Góc nhìn khác về vấn nạn giao thông ở Hà Nội

(Dân trí) - Gần đây, Bộ trưởng GT-VT Đinh La Thăng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận . Tôi cũng ngưỡng mộ Bộ trưởng Thăng, một con người dám nghĩ dám hành động quyết liệt , tuy nhiên về cách giải quyết vấn nạn giao thông, tôi có góc nhìn khác với ông.

Việc phân làn hay thay đổi giờ làm việc là những biện pháp cần thiết nhưng không thể giải quyết triệt để vấn nạn ách tắc giao thông . Tôi xin chia sẻ góc nhìn khác của tôi đối về nguyên nhân sâu xa của vấn nạn này .

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tuy không thường trú ở Hà Nội hay TPHCM, nhưng nhiều năm nay hằng tháng tôi thường phải đi công tác từ vài ngày đến một tuần tại Hà Nội và TPHCM . Điều tôi cảm nhận, cứ sau mỗi tháng ra Hà Nội, người tham gia giao thông càng ngày càng đông thêm, sự cảm nhận về sức tăng này rất rõ rệt để có thể nhận thấy . Tôi nhớ Hà Nội ngày xưa cách đây mười mấy năm, con đường Giải Phóng hiện nay có lẽ là một trong những con đường lớn nhất ở Hà Nội, vậy mà có bao giờ nghe người dân phàn nàn về vấn đề kẹt xe đâu . Hà Nội ngày xưa  không phải là đô thị lớn nhưng hiền hòa quyến rũ khác với sự chen chúc, ồn ào, náo nhiệt, hỗn loạn của ngày nay, tôi luyến tiếc cái Hà Nội ngày xưa ấy. Những năm gần đây với những sự đầu tư lớn, cơ sở hạ tầng của Hà Nội phát triển vượt bậc, đại lộ, cầu đường, cầu dẫn, cầu vượt, hầm chui ... rất dài rộng hoành tráng , tôi nghĩ cơ sở hạ tầng ở Hà Nội đã bỏ xa các thành phố khác trong cả nước và có lẽ đã là tốt nhất Việt Nam . Thế nhưng, than phiền về nạn kẹt xe càng ngày càng tăng chứ chưa bao giờ giảm . Vì sao ? Bởi vì để mở rộng một con đường hay xây một cái cầu mất vài năm, trong khi dân số đổ về Hà Nội tăng mỗi ngày, mỗi tháng, tăng một cách chóng mặt . Như vậy thì làm sao có sự xây dựng cầu đường nào đáp ứng cho kịp với tốc độ tăng dân số, mà chủ yếu là tăng dân số cơ học . Tôi nghĩ nhiều người có thể đồng ý với tôi rằng dân số tăng quá nhanh ở Hà Nội là nguyên nhân chính của vấn nạn ách tắc giao thông. Bây giờ chúng ta có thể tập trung vào những biện pháp để giải quyết , tôi đề nghị một số biện pháp dưới đây:

 

1- Hà Nội chỉ nên là trung tâm Văn hóa, trung tâm Chính trị và trung tâm Tài chính của cả nước , chỉ cần như thế là đã xứng tầm Thủ đô điều hành đất nước một cách hiệu quả. Hà Nội không cần trở thành trung tâm hay số 1 của tất tần tật mọi thứ như trung tâm Kinh tế, trung tâm Giáo dục, trung tâm Dịch vụ, trung tâm Y tế vv... Những thứ này hãy để cho những thành phố khác, như vậy cở sở hạ tầng ở Hà Nội sẽ không phải gồng gánh thêm hàng triệu người di cư từ các thành phố khác (Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ,Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình ...) đổ về bon chen sinh sống . Thủ đô Hà Nội sẽ thoáng đãng hơn, chất lượng cuộc sống sẽ cao hơn .
 
