Những hình ảnh phản cảm liên tiếp hiện trên các mặt báo. Ví dụ như cảnh 3 “ông cá thần” đền Giếng “ngạt thở” bởi... tiền lẻ. Tiền che lấp cả mặt giếng thì cá thần làm sao mà sống nổi, chắc muốn bức tử cá thôi, thế thì làm sao mà ông cá ban phước và phù hộ cho đây?
Rồi là tiền rải khắp Quốc Tử Giám vv và vv… Cảnh đó làm nhiều người ngao ngán, không biết nói gì hơn? Không biết sự “rải tiền” này được hình thành từ bao giờ, nhưng một điều chắc chắn rằng không thể từ thời ông cha ta để lại.
Đồng tiền Việt Nam từ ngàn xưa đã rất được nâng niu, trân trọng. Đất nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ, kiếm ra đồng tiền khó nhọc biết bao. Hơn bao giờ hết, thời điểm này lạm phát cao, nhiều người cảm nhận rất rõ giá trị khi có đồng tiền. Biết bao người nông dân, công nhân... phải chắt chiu từng đồng tiền kiếm được để trang trải cho cuộc sống ở mức độ tối thiểu, bởi đồng lương quá ít ỏi đâu có đủ chi dùng khi “cái gì cũng cần đến tiền”.
Vậy mà đau xót thay khi phải nhìn cảnh những tờ tiền thật 100% bị rải khắp nơi cứ như là rác “vứt đi”. Và mỗi khi có cơn gió thổi tới thì ôi thôi, tiền thật mới vừa ra lò còn thơm mùi mực mà đã phải kết thúc sứ mệnh ngay lập tức.
Ngân hàng Nhà nước có chức năng in tiền và mỗi đồng tiền đều cần được lưu thông quay vòng, từ tay người này đến tay người khác cho đến khi tờ tiền đó bị rách nát thì sẽ kết thúc sứ mệnh bằng việc hủy đi, thay thế bằng đồng tiền mới in khác.
Nếu mỗi người dân đều có ý thức sử dụng cẩn thận, nâng niu thì đồng tiền sẽ được sử dụng lâu và sẽ góp phần giảm chi phí để in tiền mới. Chi phí bỏ ra để in tiền rất lớn: giấy, mực in, tem chống giả… toàn là chi phí đắt tiền vì nguyên vật liệu làm ra đồng tiền phải là loại cao cấp thì mới không làm giả được.
Cùng 1 tờ tiền đó nếu được sử dụng nhiều lần trong lưu thông thì sẽ giảm được chi phí, ví dụ tờ 1.000 đồng nếu được lưu thông qua tay người thứ 50 sử dụng, thì lúc đó giá trị sẽ được nhân lên tới 50.000 đồng.
Người đi lễ thường có tâm lý thích rải tiền lẻ khắp mọi nơi, không cần biết đồng tiền lễ của mình có "tới đúng địa chỉ" hay không (ảnh: Anh Thế)
Tôi chắc chắn một điều rằng: những người dân “rải tiền” là có lòng thành nhưng hành động thì thực sự là “kỳ quặc”. Đơn giản như việc mình trả tiền người bán hàng: phải dùng tay trả cẩn thận, thậm chí là người già bán hàng ta còn phải đưa trả tiền bằng hai tay thì người bán mới cảm thấy được tôn trọng.
Thử nghĩ xem nếu ta trả tiền bằng cách dắt tiền vào tai, miệng, thậm chí vứt vào người bán hàng, thì liệu người nhận có thể chấp nhận được không? Vậy tại sao lại gài tiền vào hầu như tất cả mọi chỗ ở chùa, ở những nơi cúng lễ… Việc “rải tiền” lung tung làm cho những người trong ban quản lý chùa phải nhặt nhạnh, gom lại, thậm chí vớt… rồi phải lau sạch, phơi khô… Làm vậy là đồng tiền đã bị con người phá hoại.
Hành động “rải tiền” cần dừng ngay. Thay vào đó, hãy bỏ tiền lễ vào những hòm công đức, ở đó rất an toàn và đồng tiền được giữ gìn cẩn thận. Phải thể hiện sự trân trọng đồng tiền! Người dân Việt Nam hãy làm những gì để thể hiện là dân tộc thông minh, tiến bộ và được nhiều dân tộc khác trên thế giới biết đến. Điều đó vẫn đang tùy thuộc vào các bạn đấy!
Linh Đức