Kết luận nguyên nhân cháy xe: “Thà 1 lần đau còn hơn vẫn mập mờ!”

(Dân trí) - Không bất ngờ nhưng quá thất vọng có thể nói là tâm trạng bao trùm hầu khắp phản hồi của bạn đọc, sau khi thấy “nghi can số 1” là Xăng trong các vụ cháy xe thời gian qua, lại gần như được liên bộ Công an, KHCN, GTVT và Bộ Công thương “loại trừ”.

Kết luận nguyên nhân cháy xe: “Thà 1 lần đau còn hơn vẫn mập mờ!”
Liên tiếp xảy ra các vụ cháy xe gần đây (ảnh: Pháp luật VN)

 

Nói vậy… đành biết vậy

 

Nỗi nghi ngờ cũng được phản ánh rất rõ ngay trên mặt bằng báo chí cả nước, ngay sau buổi họp báo sáng 26/4  được liên bộ Công an, Khoa học - Công nghệ, Giao thông - Vận tải và Bộ Công thương tổ chức để công bố kết quả điều tra nguyên nhân cháy xe thời gian qua.  Điều này được thể hiện qua những dấu hỏi lớn vẫn tiếp tục được đặt ra như: Cháy xe không phải do xăng dầu?! (Dân trí), Loại trừ nguyên nhân do xăng? (Tiền Phong)… Đồng thời, sự chưa thỏa mãn với kết luận mà thật ra nhiều người cũng đã dự đoán từ trước với lý giải có những sự “tế nhị” hoặc “nhạy cảm” nào đó với xăng dầu, cũng có thể nhận thấy qua các hàng tít báo: Nguyên nhân gây cháy xe vẫn chưa có câu trả lời (VOV); Dài cổ chờ nguyên nhân cháy xe (Tuổi Trẻ); Cháy xe – dân ráng chịu! (Lao Động)…

 

Từ phía người dân, mỗi nghi vấn đều được đưa ra mổ xẻ để minh chứng cho sự mất lòng tin hoặc thất vọng của mình trước kết luận vẫn chưa thỏa đáng trên:

 

“Tôi nghĩ, kết luận này không gây bất ngờ vì ai cũng nghĩ là như vậy và chắc chắn sẽ phải như vậy! Nguyên nhân do đâu thì người dân cũng biết rồi, kết luận của các cơ quan chức năng có lẽ chỉ mang ý nghĩa là… khép việc này lại thôi. Cũng chỉ còn biết mong sao cho việc này đừng tái diễn nữa!” -NHN:  hainhucmc@gmail.com

 

“… Có nhiều ý kiến đoán rằng: nếu nói thẳng ra nguyên nhân chính là "do xăng dầu" thì sẽ làm đa số người dân hoang mang. Nhưng thực ra người dân đã chuẩn bị tâm lí rồi, phỏng đoán hết rồi, nên mong các ngành chức năng cứ mạnh dạn nói ra.  Thà 1 lần đau còn hơn là vẫn mập mờ. Về trách nhiệm, nếu là vì sự cố kĩ thuật thì nhà sản xuất phải gánh trách nhiệm. Nếu do xăng thì ngành xăng dầu, thanh tra về chất lượng, chủ đại lý phải chịu. Vấn đề là bao giờ cho dân hết lo lắng, được an tâm về chất lượng hàng hóa mình sử dụng đây? Câu trả lời trên rất mong có được từ các vị đấy!” - Nguyễn Thành:  cong8866@gmail.com

 

Nghi can chính thoát tội?

 

Các chiêu trò, mánh… để có thể biến A thành B, cũng như cách thức làm việc của các cơ quan chức năng vì sao vẫn chưa tạo được lòng tin với người tiêu dùng. Hãy xem cách suy luận của một số bạn đọc khác dưới đây!

