Phân làn giao thông - xu thế văn minh!

(Dân trí) - Tuy đã ba lần Hà Nội thực hiện thí điểm phân làn giao thông theo phương tiện không mấy thành công, nhưng việc Hà Nội sẽ thực hiện phân làn xe trên 5 tuyến phố từ ngày 20/9 vẫn được đa số người dân hưởng ứng với lời khích lệ: Khó mấy cũng phải làm!

 
Phân làn giao thông - xu thế văn minh! - 1
Với việc nhân rộng các tuyến phố được phân làn phương tiện, Hà Nội hi vọng có thể giảm thiểu ùn tắc giao thông. (ảnh: Internet)

 
Quyết tâm và sự đồng thuận
 

Theo tôi, phân làn các tuyến này là rất chính xác vì có ít nhà dân và ngõ ở 2 bên, hạn chế được việc tạt ngang tạt ngửa. Cái cần làm khác các lần trước là nên dùng phân cách cứng để phân làn ở Trần khát Chân, Đại cồ Việt và Kim mã. Như vậy, chỉ cần 1 CSGT đứng ở đầu mỗi đoạn đường là đủ. Đoạn Hàng Bài, Phố Huế, Bà Triệu thì cần thêm cả lan can ngăn vỉa hè nữa.

 

Ngoài ra, ở những phố đủ rộng cho 3 làn xe cũng cần phân làn riêng cho xe bus và taxi để tránh cản trở các phương tiện khác khi đón trả khách . Riêng đoạn Kim Mã, có thể bố trí ô tô đi bên lề phải cùng xe bus, xe máy đi bên trái đường. Ở những điểm đỗ xe bus cần mở rộng một khoảng để xe bus có thể tạt vào đón trả khách.

 

Nguyên Tống:  nguyentt1969@yahoo.com nhấn mạnh ủng hộ kèm thêm những gợi ý cụ thể.

 

Tôi rất ủng hộ và sẽ tuân thủ theo quy định phân làn xe tại Hà Nội, vì tôi thấy tại TP HCM đã thực hiện tốt việc phân làn xe từ lâu tại một số tuyến đường. Tuy nhiên việc phân làn xe tại Hà Nội sẽ gặp một số khó khăn và khó có thể thực hiện được vì:

 

1. Một số tuyến đường không dùng hệ thống đèn tín hiệu tại các nơi giao nhau. Người tham gia giao thông đến điểm quay đầu xe buộc phải lấn làn để quay đầu, luôn gây ùn tắc và vi phạm lấn làn.

 

2. Tuyến đường ngắn, khổ đường hẹp không đủ để phân làn cho phương  tiện.

 

Do đó cần phải xem lại cách bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông trước khi phân làn.

 

Manh Cương:  buimanhcuong102@gmail.com lưu ý thêm.

 

"Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền". Câu nói đó đúng trong trường hợp này. Tuyến phố Kim Mã trước đây gọi là thí điểm cho có thôi chứ thời gian chuẩn bị thì mất mấy năm, mà thời gian thí điểm đâu được có 1 tuần, rồi than khó để bỏ. Nếu nói khó thì Tp.HCM còn khó hơn nhiều. Vậy mà họ vẫn làm tốt từ nhiều năm nay. Vấn đề, theo tôi, có lẽ cũng là do không ít người dân sống ở HN ai cũng cậy mình có tý quen biết với người này người kia, nên hình  như chẳng ngại vi phạm và không muốn tuân thủ mà thôi.

 

Chẳng cần phạt tiền, chỉ cần bắt những người vi phạm đứng lại đó độ 1 tiếng đồng hồ thôi thì lần sau sẽ đi đúng ngay ấy mà. Trong TP HCM, ô tô muốn rẽ trái thậm chí thì dù vẫn phải vượt qua vạch sơn trước đèn tín hiệu rồi mới được chuyển làn đường mà người ta vẫn làm được cơ mà. 

 

Trung Nguyen:  ba_che_lor@yahoo.com lạc quan.

 

Việc phân làn thể hiện là một đất nước văn minh, là việc cần thiết. Nhưng các vị hãy nghiên cứu cho kỹ, đừng để việc phân làn là cơ sở cho phạt tiền (và cả “làm tiền”) khi phân làn không khoa học, khó quan sát và không đủ thời gian chuyển làn, nhất là với ô tô. Tôi chỉ sợ phân làn xong tôi phải luôn chuẩn bị 2 triệu để nộp phạt, vì không còn khoảng cách và tầm nhìn để hiểu được việc phân làn, cắm biển và hình chỉ dẫn.

 

Chúng ta là đất nước tiết kiệm, điển hình nhất là quá tiết kiệm biển chỉ dẫn giao thông. Có những đoạn quy định tốc độ chỉ có 2 biển đầu và cuối, cơ hội nhìn là quá ít cho người điều khiển phương tiện. Rồi sự nhầm lẫn hướng dẫn như trên đường Lê Văn Lương kéo dài, hay tôi hay bị phạt mà… giật mình – đường phân cách vạch đứt, nhưng mỗi chỗ rẽ lại kẻ một mũi tên hướng rẽ, chảng hiểu hướng dẫn cái gì? Nếu hướng buộc đi sát lề trái hoặc phải thì phải quay đầu, thì vạch đường phải là vạch liền chứ? Hôm qua tôi đi, vừa lúc nhìn thấy mấy anh CSGT, thôi thì chắc ăn cứ phải quẹo theo hướng mũi tên đã...

 

Hoangdio:  thuongvu_24h@yahoo.com chia sẻ kinh nghiệm.

 

Tôi ủng hộ việc này. Phải làm bằng được để con người Việt Nam tiến dần đến văn minh, tự giác. Cứ lúc nào cũng theo thói quen thì chẳng bao giờ cải thiện được. Như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm cũng là một thành công rồi. Muốn thay đổi ý thức thì phải làm mạnh, nhưng phải đúng, rõ ràng.

 

Hoàng Hưng:  hung_dt2_bk@yahoo.com nhắc lại bài học thành công nhờ quyết tâm trong việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy.

 

Nên "phân làn" từ luật đã thì mới có thể thành công! Đơn cử việc xử phạt giữa các phương tiện tham gia GT: Cùng học luật, thi luật như nhau, cớ sao mức phạt đối với xe máy lại chỉ bằng 1/10 xe ôtô với cùng 1 lỗi như nhau. Trong khi Luật GTĐB nêu rõ: "Các phương tiện đều bình đẳng trước luật khi tham gia GT". Có lẽ cũng chính vì phạt "rẻ" quá nên CSGT cũng có thêm phần ngại xử xe máy và đương nhiên là còn nhiều nguyên nhân khác khiến CSGT ngại "làm" xe máy, vậy nên dân mới nhờn luật…

 

Trần Huy:  huytk@hyundaimotor.com.vn nêu thực tế.

 

Theo tôi thì đã làm thì phải làm đến cùng chứ đừng làm kiểu "mang con bỏ chợ" mà phí công sức và tiền của. Khi đã làm thì phải có lực lượng luôn giám sát và kèm theo chế tài xử phạt thật nghiêm. Chứ tôi thấy trên các tuyến đường hiện nay ô tô to, ô tô nhỏ cứ dàn hàng 3 hàng 4 thậm chí hàng 5 ra đường. Xe máy có muốn lên cũng không lên được, vì vậy xe máy thì cứ phải lao lên vỉa hè….

 

Tương tự như vậy, Đồng Thắng:  dongthang77@yahoo.com.vn viết.

 

Tôi có ý kiến thế này về việc chấp hành của người dân khi di chuyển trong những làn đường đã được phân làn. Chúng ta hãy khuyến khích người tham gia giao thông chụp những bức ảnh vi phạm của những người thiếu ý thức khi đi sai làn đường. Lập hẳn một địa chỉ để tiếp nhận những hình ảnh đó và coi đó như bằng chứng để phạt người vi phạm. Nếu làm được vậy thì các anh CSGT sẽ không cần lúc nào cũng có mặt trên đường mà theo dõi người tham gia giao thông. Chúng ta sẽ có một đội ngũ "cảnh sát" tình nguyện đi trên đường để giám sát người tham gia giao thông.

 

Đức Hưng:  nguyenduchung1909@gmail.com gợi ý cách huy động lực lượng giám sát giao thông tình nguyện.

 
Phân làn giao thông - xu thế văn minh! - 2
Dù đã được phân làn nhưng phương tiện giao thông trên đường Đại Cồ Việt đi lại vẫn rất lộn xộn (ảnh: Quang Phong)
 

Những "rào cản" cần vượt qua

 

Bên cạnh đó cũng còn có những ý kiến bày tỏ băn khoăn, thiếu tin tưởng, lo ngại khả năng lại “đầu voi đuôi chuột” vì điều kiện cơ sở hạ tầng của ta thực tế xem ra chưa thích hợp.

 

Làm sao mà phân luồng được với tình trạng giao thông VN hiện nay

 

1. Xe bus lúc đỗ đón trả khách thì phải vào đường trong cùng. Vậy xe máy và các xe khác đi đường nào?

 

2. Đường giao cắt quá nhiều, khi rẽ vào thì cua thế nào?

 

3. Đường quá nhỏ không đủ làn đường để phân. Chúng la làm đường có ba làn như đường Phạm Hùng đã bảo rộng? Khi làm thì phải tính người đi đường có bao nhiêu loại, mật độ dân cư/ khu vực, chứ chúng ta cứ làm kiểu này rồi càng tắc thêm thôi.

 

4. Quản lý yếu kém, kể cảnh sát giao thông cũng nhiều khi không làm hết trách nhiệm. Liệu có người nào đứng lên nói như “bầu Kiên” bên thể thao về thực trạng giao thông VN thì tốt quá....

 

Viet:  viet@yahoo.com nêu những lý do khiến việc phân làn chưa khả thi.

 

Nếu phân ra và đi đúng được làn thì rất tốt, nhưng không phải nói làm là làm được. Cũng không thể so sánh: TP HCM làm được mà HN tại sao không được. Cần đánh giá 1 cách tổng thể cơ sơ vật chất, vì có rất nhiều đường nhánh ngõ, nếu ô tô cần rẽ vào ngõ khi đang đi trên làn không từ từ xi nhan và áp vào phần lề thì rẽ làm sao? Vào làn trong thì có xe máy, xe đạp, thời điểm này xe máy phải tránh đi ra làn khác là chuyện đương nhiên. Nếu không thi phải đứng hết lại, chờ ôtô rẽ xong rồi mới đi (ví dụ như chờ xe bus). Tôi thấy thật khó để làm project này.

 

Nick Đi theo làn ??:  khang.vuhuy@yaoo.com nêu những dẫn chứng cụ thể hơn về những khó khăn vẫn đang tồn tại…

 

Dẫu khó nhưng chúng tôi cũng tin rằng “Việc gì khó, có nhân dân”. Trong tiến trình phát triển rõ ràng chúng ta không thể thụt lùi được. Nhất là khi tình hình giao thông của VN vốn được cả bạn bè quốc tế và chính người VN chúng ta đánh giá là “có một không hai” trên thế giới về sự hỗn loạn, mất trật tự và tai nạn gia tăng như hiện nay, thì xu thế cần thiết vẫn phải là: tiến đến văn minh! Vì vậy, khó mấy cũng cần toàn dân đồng lòng, chung sức, đồng thuận và quyết tâm làm cho bằng được.

 

Khánh Tùng