Hai hình ảnh, hai góc nhìn cảnh sát giao thông
(Dân trí) - “Đau lòng khi sự xuất hiện của các ‘bóng hồng’ CSGT đang được người dân HN nói riêng và người dân cả nước nói chung quan tâm với cái nhìn thiện cảm, giảm được sự thiếu thiện cảm với lực lượng CSGT trước đây, thì lại xảy ra vụ việc mới gây bức xúc này…”
Lửa và Khói
Liên quan tới “cái nhìn của người dân với lực lượng CSGT”, bạn đọc Nguyễn Hữu Đỉnh huudinh762003@gmail.com viết trong ý kiến phản hồi của mình như trên khi liên hệ hai sự việc vừa diễn ra nhưng theo 2 chiều hướng rất trái ngược nhau, với phần kết nêu rõ:
“… Dù sao cũng mong rằng sự việc không phải là như thế, vì nếu là sự thật thì cần chiểu theo nghị định mới của ngành Công an là: người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới khi cấp dưới làm trái QĐ! Cảm ơn Dân trí đã đưa tin!”
Van Tung nhancochaoem19@yahoo.com cũng có chung 1 góc nhìn và so sánh giữa 2 sự việc cùng liên quan tới hình ảnh của CSGT:
“Đề nghị các cơ quan pháp luật cần làm nghiêm túc vụ việc này. Mới ngày đầu năm mới 2013 mà CSGT đã xử sự gây bức xúc với dân như thế, trong khi đó ở Hà Nội người dân rất chú ý tới hình ảnh các nữ CSGT xinh đẹp triển khai làm việc. Quả là những hình ảnh rất trái ngược nhau. Cần xem xét lại và xử lý nghiêm, tránh để người dân lại bán tín bán nghi rằng nếu là ‘con ông cháu cha’ thì vụ việc lại bị bưng bít và làm ngơ???…”
Tất nhiên khi xem xét bất kỳ sự việc gì cũng cần được nhìn từ cả 2 phía. Nhất là với thực trạng ý thức nhìn chung và ý thức về văn hóa giao thông nói riêng của đa số dân ta hiện nay, theo đánh giá chung, là rất kém. Bởi vậy, trong đa số các trường hợp lực lượng chức năng phải truy đuổi, dẫn tới có lúc gây hậu nghiêm trọng thì thường cũng xuất phát từ lỗi của người tham gia giao thông.
Có lẽ cũng vì thế, bạn đọc có nick SOS… mới đặt câu hỏi ngược lại chắc sẽ làm nhiều người phật ý, nhưng không phải là không đáng để chúng ta suy ngẫm kỹ hơn:
“Không có lửa làm sao có khói. Khi sự việc xảy ra rồi thì các vị chỉ biết kêu ca, khiếu nại, bắt bẻ người ta đủ thứ. Nhưng sao không tự nhìn lại hành vi của mình đi! Nói quên mũ bảo hiểm chẳng phải dễ nhất sao, thay vì nhận rằng mình không chấp hành luật lệ giao thông nên mới dẫn tới sự việc như thế. Đã không đội mũ bảo hiểm còn đi ngược chiều chạy trốn CSGT - 1 hành vi gây nguy hiểm với những người đi đúng đường và cho chính bản thân mình. Thử đặt mình vào địa vị người CSGT xem, bao nhiêu cố gắng của các anh để giúp môi trường giao thông lành mạnh, thông thoáng. Thật khó khăn và vất vả biết bao khi vẫn còn vô số người kém ý thức đang ngày ngày tham gia giao thông trên đường. Cũng thấy tội cho anh CSGT, vì 1 phút nóng giận không kiểm soát được đã gây ra sự việc trên, dù công/tội đâu rồi sẽ được các cơ quan điều tra làm rõ!”.
Song người dân mình đâu phải ai cũng “vơ đũa cả nắm” hoặc có tâm lý “nắm người có tóc…” Phân tích sau đây của đa số bạn đọc chắc hẳn phản ánh khá đúng thực tế từ cả phía ý thức của người dân và các cán bộ lực lượng chức năng:
“Tôi thấy cảnh sát nói chung nhiều người rất tốt, giải quyết việc có tình người. Nhưng cũng không ít người lấy cái oai của cảnh sát mà coi người dân như… Xe CSGT mà còn đi sai luật giao thông, lại vẫn phóng ầm ầm. Có những người tỏ thái độ với người dân thật không sao có thể chấp nhận được như: gọi mày xưng tao, kể cả họ ít tuổi hơn hẳn người dân… Về thực tế này, ngành công an nên xử lý nghiêm để lấy lòng tin và tình cảm của nhân dân” - Tưởng: buon2004@gmail.com
Cái Lý, cái Tình
Cách hành xử của không ít nhân viên lực lượng CSGT trên đường bây giờ, chẳng cần phải mất công tìm hiểu, xác minh gì lâu la cũng có thể thấy rõ những sự thật mà người dân vẫn bức xúc phản ánh hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các diễn đàn báo chí. Trước hết là cách ứng xử bị nhiều người dân than: Theo kiểu "dùng dao mổ trâu để mổ gà" hoặc "bỏ con cá rô, bắt con săn sắt"...
“Đọc xong bài viết tôi thấy bất bình với cách hành xử của CSGT ở nơi đây. Nếu người dân “vi phạm trật tự an toàn giao thông do không đội mũ bảo hiểm”, thì việc này chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính, mà không thể chấp nhận hành vi dùng gậy đập vào đầu người vi phạm như vậy được. Tôi đề nghị lãnh đạo công an tỉnh Bắc Giang sớm vào cuộc để lấy lại công lý cho chị Sen” - Bùi Thuỳ: buivanthuy@gmail.com
“Người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm nói chung là không gây nguy hiểm cho người khác, không làm mất trật tự an toàn giao thông. Lỗi này chỉ nên nhắc nhở chứ không nên nên phạt. Rất nhiều lỗi vi phạm gây nguy hiểm cho người khác như vượt đèn đỏ, đi trái làn đường, đi vào đường cấm... lại rất ít bị phạt (nhất là với các đối tượng ‘đầu xanh, đầu đỏ’, trông ngông nghênh…) Tại sao lại thế? Tôi nghĩ, cuối cùng cũng chỉ là bệnh thành tích mà thôi!? CSGT có nhiệm vụ duy trì trật tự an toàn GT, bảo vệ tính mạng của người tham gia GT là chính. Thế mà lại gây hại tới đối tượng cần được bảo vệ là người dân, vậy có phải là đi ngược với nhiệm vụ được giao, kém về đạo đức, cần phải nghiêm trị không?” - Lê Văn Phú: phutedco4@yahoo.com.vn
“Không chỉ có CSGT Bắc Giang mới 'ra gậy' như vậy đâu. Khi tôi đi qua địa phận Hải Dương và Hưng Yên, cũng mục sở thị cảnh một CSGT chạy đuổi theo hai người đàn ông đi xe máy và vụt tới tấp chỉ vì tuýt còi mà họ không đỗ lại. Nhìn kinh thật!” - Thuy: dieuthuy81@gmail.com
“Tôi từng chứng kiến nhiều công an cư xử rất thiếu tình người thế này. Dường như họ chỉ chăm chăm bắt giữ người thế cô, ngược lại rất ‘nương tay' với các đối tượng cố tình vi phạm nhưng trông bặm trợn, côn đồ…???” - Phương Vy: phuongvy16@yahoo.com
“Cần nhanh chóng làm rõ sự việc. Nếu chị Sen vi phạm luật giao thông thì đã có chế tài xử lý. Còn anh CSGT vụt thẳng vào gáy chị Sen cần phải nghiêm khắc truy cứu trách nhiệm mà theo tôi là với tình tiết tăng nặng. Vì chắc chắn anh ta phải biết rằng khi xe đang lưu thông mà đánh thẳng vào người trên xe như vậy có thể sẽ dẫn đến tử vong. Còn nhóm CSGT lúc đó cũng cần bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì không cứu giúp người bị nạn” - Huỳnh Lắm: knmaika@yahoo.com.vn
Sự thật chỉ có một mà thôi
Vụ việc, theo thông tin, vẫn đang được điều tra. Cũng có ý kiến như đã nêu ở trên rằng không có lửa sao có khói…Vấn đề là ở chỗ cái nhìn và thiện cảm của người dân VN nói chung với lực lượng CSGT vẫn đang có chiều hướng xấu đi, dù ai cũng thấy rõ vai trò và công sức đóng góp của các chiến sĩ áo vàng với xã hội, với cuộc sống là không thể phủ nhận. Vậy vì đâu nên nỗi?
“Sự thật của sự việc vẫn còn đang được điều tra, nhưng chắc sẽ không có ai dám tự nhiên đi kiện CA nếu điều đó không phải là sự thật đâu nhỉ???? Liệu sự công tư phân minh có được phát huy trong điều kiện này chăng? Em không muốn nói chua ngoa hay nói xấu gì các anh cảnh sát cả, nhưng giờ đúng là dân thấy nhiều anh CSGT cư xử quá mất phẩm chất và đạo đức, hống hách ....Còn với sự việc trên, mong các ngành chức năng sớm làm rõ và xử lý thật công minh cho nạn nhân...” - Nguyễn Mạnh Hùng: thach_ai_lay_dc_trai_tim_anh_90@yahoo.com
“Đây là chuyện không thể làm ngơ, và chuyện này cũng diễn ra khá… thường ngày. Cảnh sát hay dùng gậy chặn người vi phạm GT, có lẽ vì họ chỉ sợ ‘làm mất’ kẻ vi phạm giao thông thôi, chứ đâu nghĩ được rằng chỉ cần giơ gậy ra mà người đang đi xe máy chạy tới với một lực khá lớn, có thể sẽ làm bị thương họ. Vợ tôi lúc trước cũng bị CSGT giơ gậy ra trúng tay, sưng tím mấy ngày. Vì gậy bằng cao su nên khi mới bị nhìn thì tưởng đâu không sao, nhưng về nhà mới biết đã bị nội thương…” - Viet balo: luannguyendl@gmail.com
“Ở đây tôi muốn nói: có lẽ nào người dân bị tai nạn vì một lý do khác, bỗng dưng lại đi đổ tội cho CSGT hay không? Lại có người làm chứng nữa. Không ai bỗng dưng muốn làm chứng trong trường hợp kiện cáo với CSGT để chẳng được lợi lộc gì, trừ phi đó là do người dân bức xúc trước chuyện sai trái của anh CSGT mà lại cư xử như … thế kia. Đội mũ bảo hiểm là để bảo vệ người đội, nay lại đập sưng đầu người không đội mà lại biện giải là thi hành công vụ được sao?? Trúng đầu hay trúng vai thì đều tỏ rõ sự coi thường dân - đối tượng phục vụ của mình... Đâu phải gấp gáp, khẩn trương gì? Đâu phải họ cầm dao búa hay vật liệu gây cháy nổ gì, mà là đánh người tay không? Nói sao cho hết sự uất ức của người bị nạn…” – Nguyen Thi Gai: gainguyen51@gmail.com
Khánh Tùng