 

"Khi tiến hành lấy 56 mẫu xăng liên quan tới xe cháy, kết quả bất ngờ là 100% mẫu xăng này đều đạt chất lượng, không phát hiện methanol, aceton trong xăng" – Tôi nghĩ, ở ta thì chuyện đổi mẫu có lẽ cũng là ‘bình thường ở huyện’mất rồi. Chưa nói đến nếu có quen biết 1 chút, thì hầu như việc gì cũng có thể xong… Tôi làm trong ngành phân bón nên tôi biết, chuyện tráo đổi mẫu là ‘chuyện thường ở huyện’, nên chẳng có gì nghi ngờ  khi thấy công bố là 100% đạt chất lượng” - Việt Nam:  dongmacnhien@yahoo.com

 

"Tuy nhiên, khi tiến hành lấy 56 mẫu xăng liên quan tới xe cháy, kết quả bất ngờ là 100% mẫu xăng này đều đạt chất lượng, không phát hiện methanol, aceton trong xăng" - Vậy các chuyên gia có nghĩ là sau khi xe cháy, trong xăng không còn hàm lượng này? Các chuyên gia có thử những mẫu xăng có những chỉ số này cao rồi cho cháy và dập tắt, sau đó lấy mẫu đo lường lại không?” - Hoàng Long:  khesuoinho@yahoo.com

 

“Các cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm chưa? Tôi vẫn nghĩ nguyên nhân là do xăng. Nhất là  khi từ 2 năm trở lại đây, bất kể ai có tiền là có thể trở thành "đại lý" xăng dầu. Còn nói do xe là vô lý, bởi tất cả các hãng xe máy đều góp mặt trong các vụ cháy, thậm chí cả taxi, xe con đắt tiền, xe khách và đến cả xe tải... Phải chăng kỹ thuật của các hãng xe trên đều "có vấn đề"?” – Trần Bình Định:  tr_binhdinh@yahoo.com.vn

 

“Cần suy xét thấu đáo hơn, vì khi lấy mẫu xăng dầu là lúc mọi việc đã trở nên ầm ĩ… Vậy rất có thể xăng lúc này đã trở nên… đạt tiêu chuẩn. Theo tôi, xăng không đảm bảo chất lượng ảnh hưởng đến xe, làm rò rỉ xăng, gây hỏng hóc các bộ phận của xe theo “quy trình”. Theo tôi, cái chính là các cơ quan chức năng nên lặng lẽ điều tra, chứ cứ kiểu “rứt dây động rừng” như cách làm rùm beng quá thì làm sao bắt được… kẻ gian?” - Hoang Hung:  kts_nvh@yahoo.com

 

“Xin lỗi mọi người chứ, lần trước tôi xem phóng sự phóng viên ghi hình được vụ xe chở xăng trước khi chuyển đến các trạm bán xăng chạy ra ngoại ô, vào 1 bãi đất trống rồi hút xăng ra mấy thùng con, rồi tiếp mấy thùng khác vào. Sau đó lại thấy… mất hút. Tôi vẫn nghi xăng lắm!” - Tuan:  hugovnnet@yahoo.com

 

“Ông Vĩnh nói: "Xăng dầu của Việt Nam hiện nay phù hợp cho xe thiết kế sử dụng nhiên liệu theo tiêu chuẩn Euro 2, khi sử dụng xe thiết kế đạt đến Euro 4, Euro 5 sẽ bị nóng máy, ống xả bị nóng hơn, có thể gây cháy." - Quả thực tôi thấy ông nói có phần vội vàng... Xin hỏi ông: nếu nước ngoài chạy Euro 4, Euro 5 thì xăng họ phải như thế nào? Theo ông thì những yếu tố nào ảnh hưởng lớn đến phát thải động cơ, các phương pháp giảm phát thải? Ông có câu trả lời cho chúng tôi được không?...” - Minh Toàn:  minhtoanhut@gmail.com

 

“Nếu nguyên nhân do chập điện và lỗi kỹ thuật chiếm nhiều như vậy, thì các nhà sản xuất nói gì, đặc biệt là các hãng sản xuất có tiếng? Xe Trung Quốc rẻ tiền hơn tại sao  không thấy cháy hoặc có cháy cũng rất ít???” - hoale:  nhlequanghoa@gmail.com

 

“Tôi thấy đánh giá như thế rất chung chung. Không có lửa thì làm sao có khói. Theo tôi nghĩ  đã có nghi án do xăng dầu là có nguyên do, người tiêu dùng bỏ tiền ra là tiền thật, nhưng mà lại vẫn ‘tiền mất, tật mang’ không biết vì nguyên do gì thì đúng là quá bức xúc.

