Hội Phụ huynh học sinh vì đâu cũng nên nỗi...

(Dân trí) - Được đề cập tới trong hầu hết các vấn đề bức xúc của ngành giáo dục có cả Hội Phụ huynh học sinh. Đây có vẻ như là lại thêm một cái lạ nữa khi hội được bên A lập ra, nhưng lại bị chê là chỉ bảo vệ quyền lợi cho bên B.

Phụ huynh học sinh méo mặt vì các khoản thu đầu năm học (minh họa, nguồn: Lao Động)
Phụ huynh học sinh "méo mặt" vì các khoản thu đầu năm học (minh họa, nguồn: Lao Động)

 

"Mác" minh bạch, bóng "phụ huynh" 

 

Cũng chẳng nên so sánh Hội PHHS (Hoặc còn gọi là Hội Cha mẹ HS) xưa với nay làm gì nữa, bởi thế nào cũng có những người kêu rằng: Xưa rồi Diễm ơi! Song đúng là rất lạ khi chính các PHHS là những người bình chọn lập nên Hội này để làm điểm nối nhịp cầu giữa PHHS với trường, với lớp. Thế rồi sau khi “bỏ những lá phiếu” tín nhiệm đó, các “cử tri” lại chẳng mấy tin tưởng, thậm chí còn luôn tỏ ra bất bình với các “đại biểu” đại diện cho chính mình.

 

Có một thực tế mà theo chúng tôi được biết, khi bầu bán vào những Hội kiểu này thì đa phần người được bầu lại bị bắt ép phải làm. Trong nhiều trường hợp, giáo viên các lớp cũng đã nhắm nhe, lựa chọn từ trước trong số các PHHS xem những ai có vẻ là người nhiệt tình, năng nổ, có tiềm năng hơn…Hoặc chính các bậc PHHS do quen biết nhau từ trước, hiểu rõ hơn ai có những thế mạnh phù hợp với công tác Hội để đưa ra bầu bán.

 

Thế rồi, số phụ huynh trúng cử (hoặc bị ép nhận trách nhiệm)  thường là những người hoặc từng có kinh nghiệm làm những công việc XH nên có tài ăn nói, có sức thuyết phục, hoặc có khả năng hơn (về thời gian, hoàn cảnh gia đình, địa vị XH, điều kiện kinh tế…)

 

Còn lại bao nhiêu PHHS cũng là bấy nhiêu ý kiến, khó có thể sớm đi đến thống nhất với nhau được, đặc biệt là khi bàn tới những vấn đề rất tế nhị như tiền nong. Các cô giáo càng ngại phải nói ra chuyện tiền, thì càng đành phải đùn đẩy cho PH để họ tự nói với nhau dễ hơn.

 

Với những PHHS có khả năng hơn về kinh tế, cách nghĩ nếu cũng “thoáng” hơn một chút (nhất là ở thành phố) thì việc quyết những khoản đóng góp dù là tiền triệu hoặc trăm ngàn, chục ngày chắc cũng không khó khăn lắm. Ai muốn tiết kiệm thời gian là vàng bạc của mình thì càng muốn quyết nhanh gọn hơn. Tất nhiên, những người này sẽ vấp phải phản ứng từ phía các PH có gia cảnh eo hẹp hơn. Hoặc từ cả những người không hạn hẹp về tiền bạc, nhưng cái chính là họ không thể chấp nhận được kiểu “xã hội hóa giáo dục” lại cứ nhằm vào túi PHHS như ở nhiều trường đang thực hiện thời nay.

 

Chân dung Hội PHHS ở nhiều nơi giờ có lẽ đúng như phác họa của SMCA  smca2005@gmail.com:

 

“…Có một vấn đề cũng khá nổi cộm hiện nay là một số khoản lạm thu, nhà trường lấy Hội Cha mẹ HS trường, lớp đứng ra làm cái "mác minh bạch" để thu tiền. Khiến những PH đứng ra phải làm việc rơi vào thế bí: không làm thì con mình học ở đó sẽ ra sao, mà làm thì tiếp tay cho điều sai và cũng phải hứng chịu dị nghị từ PHHS…”
 

Và vì vậy, phản ứng của khá nhiều PHHS với vai trò của Hội do chính mình bầu nên này nhiều khi khá mạnh mẽ:

 

“Theo tôi, để nhà trường công khai các khoản thu và thu đúng theo quy định thì có lẽ cần phải giải tán Hội Cha mẹ học sinh, vì Ban chấp hành Hội Cha mẹ học sinh thực tế do Ban Giám hiệu dựng lên để hợp lý hóa các khoản thu "tự nguyện". Nhìn chung Hội Cha mẹ học sinh hoạt động không độc lập với nhà trường về tài chính và cũng không phối hợp với nhà trường trong giáo dục học sinh. Vì vậy nếu giải tán Hội Cha mẹ học sinh, tôi thấy cũng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của nhà trường, mà sẽ giảm nhẹ được các khoản đóng góp "tự nguyện" - Phong Anh:  anhphonghda@gmail.com

 

“Theo tôi, tại các trường bây giờ tồn tại Hội PHHS nhưng đa số thực chất là một tổ chức đứng ra làm những việc mà nhà trường truyền đạt tới các bậc PH không qua quy định bằng văn bản, mà chỉ thể hiện qua Hội PHHS dưới danh nghĩa các khoản đều được "tự nguyện" thông qua kết quả có sự "thống nhất" của Hội. Đời thủa nhà ai một suất ăn của các cháu học sinh lớp 1 phải đóng 25.000đ rồi, mà vẫn phải đóng thêm một tháng 100.000đ để hỗ trợ cho các bác nấu ăn? Thật là đắt hơn bố mẹ đi ăn cơm bụi. Lại còn khoản hỗ trợ cho các cô, các bác trông cho các cháu ngủ trưa... Toàn là "tự nguyện". Thử hỏi nhà trường mà không đề ra và không được phép thu, thì có ông bà Hội trưởng Hội PHHS nào dám đứng ra để phổ biến thu? Quả là toàn luồn lách, biến tướng hết cả. Quá mệt mỏi với các chiêu trò đó!” – Khanh Nguyen:  khanhhdo78@yahoo.com.vn

 

“Đồng ý với các bạn là tình trạng lạm thu đủ các loại là phổ biến. Nhưng các bạn ạ, giáo viên chỉ là người làm công ăn lương thôi. Họ thu tiền thật đấy nhưng phải nộp ngay. Nếu không nộp sẽ bị trừ thi đua vì không hoàn thành nhiệm vụ. Mà trong hơn chục giáo viên dạy 1 lớp cũng chỉ 1 người làm chủ nhiệm thu, chứ không phải tất cả giáo viên thu. Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục cũng chẳng được gì đâu, vì họ không dại gì mà chỉ đạo việc thu như vậy. Việc thu - chi toàn bộ là do Hiệu trưởng hết. Nếu có trách chỉ là trách sự làm ngơ của cơ quan quản lí hiệu trưởng, và trách Hội PHHS thiếu dũng cảm. Mà các bạn có biết những người đi họp phụ huynh được lựa chọn kỹ thế nào không? (Nếu bạn nào muốn nghe, tôi có băng ghi âm của 1 cuộc họp hội đồng giáo dục, chính hiệu trưởng chỉ đạo mẹo chọn phụ huynh đi họp đấy)…” – Thanh Son:  forexgoldvietnam@gmail.com

 

