Bạn đọc viết
Học để thoát nghèo hay để nghèo đi
Có những gia đình có đến ba cử nhân thất nghiệp. Nuôi ba con ăn học gia đình gom về một đống nợ to hơn quả núi, chẳng biết đến khi nào mới trả nổi. Có nhiều gia đình phải bán trâu, bán đất đi để cho con ăn học giờ không còn gì để bán trả nợ nần nữa họ phải bỏ nhà đi làm ăn xa.
Học cao để có nhiều tri thức, làm được nhiều việc có ích cho gia đình và xã hội. Đối với những người dân nghèo, học cao trước hết là để có một việc làm ổn định, có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống. Mục đích đầu tiên họ hướng tới đó là thoát nghèo.
Vì lẽ đó nhiều con em những gia đình nghèo khó trên cả nước đã phấn đấu không biết mệt mỏi để đạt thành tích cao trong học tập và rồi đã thi đậu vào đại học với niềm hi vọng sẽ đổi đời.
Những gia đình có con em học cao có thực sự thoát nổi nghèo hay không? Về lâu dài không biết thế nào nhưng trước mắt họ bị nghèo hơn trước.
Gia đình nghèo phải chạy vay đủ kiểu để nuôi con em ăn học, con em họ ra trường vẫn ở số không, không có việc làm ổn định, không có thu nhập. Còn gia đình thì sao? Gia đình đã bị âm nặng về kinh tế với những khoản nợ chồng chất.
Theo khảo sát thực tế một làng nghèo ở xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, trong làng có tới 20 cử nhân ra trường thất nghiệp. Tất cả đều là con em của những gia đình dân tộc Mường nghèo khó. Họ cho con ăn học với mục đích thoát nghèo nhưng thực tế họ không những không thoát nổi nghèo mà còn bị nghèo đi trông thấy.
Có những gia đình có đến ba cử nhân thất nghiệp. Nuôi ba con ăn học gia đình gom về một đống nợ to hơn quả núi, chẳng biết đến khi nào mới trả nổi. Có nhiều gia đình phải bán trâu, bán đất đi để cho con ăn học giờ không còn gì để bán trả nợ nần nữa họ phải bỏ nhà đi làm ăn xa.
Các cử nhân thì mỗi người mỗi nơi làm đủ thứ nghề để phụ giúp gia đình trang trải nợ nần. Có cử nhân cảm thấy mình như tội đồ vì đã khiến cho gia đình phải khốn khổ.
Lí do tại sao các cử nhân thất nghiệp, có cử nhân mới ra trường, cũng có cử nhân ra trường ba, bốn năm. Có phải chăng năng lực của họ quá yếu kém nên không được tuyển dụng. Họ đều là những con em ưu tú của làng, phấn đấu không ngừng nghỉ để thoát nghèo không có lẽ họ lại kém cỏi đến thế.
Ở nước ta có không ít những vùng quê nghèo rơi vào tình trạng oái oăm như ngôi làng nghèo này.
Thực tế ở các vùng quê nghèo bây giờ không có ai muốn cho con em đi học đại học, trừ những con em học trong lực lượng vũ trang. Thấy cảnh thất nghiệp nhan nhản, gia đình tan hoang ở địa phương cả phụ huynh và học sinh đều cảm thấy nản lòng.
Năm nay nhiều trường Đại học thiếu nhiều chỉ tiêu, lý do thì có nhiều, nhưng một trong những lý do căn bản phải nói đó là người dân và các học sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa không còn mấy ai tin vào việc học đại học để thoát nghèo nữa.
Tại các trường Đại học, tỉ lệ sinh viên vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa luôn chiếm đa số, khi họ không mặn mà với việc học cao nữa thì các trường thiếu chỉ tiêu là điều tất yếu.
Các cử nhân để có sức đóng góp cho tổ quốc trước tiên họ cần đủ sức nuôi thân. Khi đã ở vào thế kiệt quệ không nuôi nổi thân thì có muốn, họ cũng không thể góp sức cho quốc gia dân tộc.
Phạm Văn Điển