 

Xăng bơm thiếu, xăng kém chất lượng… những sự thực đó tồn tại từ lâu rồi. Cơ quan chức năng biết, người dân biết... nhưng vẫn tồn tại và người dân vẫn hàng ngày bị mất tiền oan. Vẫn biết nếu phát hiện sai phạm thì người dân có quyền gọi ngay đường dây nóng đến cơ quan chức năng để khiếu nại, nhưng cơ quan chức năng vẫn có kiểm soát được cái sai phạm hàng ngày tồn tại ấy đâu?....  Còn kết luận cháy nổ xe do điều gì thì… có lẽ người dân lại phải đợi các cơ quan chức năng điều tra tiếp, rồi từ từ công bố kết luận sau. Theo tôi, chúng ta đành tự tìm cách bảo vệ chính mình thôi” -  Phan Văn Vượng:  vuongphan_bhxh@yahoo.com.vn

 

“Nói chung là không có tính độc lập thì khó tin được… Cần một cơ quan độc lập và minh bạch về tài liệu khám nghiệm hiện trường, chứ liên bộ đưa ra kết luận như thế, tôi thấy thật không có tính thuyết phục” - Nguyễn Thuận:  ngonthap@gmail.com

 

“Theo tôi nghĩ, khi xe cháy thì các phụ gia dễ cháy cũng đã cháy hết rồi, nên phân tích làm sao mà thấy được. Chỉ còn xăng chuẩn chưa kịp cháy hết mà thôi” - Chach Van Doanh:  vandoanh@yahoo.com

 

“Thử tìm nguyên nhân: Cháy xe thì có nhiều nguyên nhân, nhưng cháy xe nhiều bất thường gây chú ý của dư luận và vẫn tiếp tục cháy thì chỉ trong thời gian gần đây. Có cả xe phát hiện cháy, dập lửa kịp thời thì bình xăng vẫn còn nguyên. Liệu có loại hóa chất nào có thể khuếch tán dọc theo đường dây điện, làm hỏng kết cấu của dây điện dẫn đến gây cháy ? Nếu có thì nó ở đâu ra ?...” - Khanh Phuong: khanhphuong710@yahoo.com.vn

 

“Tôi có vài lần đổ xăng lẻ dọc đường. Mỗi lần đổ vô thường xe đi được khoảng 1km thì máy tắt. Phải chạy đến cây xăng lớn đổ thêm vào mới chạy được, tuy nhiên máy xe không còn chạy êm nữa, rất hao xăng. Phải đến tiệm sửa xe rửa bình xăng con thì  xe mới chạy êm được. Tôi nghi chất lượng xăng là nguyên nhân chính, nhưng không phải dễ tìm ra nguyên nhân. Vì chỉ một lần đổ xăng dỏm tuy  đã ảnh hưởng đến chất lượng máy, nhưng đến khi xe cháy thì nguyên nhân có lẽ do xăng dầu  kém chất lượng của lần đổ xăng trước đó rất lâu. Theo tôi nghĩ, chắc  rằng những chỗ đổ xăng lẻ đều kém chất lượng” - Nguyễn Trí Vũ:  ng_trivu@yahoo.com

 

“Tôi vẫn nghĩ hoàn toàn là do xăng dầu gây ra các vụ cháy xe! Chúng ta có thể nhìn nhận rõ ràng thế này: Các vụ cháy xe đều xảy ra gần như vào năm 2011, mà những năm trước gần như chưa hề xảy ra vụ cháy nào. Các vụ cháy đều tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và gần như xảy ra vào các thời điểm gần sát nhau. Không những xe máy mà ngay cả ô tô, xe khách và các phương tiện vận chuyển khác đều cháy. Tất cả đều tập trung cháy gần như 1 thời điểm.

 

Vì vậy theo tôi, chỉ có 1 nguyên nhân chính tác động hết vào toàn bộ các vụ cháy. Các bạn có thể thấy sau khi có thông tin thông báo nghi ngờ các vụ cháy xe là do xăng dầu, thì lập tức sau đó cho tới bây giờ các vụ cháy giảm dần và gần đây không còn xuất hiện mấy nữa. Vậy thì tôi nghĩ chắc chắn chỉ có xăng dầu chính là nguyên nhân mấu chốt cho toàn bộ việc này.

 

Một điều nữa tôi thắc mắc là Bộ KHCN xác minh rằng tất cả xăng khi kiểm tra đều đạt chuẩn. Vậy những xăng được kiểm tra ấy thuộc thời điểm nào, có kiểm tra xăng của cách đây 1 năm hay 2 năm trước chưa? Và liệu có còn xăng của 1, 2 năm trước khi các vụ cháy bắt đầu xảy ra để mà kiểm tra hay không?” - Lê Xuân Thành:  conan91_dk@yahoo.com
 
Kết luận nguyên nhân cháy xe: “Thà 1 lần đau còn hơn vẫn mập mờ!”
Cơ quan giám định Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho biết: các sự cố gây cháy xe có thể từ việc xe đang đi bị bó phanh gây sinh nhiệt từ ma sát gây cháy xe (ảnh: giaoduc.net.vn)

 

Trực tiếp hay gián tiếp?

 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng tuy xăng có thể được loại trừ vì không phải là “thủ phạm” trực tiếp, nhưng vai trò gián tiếp vẫn rất có thể:

 

“1. Không khẳng định xăng dầu bẩn là nguyên nhân gây cháy xe, nhưng không có cơ quan nào dám đảm bảo xăng dầu không phải là nguyên nhân.

 

2. Khi xét nghiệm xăng dầu mà thấy đảm bảo chất lượng trong khi xe vẫn cháy: cần xem lại tiêu chuẩn chất lượng hay phương pháp lấy mẫu, cũng như cách thức và phương tiện làm xét nghiệm.

 

3. Kết quả điều tra vụ “rút ruột” xăng rồi đổ hóa chất vào xe bồn: Đã có kết quả điều tra chưa? Chất đổ vào là gì mà khi kiểm tra xăng dầu nhập vào các cây xăng kia vẫn đảm bảo đủ chất lượng?

 

4. Các cơ quan có kết luận gì về tình hình cháy xe rộ lên trong thời gian gần đây? Các cơ quan có khuyến cáo gì với người tiêu dùng, sử dụng xe, các doanh nghiệp kinh doanh xe?

 

5.Có gì trùng hợp giữa các kênh phân phối xăng dầu bán lẻ, nguồn cung cấp xăng dầu cho thị trường bán lẻ?...

 

Nếu không tìm đúng nguyên nhân, không công bố nguyên nhân xác thực thì e là xe còn còn tiếp tục cháy…” -  Quang Anh:  qanh@yahoo.com

 

“Cá nhân tôi không đồng tình với kết luận của các vị đại diện cho 4 đơn vị tham gia điều tra và công bố nguyên nhân gây cháy nổ xe thời gian qua. Bản thân tôi là người được đào tạo chuyên ngành sửa chữa ôtô, bởi các giáo viên là các chuyên gia Liên Xô trước đây. Kể từ đó (1980) cho đến nay, tôi liên tục hành nghề (tham gia công tác cho đến khi nghỉ chế độ theo diện 176 và hiện nay tôi vẫn mở xưởng sửa chữa tư nhân).

 

Tôi xin có ý kiến đóng góp thế này: Chỉ tính 704 mẫu được lấy đã có 147 mẫu không đạt, như vậy có thể thấy tỷ lệ 20,9% này đã là quá lớn để gây cháy xe thời gian qua. Tại sao nói vậy? Đó là do hai vấn đề:

 

Thứ nhất khi trị số octan thấp hơn quy định thì xe sử dụng nhiên liệu này sẽ bị kích nổ (kích nổ là hiện tượng nhiên liệu tự bốc cháy gây mài mòn các chi tiết máy, làm động cơ quá nhiệt và công suất sụt giảm).

