Hàng rởm của doanh nghiệp đóng tàu cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng ngư dân

Càng ngày vụ án các tàu đánh cá bị hư hỏng lộ rõ sự liều lĩnh, bất chấp tài sản và tính mạng ngư dân của hai doanh nghiệp đóng tàu. Và, ngày càng lộ rõ những lỗ hổng kiểm định… chết người.


Rỉ sét dễ dàng dùng tay bóc lên

Rỉ sét dễ dàng dùng tay bóc lên

Dù đến nay, trước những giả dối bị bóc trần và sức ép của dư luận, các doanh nghiệp đã cam kết sửa chữa cho ngư dân, nhưng, như đề nghị của lãnh đạo tỉnh Bình Định, cần phải khởi tố vụ án là hết sức cần thiết.

Về nội dung này, trên diễn đàn này, ngay từ tháng 5, Dân trí đã có bài “Những đoanh nghiệp bất chấp quyền lợi của ngư dân - những người vốn đã khốn khó” đã đề cập dấu hiệu lợi ích nhóm trong vụ việc này và đặt câu hỏi: “Vì sao những doanh nghiệp đóng tàu này dám làm liều, làm ẩu như vậy? Tại sao Nhà nước đã hỗ trợ mà Cty Đại Nguyên Dương vẫn thu tiền thiết kế phí? Những ai đã giới thiệu các doanh nghiệp này vào danh sách đóng tàu cho ngư dân? Tại sao, một số lãnh đạo địa phương lại nói nhiều đến lỗi ngư dân khi không chịu thuê giám sát độc lập – liệu đây có là nguyên nhân quan trọng?...”

Đến nay, những câu hỏi này phần nào đã được giải đáp: Cty Đại Nguyên Dương đã cam kết trả lại tiền thiết kế cho ngư dân; thay vì đổ lỗi ngư dân không quen máy, nước biển mặn, các doanh nghiệp đã cam kết sửa chữa; thay vì nói lỗi của ngư dân (không chịu thuê giám sát độc lập), lãnh đạo tỉnh Bình Định đã đề nghị điều tra, xử lý cơ sở đóng tàu làm ăn gian dối...

Tuy nhiên, vì đâu các doanh nghiệp này dám làm liều như vậy thì vẫn chưa có câu trả lời. Liều là bởi, không chỉ thay vỏ tàu từ thép Hàn Quốc bằng thép Trung Quốc, mà ngay cả, 8/9 máy Misubishi (Nhật Bản) lắp cho tàu được hãng này khẳng định không phải máy chính hãng. Và nếu nêu kỹ, còn không ít thiết bị khác cũng bị làm gian dối.

Với ngư dân, vỏ tàu và máy không chỉ gắn liền với mưu sinh, mà gắn liền với sinh mạng của họ khi ra khơi. Vậy mà, những doanh nghiệp này dám lắp những máy rởm, vậy lẽ nào chỉ khắc phục hậu quả những sai phạm đó là xong? Những ngày các con tàu phải nằm bờ, ngư dân không có nguồn thu, lãi ngân hàng vẫn phải trả lẽ nào để người dân lãnh đủ? Do đó, lãnh đạo tỉnh Bình Định đề nghị xử lý hình sự vụ việc này là hoàn toàn chính đáng và cần thiết. Đặc biệt, thông tin vừa qua cho thấy, không chỉ ngư dân ở Bình Định bị doanh nghiệp đóng tàu “lừa”, mà một số ngư dân ở địa phương khác cũng bắt đầu lên tiếng về việc các con tàu mới đóng bị hư hỏng.

Sự làm ăn liều lĩnh này phải chăng gắn liền với lợi ích nhóm?

Những nhà quản lý doanh nghiệp, người thiết kế, người thi công, người giám sát thi công đều biết tất cả, hoặc ít nhất cũng biết từng công đoạn bị làm rởm, làm sai hợp đồng nhưng tại sao lại đều nhắm mắt làm ngơ?

Thậm chí, cơ quan đăng kiểm được hưởng 60 triệu đồng/ tàu, nhưng các đăng kiểm viên vẫn không phát hiện được những máy rởm, vật liệu sai hợp đồng thì thật khôi hài. Câu hỏi cần giải đáp: Liệu có hay không việc “bắt tay” giữa đăng kiểm và các doanh nghiệpnày? Vậy mà, trả lời công luận, ông Đào Hồng Đức - giám đốc trung tâm đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản – vẫn có thể đổ lỗi do trình độ của đăng kiểm viên yếu! Kể cả đăng kiểm viên chưa đủ trình độ thật, thì lỗi lớn cũng của ông Đức. Vậy mà, đơn vị này đăng kiểm tới 300 tàu đóng vỏ thép đợt này thì quá nguy hiểm.

Biết bao tài sản, tính mạng của ngư dân dựa vào đăng kiểm mà họ đang tâm làm như vậy, người dân biết tin vào ai?

Vương Hà

Tài liệu tham khảo:

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/vu-tau-vo-thep-hu-hong-2-cong-ty-dong-tau-cam-ket-sua-chua-tinh-van-kien-nghi-truy-to-20170701112538433.htm

http://dantri.com.vn/dien-dan/nhung-doanh-nghiep-bat-chap-quyen-loi-cua-ngu-dan-nhung-nguoi-von-da-khon-kho-20170521214404773.htm

http://laodong.com.vn/kinh-te/vu-18-tau-vo-thep-hu-hong-chong-mat-nhin-tu-lo-hong-giam-sat-676749.bld