Góc nhìn luật sư
Hành nghề luật sư cần có trí thức và bản lĩnh
Ở Việt Nam hiện nay, nghề luật sư đang dần khẳng định được vai trò quan trọng. Giới Luật sư đã và đang tham gia tích cực, có hiệu quả vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của Nhà nước và các tổ chức kinh tế, xã hội, góp phần bảo vệ công lý, góp phần xây dựng một nền tư pháp dân chủ và pháp quyền, phục vụ nhân dân.
Đất nước ta đang trong giai đoạn mở cửa, từng bước hòa nhập với sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với sự phát triển của xã hội và pháp luật, nghề luật sư cũng ngày càng phát triển. Bên cạnh tư cách đại diện theo ủy quyền của khách hàng, luật sư còn tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng và góp phần bảo vệ công lý; bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân và pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Nghề luật sư cũng giống như mọi nghề khác ở chỗ: người hành nghề phải có tri thức, có đạo đức và phẩm chất. Nhưng nghề luật sư lại có đặc thù riêng, luật sư là những người làm việc độc lập, tự chịu trách nhiệm về hành vi ứng xử của mình rất cao trong nhiều hoàn cảnh hết sức “nhạy cảm” ở mọi lĩnh vực pháp luật. Bởi vậy, luật sư trong thời hiện đại ngoài tri thức, kỹ năng phải rèn luyện được cho mình bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng. Bản lĩnh ở đây bao gồm bản lĩnh trải qua khó khăn để đấu tranh tồn tại với nghề và bản lĩnh “vượt qua chính mình” trước những cám dỗ bởi tiền bạc và vật chất.
Bản lĩnh đấu tranh bên ngoài đòi hỏi người luật sư vừa phải trau dồi kiến thức kỹ năng nghề nghiệp vừa phải củng cố sức mạnh của mình là những lý luận mang tính phản biện. Trên thực tế, luật sư ở Việt Nam là những người hoạt động độc lập nên phải chịu áp lực rất lớn từ cả hai phía là các cơ quan tiến hành tố tụng và khách hàng của mình. Nếu người luật sư không rèn luyện được cho mình bản lĩnh vững vàng thì sẽ không thể trụ lại được với nghề. Ví dụ, người phạm tội phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam không thể bị tra tấn, đánh đập, hành hạ về thể xác cũng như xúc phạm nhân phẩm. Sự có mặt của luật sư ở các giai đoạn tố tụng là cần thiết bởi những người đã lâm vào vòng lao lý, phải đối mặt với uy lực của cơ quan công quyền, không phải ai cũng có đủ can đảm tự bảo vệ quyền hợp pháp của mình. Luật sư trong trường hợp này một mặt phải làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng, bảo vệ tối đa quyền lợi cho thân chủ của mình; mặt khác làm việc với khách hàng của mình, hướng dẫn khách hàng những lời khai, việc làm cần thiết cũng như tạo niềm tin hay sự yên tâm nơi khách hàng. Điều này đòi hỏi ở người luật sư không những phải rèn luyện tri thức, kỹ năng mà cần có bản lĩnh vững vàng và ứng xử khéo léo, linh hoạt trong mọi tình huống.
Trên thực tế, nghề luật sư được coi là nghề nguy hiểm không kém các nghề: Công an, kiểm sát, thẩm phán, báo chí. Trong một số vụ án bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ như giết người, hiếp dâm trẻ em, luật sư bào chữa cho bị cáo gặp rất nhiều khó khăn, gia đình bị hại có cái nhìn không thiện cảm, thậm chí có lời nói xúc phạm, hành vi đe doạ... Trong những trường hợp đó Luật sư cần có bản lĩnh, bình tĩnh bào chữa và điều quan trọng là cần để cho mọi người hiểu rằng Luật sư bào chữa cho bị cáo là để bảo vệ phần người, tính nhân văn và quyền lợi hợp pháp của người phạm tội.
Mặt khác, trong xã hội hiện đại, mỗi người và mỗi nghề đều có nguy cơ rơi vào cám dỗ bởi cám dỗ có mặt ở khắp mọi nơi, nghề luật sư cũng không ngoại lệ. Con đường để trở thành một luật sư chân chính rất khó khăn, khổ cực và là giấc mơ của rất nhiều người. Thực tế khách quan đã cho thấy, nghề luật sư không hề dễ sống. Luật sư muốn sống được bằng nghề thì phải hành nghề bằng nhiệt tâm, bản lĩnh pháp luật và uy tín. Nhưng cũng như mọi người, luật sư cũng không nằm ngoài vòng xoáy “cơm – áo – gạo – tiền” của cuộc sống. Bởi vậy, ngoài việc đấu tranh bên ngoài, bản thân mỗi luật sư đều phải đấu tranh tư tưởng bên trong để giữ cho mình cái tâm trong sáng khi theo nghề.
Nhiều luật sư bằng tài năng, trí tuệ và nhân cách tốt đẹp của mình đã có những cống hiến xuất sắc cho việc xây dựng nền tư pháp công bằng, dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có một số ít luật sư không vượt qua nổi cám dỗ vật chất, đặt đồng tiền lên trên quy tắc đạo đức của nghề nghiệp và lợi ích của khách hàng. Bởi vậy, một trong những yếu tố trở thành một luật sư chân chính đó chính là bản lĩnh “vượt qua chính mình” trước những cám dỗ bởi tiền bạc và vật chất. Trong các văn bản pháp lý cũng như quan niệm của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng và quan niệm của doanh nghiệp, người dân thì vai trò của luật sư chưa được coi trọng xứng với tầm thực tế của luật sư. Đó cũng là một trong những lý do ảnh hưởng đến đạo đức và văn hóa nghề nghiệp của luật sư Việt Nam.
Ở Việt Nam hiện nay, nghề luật sư đang dần khẳng định được vai trò quan trọng. Giới Luật sư đã và đang tham gia tích cực, có hiệu quả vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của Nhà nước và các tổ chức kinh tế, xã hội, góp phần bảo vệ công lý, góp phần xây dựng một nền tư pháp dân chủ và pháp quyền, phục vụ nhân dân.
Để góp phần tạo nên một nét văn hóa riêng của nghề luật sư, giúp cho luật sư kiên cường giữ vững bản lĩnh để hành nghề thì những người trong nghề luật sư phải thực sự yêu nghề nghiệp mình đã chọn lựa. Mỗi luật sư ai cũng có trách nghiệm phát huy sứ mệnh của nghề, bên cạnh đó là có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm giá của mình và rèn luyện bản lĩnh vững vàng để yêu nghề, theo nghề và thành danh với nghề luật sư.
Luật sư Thùy Dương
VPLS Trương Anh Tú