Hà Nội: Nhiều vấn đề đặt ra sau thanh tra dự án lát đá vỉa hè

Từng được kỳ vọng là sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị Thủ đô, nhưng việc triển khai thực hiện các dự án lát đá vỉa hè tại nhiều quận của Hà Nội lại tồn tại rất nhiều sai phạm. Phía sau những sai phạm này là cách làm tùy tiện cùng sự thiếu trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan…

Bài 1: Nhiều sai phạm quanh các dự án lát đá vỉa hè ở Hà Nội

Thực hiện chủ trương của UBND thành phố Hà Nội, từ giữa năm 2017, nhiều quận nội thành đã cải tạo vỉa hè bằng đá tự nhiên, được cho là loại đá có kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, trên một số tuyến đường, nhiều đoạn vỉa hè vừa mới đưa vào sử dụng đá lát đã bị bong tróc, vỡ vụn.

Hà Nội: Nhiều vấn đề đặt ra sau thanh tra dự án lát đá vỉa hè - 1

Trong một thời gian ngắn, hàng loạt tuyến phố của Thủ đô được lát đá vỉa hè

một cách ồ ạt, tạo thành “phong trào lát đá vỉa hè”. Ảnh: TL

Hiện tượng trên có thể thấy tại một số tuyến đường như: Lê Trọng Tấn, Nguyễn Trãi, Trung Kính, Đường Láng... Trái ngược với quảng cáo về độ bền lên tới 50 - 70 năm, những viên “đá tự nhiên” đã bị nứt, mẻ, thậm chí là vỡ vụn sau ít ngày được dùng để lát vỉa hè tại các không ít tuyến phố. Thực tế này đã khiến cho dư luận rất bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Thanh, một người dân ở phố Nguyễn Trãi cho biết: “Không hiểu đá này họ lấy ở đâu, thi công như thế nào mà chưa đầy nửa tháng sau khi đưa vào sử dụng đã có nhiều viên đá bị vỡ; trong khi gạch lát vỉa hè trước đây còn rất tốt thì họ lại bỏ đi. Hô hào tiết kiệm nhưng làm thế này thì lãng phí ngân sách nhà nước quá...”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra quy định chặt chẽ đối với việc tiến hành lát đá vỉa hè trên địa bàn các quận nội thành. Cụ thể, các quận chỉ được lát đá đối với những vỉa hè quá cũ nát không thể không sửa chữa, khắc phục; các vỉa hè tổ chức lát đá phải bảo đảm đã hạ ngầm xong hệ thống cáp viễn thông; đã được tu sửa, trồng mới toàn bộ cây xanh và đã chỉnh trang xong toàn bộ hệ thống ánh sáng… Khi bảo đảm các điều kiện trên thì mới lên kế hoạch lát lại đá, không làm một cách tràn lan.

Chủ trương và hướng dẫn của UBND thành phố là vậy nhưng không hiểu sao, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hàng loạt tuyến phố của Thủ đô được tiến hành lát đá vỉa hè một cách ồ ạt tạo thành “phong trào lát đá vỉa hè”. Hậu quả là việc lát đá vỉa hè tại rất nhiều tuyến phố đã không bảo đảm, nếu không muốn nói là quá kém chất lượng...

Trước thực tế trên và trước bức xúc của dư luận, phản ánh của các cơ quan báo chí, Thanh tra thành phố Hà Nội đã vào cuộc, tiến hành thanh, kiểm tra tình trạng lát vỉa hè kém chất lượng tại một số địa bàn. Sau hơn 2 tháng tiến hành thanh, kiểm tra, thành tra thành phố đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến các dự án lát đá vỉa hè ở Hà Nội.

Theo đó, nhiều quận đã không thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội tại văn bản số 6224/UBND-ĐT ngày 28/10/2016 đối với việc lát đá vỉa hè. Cụ thể, một số quận như: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân chưa tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa cải tạo áp dụng vật liệu lát hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên có độ bền đảm bảo 50 - 70 năm; chưa đồng bộ cải tạo hè với cải tạo, chỉnh trang mặt tiền đô thị để đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và mỹ quan khu vực. Trách nhiệm tồn tại trên thuộc Phòng Quản lý đô thị các quận: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân mà trực tiếp là Trưởng phòng Quản lý đô thị, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các quận; bên cạnh đó, có trách nhiệm của Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách khối và Chủ tịch UBND các quận trong trong công tác chỉ đạo.

Hà Nội: Nhiều vấn đề đặt ra sau thanh tra dự án lát đá vỉa hè - 2

Kết luận số 673 ngày 13/02/2018 đã chỉ ra hàng loạt sai phạm, tồn tại ở các dự án lát đá vỉa hè thuộc các quận nội thành của Hà Nội. Ảnh: TL

Qua kiểm tra, Thanh tra thành phố Hà Nội cũng chỉ rõ: Tại 19 dự án ở 4 quận (Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ), việc khảo sát hiện trạng hè trước khi cải tạo của đơn vị tư vấn còn chưa chi tiết, chưa khảo sát đến từng ga hàm ếch thu nước, các bồn cây; thiết kế cải tạo hè và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bản vẽ còn chưa đầy đủ, thể hiện chưa chi tiết. Đối với 34 dự án tại 8 quận (Hà Đông, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Ba Đình), việc thiết kế kết cấu hè cũng chưa đúng, thiếu các chỉ tiêu về nhóm đá, chỉ tiêu của đá lát hè theo hướng dẫn sử dụng và phần bản vẽ mẫu. Riêng tại dự án cải tạo, nâng cấp đường Bà Triệu, quận Hà Đông, thiết kế thiếu lớp giấy dầu.

Bên cạnh đó, do chưa có sự hướng dẫn đồng nhất và rõ ràng trong thiết kế mẫu nên việc lựa chọn, sử dụng chủng loại, kích cỡ đá lát vỉa hè và cách thức thi công cũng có nhiều tùy tiện, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng dự án này. Trên thực tế, có 25/38 dự án cải tạo, chỉnh trang hè phố dùng đá 1x2, có 13/38 dự án dùng đá 2x4 đổ bê tông lót nền hè. Tại một số dự án, kỹ thuật lát đá không bảo đảm đã làm giảm liên kết giữa các viên đá lát, ảnh hưởng chất lượng hè lát đá. Đặc biệt, giá đá áp dụng trong dự toán các dự án chưa thống nhất, có nơi tính cao, có nơi tính thấp. Ví dụ như dự án tại quận Nam Từ Liêm, giá đá lát hè là 270.000 - 300.000 đồng/m2 (kích thước 40x40x4cm); các dự án ở quận Hà Đông giá đá là 410.000 đồng/m2 (kích thước 40x40x4cm); các dự án ở quận Hoàn Kiếm, giá đá lát lên tới 550.000 đồng/m2 (kích thước 40x40x5cm). Cùng đó, đơn giá nhân công, đơn giá máy của đơn giá lát đá trong dự toán dự án tại các quận cũng khác nhau.

Như vậy có thể thấy, quá trình triển khai các dự án lát đá vỉa hè tại nhiều quận nội thành Hà Nội thời gian qua đã tồn tại hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng. Không chỉ “bỏ qua” chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội tại văn bản số 6224/UBND-ĐT, việc thi công không bảo đảm chất lượng dẫn đến tình trạng vỉa hè nhiều tuyến phố sau cải tạo bị bong tróc, nứt vỡ… đã tạo dư luận xấu, làm giảm tính hiệu quả của các dự án nói trên.

Tại kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội, trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến những sai phạm tại các dự án lát đã vỉa hè cũng đã được chỉ rõ. Điều dư luận chờ đợi hiện nay là, sau khi đã có kết luận thanh tra thì những tập thể, cá nhân liên quan trực tiếp đến sai phạm này có bị xử lý nghiêm khắc như ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội hay không?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Phụng - Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết: Ngay khi có kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội, UBND quận Hà Đông đã trực tiếp chỉ đạo Ban Quản lý dự án xây dựng, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài chính kế hoạch và các cá nhân có liên quan tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. “Dự kiến, đến ngày 20/3, chúng tôi sẽ gửi báo cáo về UBND thành phố Hà Nội việc thực hiện kết luận của Thanh tra thành phố”, ông Vũ Ngọc Phụng chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai chia sẻ: Quận đang tập trung triển khai thực hiện các nội dung xác định trong kết luận của Thanh tra thành phố bao gồm bổ sung, hoàn thiện các điều kiện của những dự án lát đá vỉa hè và kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan. Việc rút kinh nghiệm những hạn chế trong các dự án lát đá vỉa hè sẽ là cơ sở để quận vừa bổ sung, hoàn thiện các dự án đó, vừa sử dụng có hiệu quả nguồn nhân sách nhà nước trong những dự án tiếp theo.

Liên quan đến các vấn đề nêu trên, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh tới bạn đọc./.

Theo TL

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam