Hà Nội đổi giờ học, giờ làm: Vạn sự khởi đầu nan
(Dân trí) - Ngày đầu đổi giờ học, giờ làm ở thủ đô đã gây ra sự xáo trộn không nhỏ trong giờ giấc sinh hoạt của nhiều hộ gia đình có con ở độ tuổi đi học. Lời kêu ca, phê phán, chỉ trích khá nhiều, nhưng cũng có không ít phân tích hợp tình, hợp lý.
Những minh chứng cho cái sự bất tiện, xáo trộn và thậm chí cả “hỗn loạn” do thay đổi giờ học của con gây ra, được rất nhiều bậc phụ huynh liệt kê ra có thể nói là… thành cả danh sách dài như vô tận. Phản ứng của mỗi người cũng khác nhau, từ phản bác rất gay gắt tới phân tích thiệt hơn hoặc đề xuất những giải pháp mới dung hòa cả những mặt được và chưa được của giải pháp này.
Thời gian thích nghi
Số nêu ý kiến ủng hộ cũng đưa ra nhiều lý lẽ, song có cùng điểm chung là: muốn đạt mục tiêu giảm ùn tắc giao thông thì phải chấp nhận có những sự thay đổi, xáo trộn… Bởi không có chuyện gì là dễ dàng và càng không thể có kết quả nếu không bắt tay vào hành động. Sau đó trên cơ sở những kinh nghiệm rút ra từ chính thực tế, mới có được giải pháp đúng đắn và sát thực nhất. Những bài học kinh nghiệm cũng được nêu ra và đều nhấn vào một điểm: cái mới nào cũng cần có thời gian để thích nghi và kiểm nghiệm.
“Tôi thấy UBND Hà Nội điều chỉnh giờ học, giờ làm như vậy là đúng, tránh tắc đường giờ cao điểm. Mỗi người làm mỗi công việc, đến giờ đi làm cũng không phải vội vàng vì sợ tắc đường nữa” – Nguyễn Viết Dũng: banhanghp@gmail.com
“Tắc thì vẫn có tắc, nhưng vẫn phải thực hiện thôi. Mới ngày đầu tiên, hi vọng với phương án mới này Hà Nội sẽ đỡ tắc đường” - Duy: duydk4@gmail.com
“Tôi thấy ngày đầu tiên như vậy là đã khả quan lắm rồi. Tắc đường là vấn đề muôn thủa của Thủ đô, nên mọi chuyện không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai được. Vạn sự khởi đầu nan, tôi hy vọng vấn đề tắc đường sẽ sớm được khắc phục. Mọi người hãy cố gắng lên!” - Thuy: nguyenchidung2007@gmail.com
“Mọi thay đổi mới đều cần thời gian thích nghi, nên ban đầu có khó khăn là bình thường. Chỉ sợ không thay đổi thì mới không tiến bộ được thôi” - Kien: langtusaudoi_175@yahoo.com
“Ngay ngày đầu chúng ta thực hiện việc đổi giờ học, giờ làm tuy có phần bỡ ngỡ. Nhưng sau một thời gian nếu không thấy hiệu quả, chúng ta sẽ nghiên cứu lại. Tôi tin rằng việc đổi giờ học, giờ làm sẽ có hiệu quả trong chống ùn tắc” - Đinh Văn Mạnh: manhdv12@wru.vn
“Nhà tôi cũng có 2 con đi học tiểu học và trung học cơ sở, bản thân tôi là người phải vào làm lúc 8h sáng. Nhưng tôi thấy mọi việc diễn ra vẫn bình thường mà không có vấn đề gì rắc rối xảy ra cả. Tất cả rắc rối cũng tại ý thức của người trong cuộc đã không có được sự chuẩn bị tốt mà thôi. Từ ngày đi làm hơn 14 năm tại HN, ngày hôm nay ra đường tôi thấy là thoáng nhất, tâm lý đến cơ quan hồ hởi hẳn lên” - Ngô Vịnh Hà: thuyanh_hamy@yahoo.com
“Tôi đồng ý nhiệt tình với phương án đổi giờ học, giờ làm. Phương án này giúp tôi và rất nhiều người giảm gánh nặng đưa đón con cái đi học” - Hồ Đô: yyen_hoangmua@yahoo.com
“Vạn sự khởi đầu nan, mới có tí khó khăn như vậy mà đã kêu ca thế thì... đúng là hết nói nổi... Thế các vị cứ muốn mọi việc đều phải trôi chảy ngay ư?” - Nguyễn Trung Hiếu: hieu1905@yahoo.com.vn
Chuyện không có gì mà… ầm ĩ
Chuyện thay đổi này thật ra cũng không phải là mới. Không chỉ ở nước ngoài đã áp dụng, mà những thế hệ từ trung niên trở lên hay người dân ở các vùng nông thôn, các tỉnh khác cũng đã quen với chuyện đã thành bình thường: dậy sớm đi học, đi làm và kể cả...đi chơi rồi.
“Các nước phát triển trên thế giới người ta áp dụng giờ làm việc như thế này từ lâu rồi. Nếu ngành giao thông không thử thì làm sao biết đúng, sai mà điều chỉnh. Cái gì cần thiết, phục vụ đại chúng thì nên làm, không thể vì thiểu số mà không cải cách” – Ngoc Hai: phamngochaibth@gmail.com
“... Ở các nước phát triển họ dậy từ rất sớm, thời tiết mùa đông của họ nhiệt độ âm, đường sá đóng băng mà họ vẫn đi làm đúng giờ và dậy rất sớm. Đằng này ra đường từ 6h30 mà các vị làm như phải dậy từ 2h sáng không bằng. VN vẫn có những người như thế làm sao phát triển được đây...” - Trọng Nghĩa: trongnghia_1325@yahoo.com
“Ở Nhật cũng đổi giờ làm từ cả thập kỷ nay rồi, bây giờ Việt Nam mới thay đổi là muộn đấy… Ngày đầu tiên mọi người chưa quen thì cũng phải từ từ chứ. Tôi thấy đường đã thông thoáng hơn rất nhiều. Điểm tắc đường ở Tây Sơn là do có công trình thi công đấy chứ. Báo chí nên ủng hộ mới đúng...”- Hana: lovely_kinoko28@gmail.com
“Thương con thì thương thật. Nhưng nhớ lại hồi còn nhỏ, lúc đó vào khoảng cuối những năm 60 đầu những năm 70 của thế kỷ trước, mấy anh chị em chúng tôi dậy từ lúc 5 giờ kém 15, rang cơm với nước dưa chua, ăn rồi đi học. Thời đó học 3-4 ca/phòng học nên dù mới học cấp 1 (lớp 1 tới lớp 4) chúng tôi vẫn phải bắt đầu từ 6 giờ hay 6h30 gì đó để 9h30 tan học dành chỗ cho các lớp tiếp theo. Trời mùa đông Hà Nội những năm đó cũng rét, ngoài đường còn tối mù nhưng tôi nhớ là anh chị em tôi dắt nhau ra khỏi nhà khoảng sau 5h30. Dạo đi sơ tán ở Văn Lãng, Lạng Sơn, tuy 7 giờ mới học nhưng chúng tôi cũng phải ra khỏi nhà khi trời còn tối vì phải đi bộ 5 km đường núi, lội qua 2 con suối... Chúng ta cũng nên dạy các con biết vượt qua những khó khăn. Đời không phải lúc nào cũng dễ dàng, trải thảm, êm ấm... cả đâu” - Toan: tonquangtoan@gmail.com
“7h mới vào học mà đã kêu rồi? Trước đây tôi đi học THPT 6h45 đã phải có mặt ở lớp rồi. Nhà cách trường 7km, toàn đường rải đá chứ không được đường nhựa như ở phố, mà phải đi xe đạp chứ làm gì có xe máy hay ôtô đưa đón” - Việt: nguyenvanviet1121@gmail.com
“Có gì mà phải kêu ca nhỉ? Hãy so sánh mình với những người dân, những em nhỏ ở vùng miền múi xa xôi… Họ còn thiếu cơm ăn, áo mặc, phải đi bộ, trèo đèo, lội suối, bơi qua sông, ở nhà tạm bợ, học trong lán... Trường ĐHHH của tôi còn học sáng từ 6h30 và trưa từ 12h từ xưa tới nay, có ai kêu đâu? Khi người ta sướng quá cũng có thể thành ra hư đấy…” – La Vang: lavang1983@yahoo.com
“Tôi thấy chuyện đổi giờ học là bình thường. Chúng tôi đi làm vẫn đi từ lúc sáng sớm, 5h đã dậy rồi, nấu ăn sáng tại nhà rồi mới đi làm. Các vị đừng vội kêu ca, sao không nhìn lại mình trước. Thông báo về đổi giờ học, giờ làm có từ trước tết, nhưng đa phần các gia đình bị xáo trộn chắc là do không có sự chuẩn bị cho việc này. Lỗi tại chúng ta trước khi đổ lỗi cho nhà quản lý. Quan điểm của tôi, dù chưa biết có hiệu quả hay không, nhưng việc đổi giờ làm, giờ học để đỡ ùn tắc giao thông là việc đáng hoan nghênh vì các nhà quản lý đã có những thay đổi, còn hơn là họ không làm gì cả. Xã hội nên ủng hộ họ hơn là phản đối” - Kiwi: kiwivn1810@gmail.com
Vì lợi ích chung
Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó, vấn đề là mỗi người trong chúng ta có lẽ cũng nên xem lại chính mình trước đã. Và như nhiều bạn đọc đã nhấn mạnh: nếu cần hãy vui lòng hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích lớn hơn của nhiều người, của cả đất nước…
“... Hãy tập trung vì lợi ích của đa số người, chứ đừng vì lợi ích của một nhóm người nào đó. Hãy vì giao thông thuận lợi cho cả xã hội, chứ đừng chỉ vì lợi ích của những người đưa con đi học. Thử hỏi các công nhân nữ vẫn thường xuyên phải làm 3 ca, vậy ai đưa đón con họ đến trường? Vậy mà một số người làm hành chính chưa chi đã kêu vất vả, khó khăn khi đưa con đi học...” - Quang Huy: longphunhan@gmail.com
“Chỉ cần điều chỉnh chút ít, nghiên cứu làm sao có xe đưa đón học sinh. Cứ thực hiện rồi tất sẽ tìm ra cách giải quyết. Đừng bi quan quá mọi người ạ” - Hien: ngaymoicuatui@gmail.com
“Ôi sao mấy ông phức tạp thế ? Không thay đổi thì các ông bảo không năng động, để tồn tại mãi cảnh ùn tắc giao thông. Thay đổi, tìm cách tháo gỡ chuyện ùn tắc thì các ông lại phê phán là gây khó dễ cho dân. Đề nghị các ông hãy tham gia tìm giải pháp cho vấn đề thì hơn” - Phạm Việt: hanoi_70@yahoo.com
“Để làm tốt việc này chỉ cần mỗi người, mỗi ngành hy sinh một chút. Đầu tiên là các trường sư phạm nên đào tạo cho giáo viên tương lai các môn năng khiếu để bày trò chơi cho các em kéo dài thời gian ở trường đến 19h hàng ngày. Các nhà sản xuất cặp học sinh nên thiết kế ngăn đựng thức ăn, nước uống. Phụ huynh nên mua thêm thức ăn xế cho các em. Công ty điện lực nên đảm bảo tăng công suất điện. Nhà nước nên tăng lương cho các cán bộ công chức các ngành liên quan khi phải làm thêm ngoài giờ quy định...” - Thế Anh: he040607@yahoo.com.vn
“… Nói thật là các vị chỉ nghĩ tới lợi ích của mình thì đúng hơn. Tôi nói thế là hơi quá, nhưng thật sự suy cho cùng là vì lợi ích cho ai? Mới chỉ hơi 1 chút đã la thì ai dám làm? …. Các vị có biết ở những miền quê nơi tôi sinh ra và lớn lên như thế nào. Con em bạn bè chúng tôi nghĩ ra sao? Học sinh miền quê có bao nỗi khó khăn, sao họ vẫn vượt khó đi lên được. Mỗi buổi sáng sớm dù là trời lạnh giá hay trời nắng, đêm trước thức khuya đến mấy họ vẫn phải dậy sớm để kiếm miếng cơm manh áo…. Dậy sớm hơn những ngày bình thường 1 chút thì đã sao? Đi làm sớm hơn 1 chút thì đã sao? Vậy mà hơi 1 tí đã kêu khó rùi? Nếu cảm thấy khó quá thì cứ đề nghị thẳng thắn giải pháp khác ra xem sao. Nếu các vị có cách nào hay hơn thì tốt chứ có sao đâu. Tôi thật sự thấy thất vọng về các vị quá….” - Thạnh Long: thanhlong100688@gmail.com
“Tôi thấy nhiều người Việt mình hình như vẫn quen thói ỉ lại, hay phê phán quá mức… Học sinh 7h vào lớp là chuyện quá bình thường. Phải bắt tay vào thay đổi thì mới thấy được vấn đề. Hiệu quả ngay là điều đáng mừng, còn nếu chưa thật sự hiệu quả thì qua đó cũng nhìn sâu, rõ vấn đề hơn và chắc chắn sẽ tìm ra phương án tối ưu. Cái gì cũng cần phải có thời gian, phải trải qua quá trình sàng lọc. Bộ trưởng Thăng đã và đang cố gắng rất nhiều để cải thiện tình hình. Quan trọng vẫn là do ý thức của mỗi người. Thay vì ngồi đó kêu ca thì hãy rèn ý thức cho chính mình và hãy dùng kiến thức thực tế là người trực tiếp tham gia giao thông, quan sát, suy nghĩ, tìm nguyên nhân, đưa ra ý kiến cùng nhau bàn luận để có thay đổi tốt nhất. Hãy coi đó là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam và cũng là vì lợi ích của chính bản thân mình. Cố lên...!!!” - Cucku: cucku201188@gmail.com
“Hãy ủng hộ Bộ trưởng Thăng để xem kết quả có tốt lên không đã. Không nên bàn lùi. Sau 6 tháng, chúng ta sẽ xem lại vấn đề này” - Quan: nguyethoaulis@gmail.com
“Đừng quá tự cho là khó khăn nữa! Người lớn sao không cố gắng khắc phục, làm gương để cho các cháu học sinh chủ động noi theo. Cùng tham gia chống ùn tắc giao thông bằng cách đi học đúng giờ theo chủ trương của Nhà nước. Theo cách đó là chúng ta cũng đã dạy cho các cháu thế nào là sống và làm việc theo pháp luật, cũng như có trách nhiệm với bản thân mình hơn. Ở quê tôi các cháu còn phải bơi qua sông, suối để đi học cơ mà. Khắc phục thời gian đầu rồi sẽ tốt đẹp thôi” – Hội: quc_hi@yahoo.com
“Không thử sao biết được hiệu quả hay không? Ai cũng muốn có lợi cho bản thân mình, vậy xã hội này làm sao mà tiến bộ được. Bỏ đi cái tôi cá nhân để cuộc sống này tốt đẹp hơn các bạn à. Ngày đầu tiên mọi người chưa quen cũng giống như trước đây vòng xuyến KHUẤT DUY TIẾN và NGUYỄN TRÃI lúc đầu thì thường xuyên tắc đường và ùn tắc ở đó. Đến khi lập đèn xanh đèn đỏ, mấy hôm đầu giao thông hỗn loạn và ùn tắc mạnh hơn vì người dân chưa bắt nhịp kịp. Nhưng hãy nhìn hiện tại mà xem!” - Lê Công Ngọc: ngoclecong@gmail.com
“Các tỉnh khác học sinh cũng phải vào học lúc 7 giờ, có nghĩa là phải đến trường trước 5, 10 phút thì có sao đâu. Chắc ở HN vì mọi người đang quen sướng hơn như vậy, nên thay đổi một chút là kêu trời. Theo tôi chuyện tắc đường không thể giải quyết triệt để được, chỉ cần giảm thiểu đã là quá tốt rồi. Đây là quyết định của tập thể ban lãnh đạo nhà nước chứ không phải của riêng một cá nhân nào, họ làm vì lợi ích của người dân chúng ta và của chính họ nữa. Vì vậy chúng ta là những người dân yêu nước, cần phải ủng hộ họ bằng cách nâng cao ý thức của chính mình khi tham gia giao thông” - Nguyen Thi Phu Yen: kimchi_doinuoc@yahoo.com.vn
“Thực ra cái gì cũng phải có thử nghiệm thì mới biết được tốt hay xấu, nên mọi người đừng quá phản đối. Cứ để xem thế nào đã, cái gì mới cũng cần có thời gian xem xét, nếu không hiệu quả thì lại điều chỉnh lại. Nếu không có thay đổi thì làm sao mà phát triển được” - Pham: bani1712000@yahoo.com
“Tôi thấy phương án đổi giờ học, giờ làm cũng có cái hay mà cũng có cái dở. Cái hay ở chỗ là việc phân cấp thời gian cho từng ngành, đơn vị, làm cho giao thông giảm ùn tắc, không gây sức nóng cho giao thông vào những giờ cao điểm sáng và chiều (tôi phải công nhận đường Trường Chinh, Chùa Bộc, Tôn Thất Tùng chưa bao giờ đi thoải mái như hôm nay vào thời điểm gần 7h sáng).
Nhưng điểm dở là ở chỗ, một số ngành nghề vẫn phải ra ngoài vào khung giờ không phải của mình như: công nhân viên chức phải ra đường đưa đón con đi nhỏ đi nhà trẻ mẫu giáo. Nhưng nhìn chung, giải pháp của Bộ trưởng Thăng đưa ra thì phần hợp lí nhiều hơn phần không hợp lí. Có điều việc đưa ra có lẽ chưa đúng lúc, đó là việc thi hành đúng vào mùa đông miền Bắc thế nên người dân phải thức dậy sớm hơn 1 tiếng vào buổi sáng, mà nhất là sau kì nghỉ tết lại càng khó khăn. Tôi nghĩ nếu đến hè thì việc triển khai sẽ dễ dàng hơn và người dân cũng dễ chấp nhận "thực tế" hơn ^^” - Đinh Hoài Thu: thuhoaidinh.88@gmail.com
“Tôi thấy nhiều người xem ra khắt khe quá, và chỉ biết phê phán mà không có cái nhìn khích lệ. Việc ùn tắc giao thông trách nhiệm không chỉ phụ thuộc vào Bộ GTVT, mà nó thuộc về vĩ mô do đặc thù địa hình, phân bổ dân cư, phát triển kinh tế, xã hội. Chỉ có hai thành phố là HCM và HN là bị tình trạng này. Do vậy, những cái không thể giải quyết một sớm một chiều thì phải có giải pháp ngắn hạn và việc đổi giờ là một giải pháp. Tôi hoàn toàn ủng hộ!” - Trương Khôi: truongkhoi2004@yahoo.com
Kiều Anh