Hành vi trục lợi ngân sách Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bị xử lý như thế nào? ​

Khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”

 
Hành vi trục lợi ngân sách Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bị xử lý như thế nào?

​ - 1

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thắng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.

​Kết quả điều tra ban đầu đã làm rõ được hành vi sai phạm của bị can Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội, và đồng phạm trong việc chỉ định thầu và mua máy xét nghiệm COVID-19. Các bị can này có hành vi thông đồng, móc ngoặc gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 lên nhiều lần, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước.

Chia sẻ quan điểm về vụ án này, Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng Văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết:

Chỉ định đấu thầu là một trong 07 hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu. Do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn nên đây là hình thức được áp dụng tương đối phổ biến.

Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong các trường hợp sau:

Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước…

Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo...

Đồng thời, điểm 12, Điều 4, Luật Đấu thầu 2013 cũng quy định: Đấu thầu là “quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu cũng như hạn chế các hành vi tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, điều 222 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định cụ thể tội danh liên quan tới lĩnh vực này.

Việc các bị can Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, trưởng phòng tài chính kế toán; Lê Xuân Tuấn, nhân viên phòng tài chính kế toán CDC Hà Nội; Đào Thế Vinh, giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, TGĐ Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông là hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi trong hoạt động thầu thiết bị y tế. Các bị can khi thực hiện hành vi phạm tội với mong muốn vụ lợi, mặc dù đây không phải là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Hành vi phạm tội được thực hiện một cách cố ý làm trái quy định của pháp luật về hoạt động đấu thầu. Ở đây có thể thấy các bị can đã thực hiện hành vi phạm tội với sự cấu kết, thông đồng, móc ngoặc của các bên tham gia gói chỉ định thầu với nhau.

Có thể thấy, hành vi của các bị can đã cố ý, có tổ chức và có sự bàn bạc. Do đó, ngoài 07 người đã bị khởi tố, cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ thêm những cá nhân, tổ chức liên quan nếu có. Trong đó cần xem xét trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội trong việc buông lỏng quản lý để cho trung tâm này thực hiện những việc sai phạm như đã nêu trên...

Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ cho thấy các bị can đã thực hiện hành vi: gian lận, thông đồng, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thầu; cản trở hoạt động chỉ định thầu, đấu thầu để từ đó đạt được mục đích trục lợi của mình thì đã thoả mãn dấu hiệu của tội theo điều 222 Bộ luật hình sự 2015. 

 
Hành vi trục lợi ngân sách Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bị xử lý như thế nào?

​ - 2

Luật sư Khương Tân Phương. Ảnh: Tuấn Nam

Ngoài ra, trong quá trình điều tra nếu phát hiện các bị can có thêm hành vi phạm tội khác như đưa, nhận hối lộ thì cơ quan cảnh sát điều tra có thể khởi tố thêm tội nhận hối lộ theo Điều 354, và đưa hối lộ theo Điều 364, Bộ luật Hình sự 2015. Bởi thực tế, trong cùng một vụ án nếu thỏa mãn dấu hiệu tội danh khác, thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố nhiều tội danh theo quy định của luật tố tụng hình sự.

Trở lại vụ án đang bàn, hành vi của các bị can là trái các quy định của nhà nước trong hoạt động chỉ định thầu, cố ý đẩy giá mua thiết bị y tế cao hơn thực tế nhiều lần, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. Đây là hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Cơ quan điều tra cần phải xác định làm rõ hậu quả của các bị can trên vì hậu quả của hành vi phạm tội là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này.

Theo đó, các bị can thực hiện hành vi vi phạm quy định về đấu thầu mà gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi khách quan nêu trên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội danh trên. Trong trường hợp thiệt hại đến 1.000.000.000 đồng, các đối tượng sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.

“Tình hình dịch bệnh COVID-19 còn có thể kéo dài, diễn biến phức tạp, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người dân, gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế đất nước thì mọi hành vi trục lợi từ ngân sách nhà nước rất đáng lên án, cần phải được xử lý và nghiêm trị để tuyên truyền làm gương cho người khác, đồng thời thể hiện sự thượng tôn luật pháp – Luật sư Khương Tân Phương nói./.

 

Theo Tuấn Nam

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam