Họ đang phải nuôi cả bộ máy chính quyền địa phương

Vì sao đóng góp tới gần 30% GDP mà hơn 5 triệu hộ kinh doanh chỉ đóng góp 1,6% ngân sách? Vì họ đang phải “nuôi cả bộ máy chính quyền địa phương, nuôi rất lớn các đồng chí ạ” - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông giải thích.

Họ đang phải nuôi cả bộ máy chính quyền địa phương - 1

"Người hùng cô đơn" Đoàn Ngọc Hải đã được cho nghỉ sau khi viết đơn từ chức, phải chăng là một thất bại của chúng ta trong cuộc chiến vỉa hè chống lại lợi ích nhóm, chi phí không chính thức?

Đúng là có những nghịch lý về những đóng góp cho ngân sách từ 5,1 triệu hộ kinh doanh: Đóng góp gần 30% GDP, giải quyết việc làm cho khoảng 8 triệu lao động, nhưng đóng góp cho ngân sách thì chỉ khoảng 1,6%.

Nhưng đó là những “nghịch lý” không khó để giải thích, những “nghịch lý” rất dễ thấy nguyên do mà nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã nói rất đúng, rất thẳng trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, rằng họ đang  phải “nuôi cả bộ máy chính quyền địa phương, nuôi rất lớn...”.

Trong cuộc họp này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cũng nói: “Khu vực hộ kinh doanh là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng vặt”.

Còn Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh nói hộ kinh doanh phải chi phí rất nhiều thứ mà "ai cũng biết". Giả định mỗi trong 5 triệu hộ kinh doanh phải “chi không chính thức” chỉ 1 triệu/tháng thì tổng chi phí một năm cũng lên đến gần 50-60 ngàn tỉ đồng.

Chi phí không chính thức là gì?

Là việc “cưa đôi tiền phạt”. Là tiền luật vỉa hè. Là “hụi chết”. Là “phế”. Là thậm chí "tiền tươi" không cần phong bì.

Chuyên gia kinh tế Đặng Quang Vinh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) từng dẫn những rà soát thực tế cho rằng: Chi phí không chính thức có thể phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh và trong tất cả quá trình thực thi pháp luật, chính sách và thủ tục hành chính. Nhưng chi phí này rất khó xác định, khó tiên liệu và không thể định lượng.

Đối với doanh nghiệp, 59% cho rằng họ vẫn còn phải chi trả các chi phí không chính thức. Còn đối với hộ kinh doanh, chưa có thống kê khảo sát bởi không chừng con số ấy có khi lại là... 3 con số %.

50-60 ngàn tỉ chi phí không chính thức, để “nuôi rất lớn” cả bộ máy chính quyền địa phương vừa đè nặng lên sự cam chịu của người dân, vừa làm hỏng cán bộ, vừa gây thất thu lớn cho ngân sách.

Và vấn đề là chấn chỉnh việc thực thi pháp luật đủ nghiêm để xóa bỏ tình trạng tham nhũng vặt này, chứ đặt vấn đề đưa hộ kinh doanh lên doanh nghiệp có lẽ chưa hoàn toàn chính xác.

Chính Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh nói thế này: “Nếu luật hoá phải thêm chi phí mà chi phí bên ngoài vẫn có thì nếu là tôi, tôi cũng không muốn lên doanh nghiệp".

Theo Anh Đào

Báo Lao động