 

Thứ hai : khi lượng lưu huỳnh quá cao, mà ta đã biết lưu huỳnh cháy tỏa nhiệt cực kỳ cao. Hội tụ các yếu tố gây nhiệt độ cao như vậy là nguyên nhân chính gây hư hỏng các chất cách nhiệt, cách điện, gây chạm chập điện và rò rỉ nhiên liệu, dẫn đến cháy xe.

 

Vậy phải nói chính xác là chất lượng nhiên liệu kém không trực tiếp gây cháy, nhưng theo tôi, đây có lẽ là nguyên nhân chính dẫn dến cháy nổ xe. Rất mong được sự chia sẻ thêm của các bạn độc giả khác” - Nguyễn Mạnh Cường:  nmcuong119@yahoo.com

 

 “Nếu không phải do xăng dầu pha tạp chất, mà do những nguyên nhân các vị đưa ra, thì tại sao những năm trước đây không xảy ra nạn cháy xe? Bởi những nguyên nhân mà các vị đưa ra thì rất phổ biến, năm nào cũng thường xuyên có, mà có thấy cháy xe đâu? Vả chăng, đâu phải các chủ xe dồn lại tới 2 năm nay mới sơ xuất, chủ quan vậy ?! Mà nó lại tập trung vào một số nơi, thì rất có thể là do xăng dầu pha tạp chất làm tác nhân chủ yếu. Điều quan trọng, theo tôi, là phương hướng nghi vấn của các nhà khoa học rất đúng hướng, rất logic, rất khoa học” - Quang Minh:  thaotruong@gmail.com

 

“Theo tôi, gần đây xảy ra hiện tượng cháy xe nhiều và đủ các chủng loại, chứ không phải riêng một chủng loại xe nào. Có thể do chất lượng của một nguyên liệu nào đó… Ta thử làm một phép tính xem khi sản xuất xe hơi + xe máy có những điểm chung nào (phụ tùng xe) trên tất cả những thương hiệu xe đã xảy ra cháy. Ví dụ ống dẫn nhiên liệu, bô xe, dây điện..v.v.. nhất là dây dẫn từ cuộn mobil sườn đến bugi. Vì dây dẫn này nếu kém chất lượng, sau một thời gian sử dụng sẽ xảy ra hiện tượng đánh lửa xuống mass (sườn xe).

 

Nếu có điều kiện, mong các ngành  chức năng rà soát lại xem nhà sản xuất phụ kiện nào cung cấp chung cho tất cả các hãng xe trên, có thể ta sẽ thu nhỏ lại được đối tượng điều tra. Gần đây tôi thấy có dây dẫn cao áp của tivi (8kv...15kv) rất hay bị phóng điện, gây cháy sau một thời gian sử dụng, mà dây dẫn này có xuất xứ từ TQ (có sử dụng trong nhiều thương hiệu tivi lắp ráp trong nước)” - Nguyễn Quốc Phong:  quocphong_nguyen@ymail.com

 

“Thời gian trước chúng ta chỉ sử dụng loại xăng có chỉ số octan thấp, song các loại xe chở xăng đều có một đoạn dây xích sắt gắn từ thân xe rồi cho kéo lê trên đường, với mục đích tự giải phóng nguồn điện tự sinh ra do sự ma sát của xăng với kim loại.

 

Ngày nay chúng ta đã sử dụng loại xăng với chỉ số octan cao hơn, đặc biệt lại được pha thêm các loại phụ gia làm tăng khả năng đốt cháy. Đây liệu có phải là nguyên nhân dẫn đến cháy không? Rất mong cơ quan chức năng nghiên cứu, tìm hiểu theo giả thuyết này” - Nguyễn Quang:  Vyha_1968@yahoo.com.vn

 

“Có thể nguyên nhân trực tiếp là không do xăng, dầu. Nhưng theo tôi, nguyên nhân gián tiếp chắc chắn là do xăng, dầu vì các suy luận sau:

 

1/. Trước đây khi ô tô, xe máy còn là phương tiện hiếm, đắt giá, nên ít người có thể sở hữu được xe mới thì người dân thường mua xe cũ và" độ" đủ thứ trong xe,  mà chủ yếu là độ thủ công. Chắc chắn chất lượng máy, các hệ thống dẫn nhiên liệu, điện không thể bằng các loại xe mới bây giờ. Vậy mà rất ít khi thấy  cháy xe, vậy nguyên nhân do "độ " xe chắc không phải là chính rồi.

 

2/. Việc quản lý chất lượng xăng, dầu cho đến tay người tiêu dùng, theo tôi nghĩ, đã bị buông lỏng. Nên hiện tượng pha chế xăng, dầu  bằng những hóa chất không được kiểm soát,  có hại đối với các bộ phận của  xe do các đối tượng cung cấp, vận chuyển xăng, dầu thực hiện  để kiếm thêm lợi nhuận là việc có thật, không thể nói là không có được.

 

3/. Cùng một dòng xe, cùng một hãng sản xuất nhưng các nước khác không có hiện tượng xe bị cháy nhiều  như ở Việt Nam.

 

4/. Chủng loại xe bị cháy là nhiều loại khác nhau, thậm chí có những loại xe siêu hạng cũng bị cháy.

 

Với 4 suy luận trên, tôi cho rằng nguyên nhân cháy xe nhiều khả  năng vẫn là do chất lượng xăng, dầu không đảm bảo, nên dẫn đến làm hư hỏng các bộ phận của máy xe, hệ thống dẫn nhiên liệu, hệ thống dẫn điện, nên làm xe bị cháy.

 

Vì vậy, cần có cơ chế quản lý chất lượng xăng sao cho khi đến tay người tiêu dùng chất lượng phải đúng như chất lượng của nhà sản xuất, thì tôi tin hiện tượng cháy xe sẽ giảm ngay” - Trần Văn Hào:  haotv_vpub@yahoo.com
 
Kết luận nguyên nhân cháy xe: “Thà 1 lần đau còn hơn vẫn mập mờ!”
Hình ảnh vui phòng cháy chữa cháy xe máy (ảnh: 24h.com.vn)

 

Nỗi “thất vọng” của đa số người tiêu dùng VN với kết quả điều tra nguyên nhân cháy xe vừa được công bố, đúng như tác giả An Nguyên đã nhấn mạnh qua bài viết cùng tên trên báo Thanh Niên ngày 27/4. Theo ông, nếu thực sự quyết liệt thì ngay khi xác định có nguyên nhân về kỹ thuật chẳng hạn, Bộ GTVT với tư cách là cơ quan cấp trên phải chỉ đạo lập tức Cục Đăng kiểm mở ngay một chiến dịch kiểm tra các chi tiết, linh kiện, chỉ tiêu kỹ thuật lắp ráp tất cả các loại xe đang lưu hành. Bất kỳ chi tiết nào của một sản phẩm xe máy không đúng chỉ tiêu chất lượng đã đăng ký (cho dù có liên quan đến cháy hay không), đơn vị sản xuất sản phẩm xe đó phải có trách nhiệm trình bày kế hoạch khắc phục trong một thời gian nhất định. Hoặc sẽ bị yêu cầu ngừng ngay việc đưa sản phẩm ra thị trường. Bằng cách đó, các nhà sản xuất (người nắm rõ nhất các thông số kỹ thuật) buộc phải thúc đẩy việc điều tra nguyên nhân (không loại trừ nguyên nhân gián tiếp gây cháy là xăng dầu.

 

Đồng thời tác giả cũng nhấn mạnh: “Thay vì lên tiếng phủ nhận lập tức nguyên nhân cháy xe là do xăng “bẩn”, Bộ KHCN cùng Bộ Công thương cần phải kiểm tra, lôi các đại lý bán lẻ bị phát hiện xăng không đạt tiêu chuẩn ra xử thật nặng, thậm chí xử lý hình sự một vài trường hợp để ngăn chặn lập tức lối làm ăn coi thường tính mạng con người và an toàn xã hội. Nếu như vậy, chí ít người dân còn cảm thấy được an ủi, rằng quyền lợi và tính mạng của họ không bị bỏ rơi”.

 

Khánh Tùng