Hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc trong thực hiện khám, chữa bệnh BHYT

Để giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh, đảm bảo thực hiện và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo đúng quy định và thống nhất trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế vừa ban hành Văn bản số 6403/BYT-KCB Hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc trong thực hiện và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế nhận được nhiều ý kiến của một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT, Sở Y tế tỉnh, thành phố và BHXH Việt Nam phản ánh về một số vướng mắc trong quá trình tố chức thực hiện chính sách pháp luật về KCB và BHYT. Để giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh, đảm bảo thực hiện và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo đúng quy định và thống nhất trên phạm vi cả nước, văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ:

Về việc thanh toán chi phí KCB BHYT tại Đơn nguyên điều trị nội trú hoặc Khoa điều trị nội trú của bệnh viện huyện hoặc Trung tâm y tế huyện, trong thực tiễn triển khai nhiều địa phương đã thực hiện chuyển đổi mô hình Phòng khám đa khoa khu vực thành Đơn nguyên điều trị nội trú hoặc Khoa điều trị nội trú của Bệnh viện đa khoa huyện hoặc Trung tâm y tế huyện theo hướng dẫn tại Công văn số 618/BYT-KCB ngày 25/01/2018 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, các Đơn nguyên/Khoa điều trị nội trú này đều nằm ngoài khuôn viên của Bệnh viện đa khoa huyện hoặc Trung tâm y tế huyện, có nơi cách xa khuôn viên bệnh viện tới hàng chục km. Do đó, cơ quan BHXH không có cơ sở để thanh toán chi phí điều trị nội trú tại các cơ sở là Đơn nguyên hoặc Khoa điều trị nội trú được thành lập không đúng quy định.

Hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc trong thực hiện khám, chữa bệnh BHYT - 1
Ảnh minh họa. Nguồn: TH.

Do đó, Bộ Y tế hướng dẫn, các Phòng khám đa khoa khu vực có điều trị nội trú chỉ áp dụng đối với các phòng khám đa khoa khu vực có điều trị nội trú đã được thành lập và hoạt động trước ngày 12/11/2018 (ngày có hiệu lực của Nghị định số 155/2018/NĐ-CP) tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Sở Y tế cho phép bằng văn bản. Nếu các Đơn nguyên điều trị nội trú hoặc Khoa điều trị nội trú (trước đó là các Phòng khám đa khoa khu vực) nằm ngoài khuôn viên của Bệnh viện đa khoa huyện hoặc Trung tâm y tế huyện: đáp ứng điều kiện của một trong các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh (như bệnh viện đa khoa, phòng khám đa khoa...) theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, thì Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế Bộ/ Ngành thực hiện thẩm định, cấp giấy phép hoạt động và thời hạn thực hiện trước 30/11/2019.

Về việc tổ chức ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với Bệnh viện Bạch Mai - cơ sở 2, BHXH Việt Nam phản ánh, Bệnh viện Bạch Mai - cơ sở 2 được cấp Giấy phép hoạt động với hình thức “Khoa khám bệnh đa khoa” là chưa đúng quy định tại Điều 23 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP và Điều 11 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP, Bệnh viện Bạch Mai - cơ sở 2 cũng chưa được Bộ Y tế phân hạng và tuyến bệnh viện. Do đó, cơ quan BHXH chưa có cơ sở để ký hợp đồng KCB BHYT năm 2019.

Bộ Y tế cho biết, việc cấp giấy phép hoạt động cho Bệnh viện Bạch Mai - cơ sở 2 với hình thức tổ chức hoạt động là “Khoa khám bệnh đa khoa” chưa phù hợp theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP. Bộ Y tế sẽ điều chỉnh lại hình thức tổ chức hoạt động trong Giấy phép hoạt động cho phù hợp theo quy định. Hiện tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 chưa được cấp giấy phép hoạt động với hình thức là bệnh viện nên chưa đủ điều kiện để xếp hạng bệnh viện….

Theo T.H 

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm