Bạn đọc viết:
“Hành xác” với xe buýt 39
(Dân trí) - Hầu như ngày nào đi trên tuyến 39, tôi cùng các hành khách đều phải chứng kiến những nỗi khổ như bị “hành xác”. Không những chỉ vào những giờ cao điểm, mà hầu như giờ nào cũng vậy, với số lượng hành khách quá đông nên chuyến xe nào cũng đều bị lèn chặt.
Tôi là phóng viên của một tờ báo ở Hà Nội, đồng thời cũng là một trong số những hành khách thường xuyên đi trên tuyến buýt số 39. Đã từ nhiều năm nay tồn tại một vấn đề nan giải mà tôi cũng như nhiều hành khách khác đi trên tuyến buýt này nhận thấy là: số lượng hành khách tham gia trên tuyến 39 quá đông, mỗi ngày một tăng lên nhiều hơn, do vậy tuyến xe này luôn trong tình trạng quá tải, loại xe buýt thì nhỏ (nhỏ hơn so với xe số 1,2, 22, 32...)
Nằm trên tuyến đường nà, tập trung rất nhiều trường đại học, nhiều cơ quan, doanh nghiệp... ở cả hai đầu tuyến. Ngoài ra, tuyến 39 lại là tuyến xe chở khách đến bến xe khách Mỹ Đình, vì thế số lượng khách tham gia bằng xe 39 là quá nhiều.
Hầu như ngày nào đi trên tuyến 39, tôi cùng các hành khách đều phải chứng kiến những nỗi khổ như bị hành xác. Không những chỉ vào những giờ cao điểm, mà hầu như giờ nào cũng vậy, với số lượng hành khách quá đông, nên chuyến xe nào cũng đều bị lèn chặt.
Ai cũng cố chen lên để cho kịp giờ làm, giờ học... Vì thế tình trạng quá tải của các chuyến xe trên tuyến 39 là không tránh khỏi. Mỗi khi xuống xe, mọi hành khách đều tơi tả: đầu tóc, quần áo bết bê, mồ hôi nhễ nhại. Đó là chưa kể đến cơ hội để cho nạn móc túi, mất đồ là chuyện thường xuyên xảy ra.
Để hưởng ứng lời kêu gọi của ngành giao thông vận tải cũng như để góp phần làm giảm lượng người tham gia giao thông bằng xe cá nhân, chúng tôi đã đi bằng xe buýt đến cơ quan, trường học... Nhưng với tình trạng quá tải của tuyến 39 như vậy, liệu chúng tôi còn có thể tham gia xe buýt được chăng?
Vừa qua, tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Thông, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) và được biết: Để nâng cao chất lượng phương tiện xe bus, ngay từ đầu năm TCT đã rà soát lại tổng thể công tác bảo dưỡng, đảm bảo kỹ thuật xe buýt... Từ 570 xe đầu tiên mà thành phố đã đầu tư từ năm 2005, đến nay TCT đã đầu tư thêm 500 xe bằng vốn của doanh nghiệp. Trong năm 2012, TCT lên kế hoạch thay thế 150 phương tiện, trong đó, tuyến 39 cũng là một trong những tuyến được thay xe mới.
Nhưng trong vấn đề này, theo tôi, TCT đã bỏ qua một việc mà lâu nay tuyến 39 vẫn còn tồn tại, là lượng hành khách tham gia trên tuyến 39 đã quá tải so với loại xe và số lượng xe được phân bổ cho tuyến 39 này. Và với điều kiện mà tuyến 39 phải phục vụ lượng hành khách luôn quá tải như vậy thì liệu có bảo đảm được chất lượng dịch vụ như ông Thông đã nói hay không? Trong khi ngày nào những hành khách trên xe cũng đều kêu ca, phàn nàn rất nhiều về số lượng hành khách quá tải như vậy.
Không những hành khách trên xe phải kêu ca nhiều, mà kể cả từ phía lái, phụ xe cũng cùng chung một tâm trạng giống như hành khách. Có những lái xe còn phàn nàn rằng: Cứ cái đà này, xe 39 mới lưu hành nhưng chỉ một năm sau chắc sẽ “tã” ra mất thôi. Họ còn cho biết, đã phản ánh lên lãnh đạo ngành GTVT nhiều lần, nhưng không được cải thiện.
Theo đó, qua trao đổi với ông Thông về vấn đề này, ông Thông cũng cho biết thêm: lãnh đạo ngành GTVT đã từng có kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước về việc quyết định cho tăng thêm sức chứa, tăng thêm chuyến cho xe 39, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Để hưởng ứng Tháng ATGT năm 2012, Tổng công ty Vận tải Hà Nội vừa tổ chức lễ phát động thi đua tháng cao điểm giữ gìn xe tốt, lái xe an toàn, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhưng nếu chất lượng dịch vụ không tăng thì xe buýt Hà Nội khó có thể thu hút được ngày càng nhiều hành khách đi xe buýt. Và giá như tuyến buýt 39 được tăng thêm về số lượng xe, về sức chứa và khoảng cách giữa hai chuyến được rút ngắn hơn, sẽ góp phần giảm tải cho tuyến 39.
Vì vậy, thay mặt những hành khách đi trên tuyến buýt 39, chúng tôi có kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước hãy quan tâm hơn nữa đến đời sống của những người dân phải chịu nỗi khổ đi xe buýt như chúng tôi, để chúng tôi tiếp tục có thể đóng góp một phần nhỏ bé của mình trong việc giảm ùn tắc giao thông cho thành phố Hà Nội.
Đặng Bích