vốn đất cằn sỏi đá. Để trồng được từng gốc chè xanh, bàn tay người dân quê tôi ai cũng chai sần sau khi khai phá những quả đồi mà đến cây  sim, cây mua cũng khó lòng tồn tại. Để rồi những ngọn đồi như rú Mả, chùa Bống, cồn Ải, cửa Trẹm hay động Kiến…đều mươn mướt màu xanh của cây chè.

 

 “Hữu xạ tự nhiên hương”, chè xanh quê tôi nức tiếng khắp mọi vùng miền từ tận thành Vinh phố thị bên dòng Lam giang xanh biếc, đến vùng miệt biển cửa Sót Thạch Kim, Hộ Độ hay vào tận cửa Nhượng… hầu như không mấy ai là không biết câu ca “cá rô Đồng Sâu, chè xanh rú Mả…”

 

Mẹ tôi bảo rằng không phải bất cứ người nào nấu nước chè xanh cũng thơm ngon, mà nước chè xanh chỉ thơm ngon khi được om trong ấm đất nung và đun bằng củi dẽ hay phi lao. Nhưng thường thì những người nấu được loại nước chè xanh vừa thơm vừa ngon lại hay có số phận long đong vất vả…

 

Không biết có đúng như lời mẹ tôi nói hay không, nhưng để có bát nước chè xanh vừa ý hợp với cái “gu” của người dân quê tôi, ngay từ sáng tinh mơ chưa tỏ mặt, mọi người đã phải tất tả lên đồi hái chè. Lúc ra về ai cũng không quên kĩu kịt trên vai đôi thùng nước đầy ắp trong vắt, sóng sánh theo từng bước chân dẻo quẹo được lấy từ tận nguồn khe Yên.

 

Đợi nước trong nồi đất sôi, các bà, các chị tỷ mẩn bẻ từng cọng chè bóp nhẹ tay cho vào. Sau đó nhấc nồi ra đậy kín vung, ít phút sau dùng gáo dừa rót vào bát bằng gốm sứ… Từng làn hơi nước mảnh dẻ như sợi khói bốc lên, quyện đan vào nhau trên mỗi bát nước chè xanh thơm phức đến mê mẩn lòng người.

 

Hơn ba mươi năm bôn ba trên khắp mọi miền đất nước. nhưng hễ cứ có dịp về thăm quê, chúng tôi lại không khỏi bồi hồi khắc khoải với những hoài niệm ấu thơ tuôn trào như dòng nước khe Yên vừa trong vừa mát…

 

Quê tôi ngày ấy là những nếp nhà tranh lợp rạ, giờ đã được khoác lên mình sắc màu ngói mới đỏ tươi… Nhưng các cụ Biều, ông Đào, bà Kích, ông Huynh…những người hàng xóm chân chất, mộc mạc thân thương của chúng tôi ngày nào, giờ đã lần lượt rủ nhau về với ngọn đồi làng Bại phía xa, xa ngái…

 

Mẹ tôi tuy lưng đã còng, mái tóc trắng màu sương trắng… vẫn gắn bó với cây chè xanh quê hương. Bà vẫn ngày đêm miệt mài cần mẫn, nâng niu từng cây chè giúp chúng chắt chiu góp gom từng chút khoáng chất trong mạch đất cỗi cằn, tôi luyện cùng khí trời quê tôi để tạo nên vị chát đậm đà không thể nào quên trong mỗi bát nước chè xanh thấm đẫm tình quê…

 

Trần Mai