Hạn chế oan sai không thể bằng chiếc máy ghi hình

Quy định ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can tại dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) là vấn đề được tranh luận khá gay gắt.

 

Hạn chế oan sai không thể bằng chiếc máy ghi hình - 1

 

 

Đúng là ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung sẽ góp phần hạn chế oan sai. Nhưng cũng phải khẳng định rằng, nó chỉ “góp phần”, hoàn toàn không phải là công cụ hạn chế oan sai tuyệt đối. Nếu cứ tin vào công cụ này để đầu tư tiền bạc mua sắm thiết bị, cơ sở vật chất, bảo quản, biên chế phục vụ cho hoạt động ghi âm, ghi hình xuống tới cấp huyện thì sẽ tăng thêm gánh nặng cho ngân sách trong điều kiện khó khăn hiện nay. Do đó cần phải xem xét kỹ lưỡng, liệu có nên bắt buộc áp dụng đối với tất cả mọi trường hợp hay linh hoạt trong từng trường hợp.

Đối với những vụ án phức tạp, những vụ án bị can kêu oan, án có khung hình phạt cao nhất thì cần phải ghi âm, ghi hình. Ghi âm, ghi hình trong những trường hợp này không chỉ là bảo vệ bị can khỏi bị bức cung, mà còn để bảo vệ cán bộ điều tra.

Trên thực tế, nhiều trường hợp bị can khai rằng bị cán bộ điều tra bức cung, ép cung. Vậy thì, sẽ rất thuận lợi khi có thêm chứng cứ chứng minh sự thật. Nhưng đối với 50-60% vụ án bắt phạm tội quả tang, có chứng cứ rõ ràng, thì ghi âm, ghi hình là không cần thiết.

Để hạn chế án oan sai, yếu tố cốt lõi là phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn của cán bộ điều tra, nếu không nâng cao được hai giá trị này thì mọi thứ máy móc đều vô nghĩa. Giả sử có máy ghi âm, máy ghi hình, thì liệu có cán bộ điều tra nào dại dột có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp khi chính họ chủ động vận hành những công cụ đó. Và giả sử như, đối với một cán bộ điều tra vì lý do nào đó muốn dùng áp lực hay nhục hình thì họ sẽ có nhiều cách khác, ở những không gian và điều kiện khác bên ngoài sự kiểm soát của máy ghi âm, ghi hình.

Ngoài việc nâng cao phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn của cán bộ điều tra, một yếu tố cốt lõi khác là tạo điều kiện cho các chủ thể thực hiện các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự được thực hiện trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Cụ thể, nếu tạo điều kiện cho luật sư tham gia vụ án ngay từ đầu thì sẽ hạn chế oan sai mà không cần phải trang bị máy móc tốn kém để ghi âm, ghi hình.

Sự tham gia bình đẳng của các chủ thể sẽ đảm bảo vụ án được điều tra minh bạch, công khai, dân chủ và đảm bảo quyền con người cho các bị can.

Hạn chế oan sai, chỉ có con người, không phải máy móc.

Lê Thanh Phong

(Theo báo Lao động)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm