Bạn đọc viết
Hai lúa, tiến sĩ và xuất khẩu khoa học
(Dân trí) - dư luận bàn tán rôm rả chuyện xuất khẩu tiến sĩ. Với hơn 24 ngàn tiến sĩ và 9000 giáo sư hiện có, xem ra đây là dự án khả thi. Nhưng vấn đề là nước nào chịu nhập khẩu khi mà bao năm hội nhập rồi chúng ta vẫn chưa sản xuất nổi cái ốc vít?
Chuyện nông dân làm khoa học không còn xa lạ gì ở xứ ta từ mấy năm nay. Có chăng lạ là ở chỗ những sáng chế của họ dù rất hữu ích cho đất nước nhưng lại bị… “vô thừa nhận” bởi cách quản lí khoa học theo kiểu hành chính quan liêu, hách dịch và cả sự đố kị, định kiến.
Điều trớ trêu là khi trong nước chối bỏ thành quả lao động trí tuệ của những nhà khoa học “chân đất” thì ở nước ngoài, người ta lại rất chú ý và trọng dụng.
Tàu ngầm của ông Phan Bội Trân sau 6 năm mày mò nghiên cứu, thử nghiệm thành công những vẫn không có chỗ “lặn” dù đất nước biển rộng, sông dài, đành “bơi” sang Malaysia phục vụ nước bạn.
Mới đây nhất, cha con ông hai lúa Trần Quốc Hải giúp Campuchia chế tạo thành công xe bọc thép, được Chính phủ Hoàng gia Campuchia đối đãi như những người hùng: ban tặng danh hiệu Đại tướng quân, huân chương cao quí và cả biệt thự, xe hơi.Chuyện ông Hải kể, người trong nước nghe cứ như là chuyện viễn tưởng chứ không phải xảy ra ở đất nước Campuchia sát bờ giậu Việt Nam!
Từ câu chuyện của ông Trân, ông Hải, dư luận đặt nhiều câu hỏi “Tại sao?”.
Tại sao đất nước có lực lượng làm khoa học hùng hậu gồm 9.000 giáo sư và 24.300 tiến sĩ mà không làm nổi... con ốc vít?
Tại sao mỗi năm có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học, tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng ngân sách mà vẫn không có nổi một phát minh hay sáng chế được thế giới ghi nhận?
Trả lời những câu hỏi đó, người ta có thể viện đủ lí do để biện minh. Nhưng họ quên đi một thực tế: sản phẩm mới là minh chứng hùng hồn nhất. Không có sản phẩm ứng dụng vào đời sống thì lí thuyết vẫn hoàn lí thuyết mà thôi.
Trở lại câu chuyện của cha con ông Hải đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao họ thành công?, vì sao người Campuchia làm được mà ta không làm được?
câu hỏi thứ nhất, cha con ông Hải thành công vì:
- Trước hết họ làm khoa học với tất cả lòng đam mê của mình. Vì đam mê mà họ không quản điều kiện vật chất, kinh phí thiếu tốn, môi trường làm việc chật hẹp. Họ sẵn sàng làm mọi việc để có tiền theo đuổi niềm đam mê khoa học của mình, điều mà ít nhà khoa học có bằng cấp trong nước làm được.
- Họ làm khoa học vì nhu cầu cuộc sống của cộng đồng chứ không phải để nổi danh hay mưu lợi cho riêng mình. Cho nên dù không được khuyến khích, bị cô lập thậm chí bị dè bỉu, ghẻ lạnh nhưng họ vẫn không nản chí, vẫn tìm cách đưa sản phẩm khoa học của mình vào đời sống.
Trảlời cho câu hỏi thứ hai, qua lời kể của ông Hải, có thế thấy, người Campuchia làm nhiều cái hổng… giống ta.
Thứ nhất là cơ chế làm khoa học của họ rất thoáng, không có các loại hồ sơ giấy tờ“hành” nhà khoa học như ở ta.
Thứ hai là họ tôn trọng và đề cao vai trò sáng tạo của cá nhân, bằng cấp chẳng có nghĩa lí gì nếu như nhà khoa học không “đẻ” ra được sản phẩm.
Thứ ba là họ biết cách khuyến khích, trọng dụng người tài; trả công, vinh danh xứng đáng, kịp thời và sòng phẳng cho những đóng góp của họ.
Những lí do nói trên thật đáng để cho chúng ta suy ngẫm.
Gần đây, dư luận bàn tán rôm rả chuyện xuất khẩu tiến sĩ. Với hơn 24 ngàn tiến sĩ và 9000 giáo sư hiện có, xem ra đây là dự án khả thi. Nhưng vấn đề là nước nào chịu nhập khẩu khi mà bao năm hội nhập rồi chúng ta vẫn chưa sản xuất nổi cái ốc vít?
Vậy là, câu chuyện xuất khẩu tiến sĩ vẫn chỉ là chuyện vui nơi cà phê, quán nhậu. Và những hai lúa làm khoa học lại phải bươn tẩu sang xứ người tìm đất dụng võ, còn các GS, TS cứ miệt mài trong phòng máy lạnh với những công trình nghiên cứu trên… giấy!!!
Nguyễn Duy Xuân