“Nói về tiền lạm thu và vai trò của Hội PHHS trong việc này thì không biết bao giờ mới chấm dứt những điều khiến nhiều PHHS phải kêu ca, phàn nàn? Đặt ra Hội PHHS mà ở nhiều trường chính PHHS lại không thấy họ làm công việc gì giúp ích cho học sinh (ví dụ như góp ý với nhà trường về việc học hành, ăn uống của các cháu...) Đằng này sinh ra Hội này hình như chỉ để thu tiền thay cho nhà trường. Tôi có 2 đứa con, 1 học tiểu học, 1 học THCS mà họp phụ huynh đầu năm tiền Hội PHHS không thôi (chưa kể tiền đóng cho trường) mỗi cháu một học kỳ đã là 500.000đ. Mà một lớp là 50 HS, hỏi tiền này đi đâu, không đóng cũng không được mà đóng thì ấm ức. Tôi thấy năm nào cũng nói tới chuyện thu chi tiền không rõ ràng của nhiều Hội PHHS, nhưng vẫn không thấy có tác dụng gì” - Thu Ha:  thuha325@gmail.com

 

“Con tôi năm nay học lớp 2 trường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đầu năm họp phụ huynh, nhà trường "huy động tự nguyện đóng góp" tất cả các khoản khoảng 2 triệu đồng. Núp bóng Hội PHHS, nhưng tại cuộc họp các Trưởng ban phụ huynh và Ban Giám hiệu thì chỉ là mệnh lệnh của cô Hiệu trưởng về các khoản đóng góp, các Trưởng ban phụ huynh đừng hòng có cơ hội đóng góp ý kiến trao đổi. Sắp tới còn bị vận động đóng góp quét vôi, lăn sơn làm mới lớp học nữa chứ. Không biết Sở GDĐT HN có ý kiến gì không?” – Trung Thanh:  man.alone77@gmail.com

 

“Cháu tôi vào học lớp 1 Lê Văn Tám phường Bách Khoa, HN. Ngoài tiền đóng rất nhiều khoản thì Trưởng Ban phụ huynh còn đề nghị mỗi gia đình đóng thêm 200.000/ hs/1 tháng để "bồi dưỡng" vất vả cho cô. Lớp 50 học sinh, như vậy riêng tiền bồi dưỡng cho cô mỗi tháng 10 triệu đồng, chưa kể quà ngày lễ, tết... Cô chỉ hỏi: "Như vậy có phiền không"? Vị Trưởng ban nói ngay: "Thế là ít". Như vậy là nhiều hay ít?  Chỉ biết rằng con vị Trưởng ban cuối năm sẽ là học sinh giỏi…” - Đình Xuân: dxuan@yahoo.com
 
Một buổi họp phụ huynh học sinh (ảnh minh họa)
Một buổi họp phụ huynh học sinh (ảnh minh họa)
 

Thế tiến thoái lưỡng nan

 

Vâng, thật là kỳ lạ vì trong các vấn nạn của ngành giáo dục hiện nay, ai cũng cho rằng mình không có lỗi. Giáo viên nói chỉ làm theo chỉ đạo từ cấp trên. Ban Giám hiệu lý giải kinh phí quá eo hẹp, phải tăng nguồn “xã hội hóa” từ PHHS để mua sắm trang thiết bị tiên tiến chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của học sinh. Hội PHHS thì cũng phải làm theo chỉ đạo của Ban Giám hiệu, theo gợi ý của các thầy cô giáo. Bộ và Sở thì luôn nói “cương quyết” cấm này, cấm kia, “nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm khắc”… Nhưng kết quả thì: vẫn y nguyên nếu không muốn nói là càng tệ hơn, vì cấm khoản này lại nảy sinh ra khoản khác để bù đắp lại. PHHS đông như vậy nhưng ai cũng viện cớ: không dám phản ứng vì sợ con mình bị... cô trù.

 

Thế nên mới có những bạn đọc không nén nổi bức xúc, phải lên tiếng chất vấn ngược lại chính các PHHS:

 

“Các bạn nói vậy có lẽ là đang tự “bôi xấu” mình và dạy các con nói dối. Nếu thấy không thỏa đáng thì tại sao trong các buổi họp phụ huynh, các bạn không đứng lên có ý kiến thẳng thắn?  Tại sao các bạn không gặp thẳng Ban Phụ huynh lớp, giáo viên chủ nhiệm hoặc hiệu trưởng góp ý? Tại sao các bạn vẫn nộp tiền? Tại sao các bạn vẫn cố xin cho con vào học tại trường đó, lớp đó? Thậm chí các bạn vẫn tỏ ra kính trọng giáo viên trước mặt họ. Vậy thực chất các bạn muốn gì? hay chỉ đơn giản là hiệu ứng theo đám đông???” - Phụ huynh 2 học sinh:  luuthieugia@yahoo.com

 

“PHHS thì kêu phải đóng góp nhiều, GV thì kêu là phải thu nhưng không được chi... Vậy nên chăng: GV thì mạnh dạn không "thu hộ" nữa đi, còn Hội PHHS và các PHHS cứ mạnh dạn không "tự nguyện" nữa đi. Đã biết là việc sai trái mà vẫn nhắm mắt làm theo thì còn phải xử... tội đồng phạm đấy!” - Anh Tuan:  anhtuan4779@yahoo.com

 

Tại sao lại không? Lẽ nào đa số dân VN mình giờ đã quá quen với cách sống thụ động, thấy người ta làm sao mình cũng làm vậy dù biết rõ là sai trái. Mà nguyên do chủ yếu là tâm lý ngại trở thành người đơn độc trong đám đông?

 

Và nên chăng các bậc PHHS cũng nên tham khảo thêm phân tích của Truong Dinh Nam truong_dinh_nam@yahoo.com về điểm đến của dòng tiền “tự nguyện” đang bị lên án là lạm thu quá mức:

 

“Theo như những gì các thầy cô nói, thì tôi thấy việc thu phí "tự nguyện" này là do lợi ích nhóm rồi. Vậy là chúng ta đã tìm được nguyên nhân và nơi đỗ bến của dòng tiền đóng góp "tự nguyện", thế bây giờ chúng ta làm gì, phương pháp ra sao? Chẳng lẽ lại để nhóm đó tự bẻ răng nhóm? Có lẽ phải xin 1 bác sĩ không thuộc Bộ Giáo dục vào "xử lý con sâu răng" này cho dân bớt bức xúc…”

 

Để rồi cùng đồng tình với mong muốn "trở lại ngày xưa" như Hoàng Quốc Khánh:  Khanhshqk83@yahoo.com bày tỏ:

 

“Bao giờ cho đến ngày xưa. Ngày xưa hoc sinh chỉ học một ca, ngày nay học sinh học bán trú cả ngày mà vẫn phải học thêm cả tối và ngày nghỉ. Không hiểu học cái gì mà nhiều thế. Nếu con bạn không học thì bạn biết rồi đấy.... Thật bất công cho những cháu nhỏ gia đình không có điều kiện. Kính mong Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo nên chăng cấm dạy học thêm ở cấp 1 dưới mọi hình thức. Mong rằng đã ban hành lệnh cấm học thêm là phải thực thi được, chứ nói xong rồi lại để đó thì quá chán!”

 

Thực ra để mong quay lại như ngày xưa thì chắc chẳng ai thực sự muốn đâu, nhưng cái chính là phải làm trong sạch ngay ngành giáo dục nước nhà. Mà muốn vậy, trước hết phải cùng chung tay xóa bỏ các tệ nạn không thể để tồn tại trong bất kỳ lĩnh vực nào, chứ không chỉ trong môi trường  giáo dục “trăm năm trồng người”…Trong đó không thể thiếu vai trò của Hội PHHS và các PHHS. Vấn đề là tất cả đều cần có sự dũng cảm đổi mới chính mình một cách thực sự! 

Kiều Anh