Hành thiện tại cửa Phật, hưởng phúc nào cho bằng!

Luật sư Quách Thành Lực

(Dân trí) - Các phật tử đến chùa thay bằng đốt vàng mã, thắp hương thì thực hiện cúng dường, góp công đức để nhà chùa cứu mạng chúng sinh, nuôi dạy những hình hài bé nhỏ, cho con được quyền sống, quyền làm người

Nhân đọc được thông tin về ngôi chùa Linh Sơn hay còn gọi Tịnh thất Linh Sơn (quận 12, TP.Hồ Chí Minh) hơn 20 năm qua là mái nhà chung của hơn 40 đứa trẻ mồ côi, được nuôi dạy bởi 3 sư cô.

Ngôi chùa không chỉ là nơi cư trú của các em mà nó còn chứa đựng đong đầy sự yêu thương của các sư cô dành cho những phận đời bất hạnh. Tình cờ sư cô phát hiện một em bé sơ sinh bị bỏ rơi nằm trước cổng chùa, lại còn mang bệnh trong người nên được đưa đến bệnh viện chữa trị, sau đó bé trở thành thành viên mới của nhà chùa.

Cứ như thế, tiếng lành đồn xa, cứ hễ vài tháng là các sư cô lại phát hiện một sinh mạng bị bỏ rơi, có khi trước cổng chùa, khi thì gần chùa, có khi ở… nghĩa trang được người dân phát hiện rồi mang đến.

Ban đầu dù có phần ngỡ ngàng nhưng các sư cũng hiểu được vấn đề nên chẳng ai thắc mắc hay cố tìm ra người đã bỏ rơi bé, các vị sư đã mở lòng từ bi đón các em vào cửa Phật và chăm lo từ vật chất đến tình yêu thương để những đứa trẻ tội nghiệp ấy không cảm thấy tủi thân, vì đã bị cha mẹ bỏ rơi.

Hành thiện tại cửa Phật, hưởng phúc nào cho bằng! - 1
Một bé gái 2 ngày tuổi bị bỏ rơi trong rừng ở Sơn La đã may mắn được người dân phát hiện.

Trộm nghĩ, cửa phật từ bi, luôn mở cửa để chào đón chúng sinh tìm đến. Người bệnh đến cửa phật cầu tai qua, người khó khăn mong cho nạn khỏi, kẻ nghèo khó mong giàu có, kẻ giàu có mong khỏe mạnh, lứa đôi mong được bên nhau dài lâu, người hiếm muộn mong được con đàn, cháu đống. Rất nhiều người mẹ không nuôi được con đã mang con bỏ nơi cửa phật, nhờ đó mà đứa trẻ không bị tử vong.

Trong tâm thức người Việt, Phật giáo, cơ sở thờ tự thường trực là điểm tựa của tâm linh, nơi bấu víu, cứu cầu trước khó khăn hoạn nạn khi mà yếu tố vật chất không thể giúp đỡ.

Thời gian gần đây nhiều người mẹ đang tâm bỏ con dưới hố ga giữa trời nắng nóng, vứt trẻ nơi bờ bụi hoang vắng, ném bỏ trẻ tại khe tường… Muôn vàn sự đau xót không thể kể xiết. Những người này chấp nhận, thậm chí mong muốn đứa trẻ chết, để mình thoát được gánh nợ đời. Những việc làm sai trái ấy, pháp luật sẽ trừng trị bằng những bản án nghiêm khắc.

Tuy nhiên nhìn ở một góc độ cảm thông, thấu hiểu hơn ta có thể hiểu rằng một người con gái mới lớn gặp gã sở khanh, người đàn bà giang hồ bôn ba khắp chốn, người vợ vắng chồng mà vụng trộm, hay một thoáng vui vẻ lầm lỡ thì việc nuôi dưỡng, bảo vệ một đứa trẻ là điều không thể thực hiện được.

Trong tâm can con người, tiềm thức làm mẹ và bản năng của người mẹ thì tôi tin không ai đang tâm hại chết người chứ đừng nói giết đi đứa con mình mang nặng, đẻ đau. Có chăng đó là sự vạn bất đắc dĩ; nuôi trẻ thì đánh mất hết cả tương lai và cuộc đời mình. Họ buộc phải đánh đổi, chọn lựa. Con người tất yếu có vị kỷ, coi quyền lợi cá nhân hơn tất thảy. Nhưng nếu họ có nơi gửi gắm đứa con, có nơi nuôi dưỡng thì chúng ta có quyền tin rằng 100% người mẹ ấy không bỏ mặc đứa trẻ cho chết.

Do vậy tôi rất mong rằng các vị trụ trì, nhà sư, người chăm lo cơ sở phật giáo trong cả nước tạo một khoảng không gian nơi cửa phật để những người mẹ trên mang con mình đến nương nhờ. Xin hãy bố trí một nơi kín gió, đủ ấm mùa đông, thoáng mát mùa hè, đủ bí mật để người mẹ đơn thân, lầm lỡ gửi con. Đây là phước đức cao dầy, thể hiện sự đồng hành của phật giáo với đời sống phật tử, đời sống chúng sinh.

Các phật tử đến chùa thay bằng đốt vàng mã, thắp hương thì thực hiện cúng dường, góp công đức để nhà chùa cứu mạng chúng sinh, nuôi dạy những hình hài bé nhỏ, cho con được quyền sống, quyền làm người. Phúc lộc này mới thực sự, mới bằng xây cả 10 tầng phù đồ.

Cơ quan chức năng cũng cần tạo điều kiện về quy định pháp luật để nơi thờ tự trở thành nơi tạm lánh hợp pháp của những đứa trẻ.

Người mẹ bỏ con sẽ luôn đau khổ, dằn vặt khôn nguôi cả quãng đời. Chỉ đến một ngày lo sợ vơi bớt, vị kỷ cá nhân giảm xuống, đời sống tương đối đủ đầy họ sẽ quay trở lại tìm lại máu mủ mình từng buông bỏ, đứa trẻ tìm được nguồn gốc của mình. Khi ấy mọi sự thật viên mãn.

Ngày lễ Vu Lan, tháng 7 âm lịch phật tử, chúng sinh hành thiện, tích đức, hưởng phúc nào cho bằng thực hiện điều trên đây.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm