Hiến kế giải cứu dự án nghìn tỉ đồng TISCO khỏi hóa "sắt vụn"

Báo Lao Động đã có loạt bài đăng tải về thực trạng của dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO II) sau nhiều năm vẫn "đóng băng", gây lãng phí, thiệt hại rất lớn. Trước vấn đề này, mới đây, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã trình phương án thoái vốn lên Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến các bộ ngành. Nhiều chuyên gia kinh tế, ĐBQH cũng tâm huyết đưa ra các ý kiến để sự lãng phí này sớm được khắc phục.

Hiến kế giải cứu dự án nghìn tỉ  đồng TISCO khỏi hóa sắt vụn - 1

Một trong số ít hạng mục xây lắp gần hoàn thiện.

TISCO II (dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) dừng thi công từ năm 2013 đến nay, khiến tình hình tài chính Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) lâm vào cảnh khó khăn; đặc biệt đời sống công nhân, người lao động bị ảnh hưởng lớn.

Đúng như chia sẻ của ông Vũ Thượng Thư, Chủ tịch Công đoàn TISCO với PV Lao Động, dự án "đắp chiếu" nhiều năm qua đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của gần 6.000 lao động. Theo ông Thư, việc dừng dự án đã tạo gánh nặng cho công ty, từ đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Tới đây, nếu không có dự án để nâng cấp, cải tạo công nghệ thì TISCO cũng khó để phát triển mạnh và cạnh tranh được trên thị trường.

Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã trình Chính phủ phương án thoái vốn nhà nước tại Tisco. Giải pháp thoái vốn được kỳ vọng giúp dự án TISCO II tìm kiếm được nguồn đầu tư, thay đổi phương thức quản trị, từ đó có thể giải quyết những vấn đề tồn đọng nhiều năm qua.

Lãnh đạo TISCO cũng khẳng định nếu dự án giai đoạn II sớm được tái khởi động, đi vào sản xuất thì hoàn toàn có thể giải quyết được những vướng mắc, tồn tại đang ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội cho hàng vạn người.

Là người từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Quốc hội về 12 dự án thua lỗ của ngành công thương, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, song song với việc xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị có sai phạm khi triển khai dự án thì cần có các động thái kịp thời hơn để giải quyết dứt điểm các tồn tại, ổn định sản xuất cho doanh nghiệp và bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Ngoài ra, theo ông Hòa, việc tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực sẽ mở ra cơ hội "tái sinh" cho dự án đã ngừng thi công nhiều năm. Việc chậm xử lý dự án có thể làm mất cơ hội khi có nhà đầu tư quan tâm.

Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng này đã kéo dài lâu quá rồi. Điều quan trọng vào thời điểm này đó là phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, tránh việc “đâm lao phải theo lao”, tức là nhà nước ra sức cứu giúp các dự án. “Tùy từng dự án mà có các cách khác nhau, tuy nhiên chúng ta nên để cho nhà đầu tư khác vào, nhà nước không nên tiếp tục đầu tư và đưa vốn vào đó”, TS Doanh nhấn mạnh.

Đây cũng là quan điểm và ý kiến của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long. Ông nói “Nhà nước không thể góp vốn vào nữa, nhưng cần phải khôi phục lại bằng cách để cho nó thoái vốn”.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường phân tích, dự án TISCO II áp dụng công nghệ luyện kim lò cao - lò thổi ô-xy, là công nghệ phổ biến của ngành thép, khoảng 70% các nhà máy trên thế giới sử dụng công nghệ này, vì vậy việc tái khởi động dự án là rất thuận lợi. Người lao động TISCO cũng như người dân tỉnh Thái Nguyên vẫn đang khát khao đưa nhà máy vào hoạt động trong một ngày không xa.

Theo Cao Nguyên

Báo Lao động