Hãy trả lại những dòng sông bị “đánh cắp”

(Dân trí) - Đã đến lúc dành lại những khúc sông bị "đánh cắp" cho toàn thể người dân đô thị. Đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân mà không có bất kỳ sự cản trở nào từ những tòa nhà cao ốc…

Hãy trả lại những dòng sông bị “đánh cắp” - 1

Trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội dành trọn ngày 27/5 làm việc tại hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Đây là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp này, và nội dung được giám sát là vấn đề nhân dân và cử tri cả nước quan tâm.

Nhân sự kiện này, tôi xin đưa ra góc nhìn về một phần thực trạng sử dụng đất, quy hoạch đô thị bên những con sông cả nước trong những năm qua.

Thượng đế ban cho loài người những dòng sông, hay con người tự tìm đến các dòng sông để định cư, điều đó không ai biết rõ. Chỉ biết rằng từ xa xưa, những nền văn minh của nhân loại thường bắt nguồn từ những dòng sông từ sông Tigris và Euphrate hay còn được gọi là Lưỡng Hà, đến Hoàng Hà Trung Hoa hay Hồng Hà ở Việt Nam.

Cứ thế nhân loại quần cư, mưu sinh và phát triển hài hòa bên những dòng sông. Xưa, vì lũ lụt thiên tai và vì nhu cầu trị thủy nên người ta thường sinh sống có khoảng cách nhất định với những dòng sông, họ đắp đê khi mùa lũ dâng cao, khi con nước hiền hòa thì người dân mưu sinh, di chuyển và giao thương trên chính những dòng sông này.

Ý thức được về đẹp bất tận của những dòng sông, nên từ lâu trong công tác quy hoạch của tất cả các thành phố lớn, những đô thị lớn trên thế giới, họ đều tạo ra những vùng đệm giữa dòng sông với khu vực sinh sống của cư dân, họ lấy dòng sông làm trung tâm để phát triển đô thị. Hiện nay, rất nhiều thành phố lớn, hiện đại trên thế giới đều có các con sông tạo nên cảnh quan công viên cây xanh, công trình văn hóa công cộng tạo điểm nhấn của bộ mặt các thành phố.

Hãy trả lại những dòng sông bị “đánh cắp” - 2

Theo WB, trên thế giới, trong thời kỳ công nghiệp các cơ sở sản xuất và hàng hải như xưởng đóng tàu, nhà kho, nhà máy công nghiệp nặng... luôn chiếm cứ các khu vực dọc bờ sông. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều thành phố đã nhận ra tầm quan trọng của việc quy hoạch ven sông để tạo ra môi trường đô thị xanh và mở. Thậm chí, các thành phố như New York, Melbourne, Sydney, Paris … lập ra các cơ quan riêng với quyền kiểm soát tài nguyên đất đai, tài sản, tài chính… để thực hiện dự án phát triển và quy hoạch ven sông. Tokyo và Seoul đã cưỡng bức di dời những nhà máy, công trình ven sông.

Khi những dòng sông được nâng niu bảo vệ, sẽ tạo ra những cảnh quan chung, tạo nên những không gian thoáng đãng cho cư dân. Như vậy, toàn thể cư dân ở những thành phố đều được hưởng lợi từ những dòng sông một cách công bằng.

Nhưng, ở Việt Nam người ta không chỉ nhìn ra được vẻ đẹp của những dòng sông, mà một số người còn nhận ra rất nhiều cơ hội tiềm tàng cho bản thân họ trên những khúc sông này. Thế là những dự án bất động sản mọc lên san sát, những khu đất vàng có được với mức giá rẻ mạt, bởi những khu đất này hầu hết là được xác định là đất công do Nhà nước quản lý, hoặc của những doanh nghiệp nhà nước, nhưng bằng cách nào đó những mảnh đất vàng này đã rơi vào tay các công ty tư nhân. Thế là họ tha hồ xây dựng dự án san sát, những tòa nhà cao tầng như những bức tường thành án ngữ trước dòng sông. Vì bị bức tử, những dòng sông trở nên nhẫn nhục, đau thương.

Đã đến lúc xã hội ta cần thức tỉnh, cần dành lại những khúc sông bị "đánh cắp" cho toàn thể người dân đô thị. Đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân mà không có bất kỳ sự cản trở nào từ các tuyến đường giao thông, từ các công trình hạ tầng kỹ thuật, những tòa nhà cao ốc…

Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Law firm)