góc nhìn chuyên gia

Góc nhìn đạo đức trong thi hoa hậu

Khám nhân trắc trong các cuộc thi hoa hậu là vi phạm quyền riêng tư của các cô hoa hậu, lại công bố cho ban giám khảo các kết quả


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

.Cái mũi của cô Hoa hậu

Giải phẫu thẩm mỹ để nâng mũi có nhiều phương thức. Ghép thêm một miếng độn hình L, chụp lên sóng mũi hiện hữu, để có mũi cao là cách thường được dùng ở châu Á.

Rút miếng độn, dĩ nhiên là việc khả thi. Nhưng nó đòi hỏi một giải phẫu với gây mê và những theo dõi hậu giải phẫu cần thiết – chứ không phải là dễ dàng như chuyện trở bàn tay. Con người không phải là một món đồ chơi Lego, muốn thêm một mảnh hay rút một mảnh bất cứ lúc nào mà không gây ảnh hưởng cho tổng thể.

Có khi cô Hoa hậu không cần phải rút miếng độn đâu vì miếng độn này thường được làm bằng silicone không thấy được qua X quang.

Khám các cô dự thi hoa hậu qua X quang ? hay qua CT (cũng bằng X quang) ?

Các bác sĩ đều đã có tuyên thệ Hippocrates. Tức là phải đi cứu người chứ không đi hại người.

X quang có hại, ta cực chẳng đả lắm, để chẫn bệnh, mới dùng tới. Các cô dự thi Hoa hậu đang khỏe mạnh bình thường, không ai lại “tấn công” các cô bằng X quang! Nhất là các cô này còn trẻ, thông thường sẽ còn phải có thai, mang con… Tai hại dài lâu như thế đó. Có ai thông báo cho các cô về các tai hại của X quang hay không?

Khám nhân trắc?

Chuyện đời xưa kể rằng Vua nước nọ ra lệnh cho một bác sĩ kê đơn thuốc độc để hành quyết một người bị kết án tử hình. Vị bác sĩ này đã từ chối, dù rằng ông có thể bị xữ trảm vì bất tuân lệnh vua.

Bác sĩ là đi cứu người. Không đi giết người. Ta vừa bàn ở trên. Nếu không, với những khả năng và dụng cụ trong tay, một bác sĩ thiếu lương tâm sẽ là một tai họa lớn cho xã hội loài người.

Một bác sĩ vì mục đích tối thượng là phải trị bệnh nên phải khám lâm sàng người đến cầu cứu mình, phải biết rõ ngọn ngành những điều bí mật của cá nhân và có bổn phận không được tiết lộ các bí mật ấy.

Khám nhân trắc trong các cuộc thi hoa hậu là vi phạm quyền riêng tư của các cô hoa hậu, lại công bố cho ban giám khảo các kết quả – mà việc khám xét này hoàn toàn không có mục đích chữa bệnh. Cho dù các cá nhân các thí sinh đồng ý, việc khám nhân trắc này là trái với lời thề Hippocrates, là trái đạo đức.

Các cô, 18-20 tuổi, chưa chín chắn chưa biết suy nghĩ cân nhắc thiệt hơn, người lớn phải ở đó để giúp các cô. Ta ngăn một đứa trẻ bất cẫn băng qua đường, sao ta không ngăn một thiếu nữ ăn chưa no lo chưa tới mang cơ thể mình phơi bày dưới thanh thiên bạch nhật? Ta lại còn là “tòng phạm, đi khám nhân trắc các cô”. Thật là khó mà chấp nhận được.

Chưa ai lên tiếng rằng các cuộc thi ứng xử của không ít cô còn vụng về: đã có ứng viên nào cho những câu trả lời đầy sáng suốt thông minh đâu! Vì nếu có sáng suốt thông minh thì có lẻ các cô đã chống đối quá trình thi, cái mà báo chí có khi gọi là “đấu trường sắc đẹp”!

Mất quyền riêng tư và ảnh hưởng tới giới trẻ

Một cuộc thi hoa hậu phải đo đạc các cô, phải khám nhân trắc, .. Các cô là những thiếu nữ mang đầy nhân quyền trong đó có quyền về riêng tư của thân thể, một vùng bất khả xâm phạm – tỏa tán hình ảnh đã là một vi phạm – ta phạt những người đưa lên mạng các hình ảnh cá nhân mà không xin phép – Ở đây chỉ vì hào quang của một cuộc thi hoa hậu mà chuyện tỏa tán hình ảnh thành … chính thống hay chăng?

Chả trách nào trong giới trẻ hiện nay, nhiều cô ấp ủ “mộng” làm một bộ ảnh gợi cảm, bán khỏa thân, … trước khi tuổi già ập tới, cướp mất đi những… “đường cong chết người”.

Thi hoa hậu có nên xem phụ nữ như một vật thể. Ta đem các cô đi đo đạc, khám nhân trắc, trưng bày trên sân khấu.

Nhưng tổ chức thi hoa hậu là cơ hội để các nhà tài trợ quảng cáo, là một cuộc giải trí đầy mê muội cho nhiều người, không những chỉ cho các cô hoa hậu mà cho cả xã hội. Để giải trí đám đông, để họ quên đi phần nào màu xám xịt của cuộc sống thường ngày và bị cuốn hút bởi ánh đèn và xiêm y lượt là của các cô hoa hậu.

Mặc cho bão lũ ở ngoài kia. Kể cả bão lũ của các giá trị đạo đức.

Nguyễn Huỳnh Mai