Góc nhìn khác về vấn nạn giao thông ở Hà Nội - 1

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)

 

2- Di dời tất cả các trường đại học, cao đẳng ra khỏi Hà Nội; chỉ cần giữ vài trường đại học xuất sắc phục vụ nghiên cứu và cung cấp nhân tài . Hà Nội có gần cả trăm trường đại học và cao đẳng, mỗi trường có cả chục ngàn sinh viên như vậy nhẩm tính sơ thì chúng ta cũng có thể thấy số sinh viên đóng góp một phần không nhỏ vào dân số tham gia giao thông ở Hà Nội. Ngoài ra mỗi trường đại học di dời sẽ tạo ra hàng ngàn công việc như quán cơm, quán nước, cafe, dịch vụ ... cho dân địa phương ở vùng mà trường đại học được chuyển đến , một khi có công việc tốt những người địa phương này sẽ không cần phải đổ xô chen chân về Hà Nội kiếm sống tạo thêm gánh nặng cho cơ sở hà tầng của Hà Nội . Bạn bè phổ thông trung học cùng lứa với tôi trăm người thì gần cả trăm sau khi tốt nghiệp đại học tại Hà Nội và Sài Gòn đều ở lại chứ không ai quay về quê kiếm việc và sinh sống. Thường các bạn đó đã sống 4-5 năm ở Hà Nội thời sinh viên, rồi bám trụ lại Hà Nội để kiếm việc và sinh sống dễ hơn . Vì vậy tôi nghĩ nếu phải học đại học ở tỉnh khác thì xác xuất sinh viên sau khi tốt nghiệp đổ về Hà Nội kiếm việc và sinh sống sẽ ít đi.

 

3- Di dời tất cả các nhà máy không thiết yếu ra khỏi Hà Nội như nhà máy bia, nhà máy bánh kẹo, nhà máy thuốc lá, dệt may ... Nếu di dời được thì không chỉ những giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng Hà Nội khi một lượng lớn công nhân di dời mà còn giảm áp lực cho môi trường, các vấn đề xã hội ở Hà Nội . Đối với các nhà đầu tư ai cũng muốn nhà máy gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu chi phí vận tải , vì vậy các nhà đầu tư muốn đầu tư nhà máy càng gần Hà Nội càng tốt, tuy nhiên tôi nghĩ đã đến lúc Hà Nội không cần phải chạy theo thành tích thu hút đầu tư, thu hút FDI mà chỉ chọn lọc những nhà đầu tư thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, không ảnh hưởng nhiều đến cơ sở hạ tầng, môi trường mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho Hà Nội .

 

4- Phát triển đồng đều các thành phố khác, nhất là những thành phố mới vệ tinh được xây dựng có ý tưởng quy hoạch hẳn hoi . Hôm trước tôi gặp một anh bạn, khi hỏi anh ta sống và làm việc ở đâu, anh ta trả lời một cách tự hào rằng đang sống và làm việc ở Đà Nẵng, một thành phố phát triển nhanh nhưng có ý tưởng xây dựng đàng hoàng, tạo điều kiện và tiện nghi cho cư dân thành phố. Tôi dám chắc cho dù có cơ hội anh ta cũng không có một lý do gì để phải chen chân ra Hà Nội sinh sống .

 

Việt Nam và nhất là khu vực miền trung cần có nhiều thành phố như Đà Nẵng . Và cả Thủ đô Hà Nội cũng cần học tập Đà Nẵng. Tôi thật sự buồn lòng mỗi khi ra Hà Nội đi trên những con đường mới mở thấy nhà cửa xây dựng lổn nhổn, gồm cả những “tòa nhà’ siêu mỏng siêu méo” làm mất hết mỹ quan đô thị.

 

Việc đầu tư đồng đều cho nhiều đô thị ở các vùng dân cư sẽ tránh được sự tập trung dân số quá đông chỉ vào một số ít thành phố sinh ra các vấn đề về ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội ... Hơn nữa, còn tránh được rủi ro khi một thành phố tập trung quá lớn bị thiên tai tàn phá hay những thảm họa không mong muốn thì nền kinh tế của chúng ta vẫn không bị ảnh hưởng lớn hay tê liệt (một số công ty nước ngoài khi cho nhân viên đi du lịch bao giờ cũng chia đôi nhân viên mỗi phòng đi trên mỗi chuyến bay riêng hay chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc không được đi cùng trên một chuyến bay để tránh rủi ro nếu chuyến bay có bị tại nạn thì công ty vẫn còn nhân sự để hoạt động).

Ngoài ra, việc phát triển đồng đều các thành phố cũng giải quyết được vấn đề lạm phát cục bộ, mà Việt Nam hiện nay đang phải đương đầu . Vì sao tôi dùng từ “lạm phát cục bộ” chứ không phải là “lạm phát” . Tiền chỉ là phương tiện trao đổi hàng hóa , lạm phát là khi số lượng tiền (hay số lượng phương tiện trao đổi hàng hóa) nhiều hơn giá trị thực của hàng hóa trong thị trường . Các bạn về miền quê hỏi người dân về lạm phát họ sẽ trả lời tôi chẳng biết gì về ảnh hưởng của lạm phát, cuộc sống của tôi vẫn cứ như bình thường mọi ngày thế thôi (dĩ nhiên là vẫn nghèo);  1 tô phở ăn bình thường ở Huế vẫn là 15.000 VND trong khi 1 tô phở bình thường ở Hà Nội phải là 35.000 VND : nghĩa là lạm phát hoàn toàn khác nhau ở các thành phố khác nhau , chính vì vậy tôi nghĩ từ “lạm phát cục bộ” mô tả chính xác hơn . Báo chí gần đây lên án bao nhiêu vụ vỡ nợ tín dụng đen, có vụ lên đến cả hơn 1.000 tỷ đồng , chủ yếu ở Hà Nội , còn tôi thì nghĩ đó là tín hiệu mừng, vì tiền vỡ nợ vẫn nằm trong thị trường chứ có mất mát đi đâu đâu, nhưng là tín hiệu mừng bởi vì nó phản ảnh người dân ở Hà Nội rất nhiều tiền và minh chứng cho điều này một cách rõ ràng hơn nữa là nhà cửa bong bóng có đắt như thế nào, vàng tăng có như ngựa phi ra sao thì người dân Hà Nội vẫn chen chân để mua cho bằng được, như vậy có nghĩa là đang có một lượng tiền quá nhiều luân chuyển trong thị trường Hà Nội góp phần cho lạm phát tại Hà Nội .

 

5- Tinh giản bộ máy nhà nước . Hà Nội là nơi tập trung nhiều nhất các công chức nhà nước (chính phủ, quốc hội, bộ, viện, cục , thành phố, quận, phường, sở ....) , nếu bộ máy này có thể tinh giản được thì không những giảm áp lực lên giao thông mà còn giải quyết nhiều khó khăn khác . Tôi có mấy người bạn châu Âu như Đức và Hà Lan, khi hỏi họ nghĩ gì về khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, những người bạn tôi gay gắt: bộ phận công chức của Hy Lạp quá cồng kềnh, gần 75% sinh viên tốt nghiệp đại học đều vào làm cho nhà nước mà bộ máy nhà nước này chủ yếu là điều hành hành chính chứ không trực tiếp sản xuất tạo ra sản phẩm nào cho xã hội . Biên chế công chức của Hy Lạp càng ngày càng phình to vì biên chế công chức nhà nước là “vô thời hạn” không sa thải được, công chức nhà nước Hy Lạp đi làm cũng kiểu làm cho có lệ trong khi lương lại rất cao . Một đất nước chỉ tiêu tiền quá tay trong khi bộ phận tư nhân chỉ là thiểu số không thể tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội thì rõ ràng rằng đất nước sẽ phải nợ nhiều đến mức khủng hoảng .

 

Trên đây chỉ là vài ý kiến đề nghị , tôi nghĩ còn có nhiều biện pháp khác và hi vọng các bạn sẽ góp ý thêm để hoàn chỉnh .

 

                                                                  Mạc Đăng Bình

 

LTS Dân trí-Nhận định và ý tưởng đề xuất của tác giả bài viết trên đây cho thấy chiều sâu suy nghĩ về nạn ách tắc giao thông ở những thành phố lớn đang gây bức xúc và thu hút  nhiều ý kiến đóng góp.

 

Đối với Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, muốn kiểm chứng xem ý tưởng đề xuất của tác giả có chuẩn xác hay không, chỉ cần nhớ lại những dịp nghỉ Tết nguyên đán, đi ra đường bao giờ cũng thấy thoải mái, hầu như mất hoàn toàn cái cảm giác  phải chen lấn đông đúc như ngày thường. Lúc ấy mới chợt nhớ ra rằng, hầu hết sinh viên các trường đại học cũng như nhiều cán bộ, nhân viên và những người lao động ngoại tỉnh đều đã về quê ăn tết.

 

Vì vậy, chủ trương di dời hầu hết các trường đại học và cao đẳng ra khỏi những quận nội thành cần sớm thực hiện. Cũng cần kiên quyết xúc tiến đưa hầu hết các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành. Việc giảm biên chế các cơ quan công quyền cũng như các tổ chức đoàn thể nên thực hiện đồng thời với việc tăng lương cho số người còn lại, để làm việc thật sự có hiệu quả.