Hồn gốm Bàu Trúc qua giọng ca Chế Linh

(Dân trí) - 17 năm về trước, lần đầu “giáp mặt” Chế Linh tôi mới hiểu phần nào vì sao giọng ca vàng của (cái mà tôi gọi là) “trường phái nhạc nức nở”, lại có một vị trí vững chắc như vậy trong lòng bao thế hệ người Việt, nhất là những người Việt xa quê hương.

Hồn gốm Bàu Trúc qua giọng ca Chế Linh - 1
Chế Linh và 3 người con trai cùng thể hiện ca khúc "Nụ cười chua cay" để lại nhiều xúc cảm (ảnh: Jinn)

 

“Chế” của ngày xưa

 

Thủ đô Berlin của nước Đức khi đó cũng vào dịp cuối thu, lá vàng rơi xao xác khắp các công viên, con phố, hồ nước,  phủ ánh vàng huyền ảo buồn mac mác lên cả bầu trời, những mái nhà thành phố…Từ vài ngày trước, mấy chục anh chị em người Việt tá túc tại khu chung cư cũ kỹ đang chờ phá bỏ ở phần phía đông đã xôn xao tin nóng hổi: Chủ nhật này có đoàn ca sĩ hải ngoại sang  biểu diễn.

 

Giá vé đắt buốt ruột, tôi nhớ mang máng đâu như 350 Mark/vé. Nhưng ăn chơi phải tốn kém, những con người quanh năm đầu tắt mặt tối bám chợ, bám đường phố mà tôi vừa làm quen qua cô em họ đi xuất khẩu lao động rồi bám trụ lại ở đây, đều giơ tay biểu quyết: “Tới luôn!”

 

Thế là tối Chủ nhật đó cả đoàn rồng rắn lên mây đi xe buýt sang phía tây thành phố, để rồi  như rơi vào một biển người Việt đang hết sức phấn khích chào đón các ca sĩ tưởng chừng như rất quen mà lạ (bởi ngoài đời chắc chưa mấy ai giáp mặt). Sân khẩu đơn giản, gần như không trang trí gì ngoài tấm băng rôn có tên các ca sĩ (mà ai cũng biết qua các băng nhạc hải ngoại thời bấy giờ). Khán phòng chật ních, đa số là các bạn trẻ độc thân nhưng cũng có không ít cặp vợ chồng đem theo cả con nhỏ, hoặc các cặp đôi gá nghĩa hờ với nhau nơi đất khách quê người.

 

Bên ngoài trời lạnh thấu xương do đang chuẩn bị đón đợt tuyết đầu mùa, bên trong thì bầu không khí cứ như nồi nước luộc bánh chưng sôi sùng sục. Các nghệ sĩ lần lượt xuất hiện, đầu tiên là MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, rồi tới…. và…. (lâu quá tôi không nhớ hết tên nữa). Ai cũng kéo theo vali nhỏ hành lý vì vừa từ sân bay đến thẳng đây, biến vào hậu trường ít phút (chắc để dặm thêm chút son phấn) rồi lên sân khấu hát live cả loạt bài hát luôn.

 

Chiếm được vị trí tốt ở hàng ghế gần đầu, tôi bỗng giật bắn mình bởi tràng vỗ tay vang dội, đám đông không chỉ hô lên như những lần trước, mà là gào tới.... rách họng: Chế Linh, Chế Linh, Chế Linh…………

 

Ca sĩ họ Chế xuất hiện trong quầng sáng chói lòa của đèn chiếu di chuyển theo từng bước chân, với dáng vẻ phong trần, “bụi bặm”, “phớt đời”….rất công tử Bạc Liêu. Và khi giọng ca “buồn muốn chết” của ông cất lên, cả khán phòng như lặng đi trong những đợt sóng ngầm của một cơn say rất khó tả. Tất cả cùng đắm say, phiêu diêu, dạt dào theo dòng chảy những ca từ lúc mênh mang da diết, lúc như đẩy ta rơi vào tận cùng bể khổ, rồi lại nâng tâm hồn ta lên trong niềm hạnh phúc thanh thoát, lâng lâng…
 
Hồn gốm Bàu Trúc qua giọng ca Chế Linh - 2
Màn giao lưu hài hước giữa Cao Kỳ Duyên - Đức Huy - Tuấn Ngọc và Chế Linh (ảnh: Jinn) 

 

“Linh” ngày nay
 

Nhìn con trai Chế Kha của anh bây giờ, lòng tôi lại trào lên niềm xúc cảm như thấy lại hình ảnh “Chế của ngày xưa” bởi anh như sao y bản chính của người cha… Và tôi lại thấy mình đắm mình vào dòng chảy dạt dào theo những ca khúc như để đo ni đóng giày cho giọng ca Chế Linh. Vì giọng ca đó mà hàng triệu con tim đã khóc cùng Chế đó, rồi lại cười cùng Chế, nuốt ngược nước mắt vào trong cùng Chế, rồi lại nức nở trong tiếng cười ra nước mắt cùng Chế...

 

Có lẽ phải là những người đã biết thế nào là khổ đau, xa cách, mất mát, chia lìa, lọc lừa, bội phản đối lập với tình nghĩa, sự thủy chung… như những người con đất Việt xa xứ, mới thấm sâu hơn ai hết những nét đẹp từ chính những bi  kịch, những nỗi thống khổ, những giọt máu hồng cũng như những giọt nước mắt chảy tới khô kiệt trong giọng ca Chế Linh.

 

Đã gấp ba lần khoảng thời gian của “Mười năm tình cũ” trôi qua, nhưng tim tôi vẫn như tan vỡ khi nghe lại chất giọng bi thiết của Chế Linh qua những ca từ day dứt:

 

… Cả một trời yêu bao giờ trở lại...?

Ôi ta xa nhau tưởng chừng như đã...

Ôi ta yêu nhau để lòng cứ ngỡ...

Tình bất phân ly tình vẫn như mơ...!!!

 

Đành nhủ lòng thôi giã từ kỷ niệm...

Cho qua bao năm mộng buồn quên lãng..

Nhưng sao bao năm ngày dài qua mãi...?

Trong anh hôm nay thấy tình còn đây...!!

 

Mười năm cách biệt hình như em đã...

Quên câu yêu thương ta trao cho nhau..?

Em ơi bên kia còn chăng nhung nhớ..?

Như anh hôm nay thấy mưa trở về...!!!

 

Tôi không am hiểu về âm nhạc, chỉ biết yêu ghét theo cảm xúc của chính mình mà thôi. Chỉ biết chất giọng ca có một không hai của người nghệ sĩ gốc Chăm này sao cứ gợi nhớ về những làng quê tuy ban ngày thì chói chang ánh nắng, nhưng đêm xuống sao mà buồn tái buồn tê. Có điều gì đó thật khó nói về những người đàn ông Chăm đầy vẻ khắc khổ, những người phụ nữ Chăm đầy vẻ cam chịu song rất tài hoa, đầy bản sắc.
 
Hồn gốm Bàu Trúc qua giọng ca Chế Linh - 3
Sản phẩm gốm Bàu Trúc (ảnh: bautruc.com)

 

Giọng ca của Chế luôn gợi cho tôi liên tưởng về loại gốm Chăm truyền thống được sản xuất ở làng nghề Bàu Trúc,  tỉnh Ninh Thuận. Hồn gốm có xuất xứ từ làng Gốm được coi là cổ xưa nhất Đông Nam Á này, với tôi, thật dung dị nhưng cũng thật đặc sắc. Như thể ta thấy cả sa mạc mênh mông nắng, ngập tràn gió và thiên nhiên khắc nghiệt qua những sản phẩm gốm Bàu Trúc. Không thể và không nên đem gốm Bàu Trúc ra so sánh với bất kỳ sản phẩm nào khác... Và chúng có nét gì đó tương tự như sự nồng nàn, sự sâu lắng tuyệt vời thể hiện qua giọng ca vàng dòng nhạc Boléro vẫn làm say đắm lòng người - Chế Linh.

 

Chẳng cần ông hát “Xin yêu tôi bằng cả tình người”, trong lòng bao người con đất Việt vẫn vẹn nguyên tình yêu chung thủy, gắn bó với “Chế của ngày xưa" và "Linh của hôm nay” bất chấp  thời gian, bất chấp không gian, bất chấp mọi khoảng cách địa lý...

 

Thanh Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm