Hà Nội ô nhiễm không khí: Bác sĩ mách loạt bí kíp "ta tự cứu thân ta"
Các chuyên gia cho rằng để bảo vệ sức khoẻ trong môi trường ô nhiễm không khí tốt hơn hết là tự ý thức, "ta tự cứu thân ta" trước khi chờ đợi gỉải pháp vĩ mô.
Nguy hại sức khoẻ
Trong những ngày gần đây, chất lượng không khí ở Hà Nội đều cho những kết quả trong ngưỡng kém và xấu ở cả "10/10" điểm quan trắc vào thời điểm đầu giờ sáng.
Chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) ở Hà Nội duy trì màu cam (tức chất lượng kém). Lẽ dĩ nhiên, điều này tác động rất lớn đến sức khoẻ người dân.
Theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, chỉ số ô nhiễm bụi PM 2.5 lên cao như vậy là một điều rất đáng ngại. Bụi PM 2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 Mm, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người (1 Mm có kích thước bằng một phần triệu mét - PV).
Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. PM 2.5 có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch.
Cơ quan bảo vệ môi sinh Mỹ nhận định, bụi PM 2.5 chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gene. Trong khi đó, các khẩu trang thông thường không thể ngăn loại bụi này.
Chuyên gia "mách nước"
BS Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Việt Đức cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí tại các trung tâm thành phố lớn đang ngày càng trở nên trầm trọng nhưng mong chờ một giải pháp vĩ mô không bằng "ta tự cứu thân ta" trước.
Bác sĩ mách nước, thứ nhất nên lựa chọn sống nơi thoáng nhất có thể, càng nhiều cây xanh càng tốt. Nếu vì điều kiện chưa đủ, phải sống sâu trong ngõ ngách thành phố thì nên đầu tư hệ thống các loại máy lọc không khí.
Ngoài ra, cuối tuần nên tạo thói quen cho cả nhà ra ngoại ô, vùng biển hoặc lên núi đồi, nơi nhiều cây xanh để “thanh lọc” hệ hô hấp.
Ngoài đeo khẩu trang bảo vệ đường hô hấp, tránh khói, bui, cần đeo kính bảo vệ mắt.
Nếu bất đắc dĩ, sống gần các khu công nghiệp, các nhà máy hoặc làm việc trong những môi trường nguy cơ cao như hầm mỏ, đan dệt, xi măng cán thép, các cửa hàng xăng dầu thì luôn cần có bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn và tích cực kiểm tra sức khoẻ định kỳ.
Theo BS Khánh, yoga và thiền…là những môn thể thao giúp cải thiện đường hô hấp rất tốt. Mỗi nhịp thở chúng ta thực hiện, luôn chỉ có một lượng nhất định khí ra vào, còn có một lượng khí rất lớn hầu như “nằm yên” trong phổi chúng ta, gọi là khí cặn.
Nếu ai chăm chỉ tập luyện thể thao, lượng khí cặn này sẽ ít đi, lượng khí trao đổi sẽ nhiều lên trong mỗi lần thở, chính điều đó sẽ giúp chúng ta thấy dồi dào oxi hơn cũng như tránh được tình trạng thở nông, hụt hơi, đuối sức và cảm giác thiếu oxi mạn tính.
Chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng khuyến cáo thêm, người dân nên thường xuyên theo dõi chỉ số chất lượng không khí theo địa chỉ portal.hanoi.gov.vn/quantrac_khongkhi1 trên cổng thông tin của UBND TP Hà Nội.
Ngoài ra, lúc chỉ số lên quá cao (trên 200) thì hạn chế tối đa đi ra ngoài, hoạt động thể thao ngoài trời. Những người già và trẻ nhỏ đóng cửa lại và dùng máy lọc không khí.
Nếu ra ngoài, khuyến cáo đeo loại khẩu trang có chức năng lọc khí.
Theo Thảo Anh
Báo Lao động