Góc khuất sau những ổ gà trên đường cao tốc
(Dân trí) - Phải chăng, những kiểu “moi ruột” công trình đã trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga vừa đưa ra tại phiên họp của UBTVQH: “Làm thì lâu mà xuống cấp rất là nhanh”?
Việc có đoạn trên tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mới hoạt động 14 tháng (thông toàn tuyến mới hơn một tháng) đã hư hỏng khiến dư luận thực sự bức xúc, thì cách giải quyết, xử lý của những cơ quan liên quan đã khiến dư luận càng thêm bức xúc. Và những uẩn khuất khi thực hiện dự án này bắt đầu lộ diện.
Thực tế, tình trạng hư hỏng mặt đường cao tốc với khối lượng khoảng 70 m2 trên tổng số 3,1 triệu m2 có thể nói là rất nhỏ. Nhưng khi công luận bắt đầu lên tiếng về những ổ gà trên đường cao tốc, Ban quản lý dự án đoạn đường này lại cho rằng do … trời mưa - điều không ai có thể chấp nhận được.
Lý do này được chính đại diện VEC đã thẳng thừng bác bỏ. Đại diện VEC khẳng định, nguyên nhân gây bong tróc, ổ gà trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không phải do thời tiết như công bố của Ban QLDA mà do lỗi trong quá trình thi công.
Mặt khác, ngày 11.10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể có công điện phê bình nghiêm khắc lãnh đạo VEC, yêu cầu khắc phục sửa chữa ngay thì đơn vị thi công lại vá víu kiểu … đường làng xã: công nhân mặc xà lỏn, chân đi dép nhựa và sử dụng búa đinh. Không chỉ vậy, lúc sửa chữa, họ không tổ chức phân luồng giao thông và bố trí rào chắn, thiết bị cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông bất chấp an toàn giao thông và tính mạng của những công nhân sửa chữa; thiếu sự kiểm tra, giám sát kỹ thuật của các bên có liên quan...
4 ngày sau, ngày 15.10, một lần nữa, Bộ trưởng GTVT tiếp tục ký văn bản phê bình lãnh đạo VEC vì sửa chữa hư hỏng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo, thiếu an toàn. Chỉ đến lúc này, các đơn vị thi công mới sửa chữa một cách nghiêm chỉnh.
Những hư hỏng nho nhỏ này, trong 4 ngày, Bộ trưởng phải 2 lần có công điện yêu cầu trực tiếp mới thực thi. Thật chua xót.
Về trách nhiệm, trả lời chất vấn của thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tại hiện trường, một vị giám đốc tư vấn giám sát vẫn cố lý sự: Tất cả đều tuân thủ đúng quy chuẩn của dự án, nhận thấy đủ điều kiện thông xe nên đơn vị đồng ý để dự án thông xe.
Nhưng ai cũng thấy, nếu đủ điều kiện thông xe như vị này tư vấn này khẳng định, không thể có những hư hỏng như vậy.
Vì vậy, thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, việc hư hỏng này là lỗi từ việc làm thiếu trách nhiệm từ nhà thầu, đơn vị thi công cho đến tư vấn giám sát.
Tuy nhiên, câu hỏi cần đặt ra, phải chăng nguyên nhân chỉ là do việc làm thiếu trách nhiệm của các đơn vị liên quan như ông Thọ khẳng định?
Theo chính kết luận thanh tra của Bộ GTVT từ tháng 5.2017, trong gói thầu A5 trên tuyến cao tốc này, nhà thầu là Cty Posco E&C không thực hiện theo cam kết mà thuê rất nhiều nhà thầu phụ thi công 100% toàn bộ các hạng mục công việc.
Về việc bán thầu này, theo các chuyên gia là tình trạng diễn ra khá phổ biến hiện nay. Các nhà thầu chính thường tìm cách "chạy" để trúng thầu dự án nhưng không thi công mà bán lại cho các đơn vị khác (B). Các bên B này lại bán cho B’,B’ lại bán cho B’’…Mỗi lần “qua tay” như vậy, tiền dự án lại hao hụt từ 10 -15 %. Do đó, số tiền thực tế đến đơn vị thi công đã hao hụt quá nhiều, họ buộc phải “liệu cơm gắp mắm” bằng cách ăn bớt vật tư và kết cục, đường chóng hỏng là chuyện đương nhiên.
Phải chăng, những lý do “moi ruột” công trình trên đây đã trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga vừa đưa ra tại phiên họp của UBTVQH: “Làm thì lâu mà xuống cấp rất là nhanh”?
Do đó, vấn đề cần đặt ra là, tại sao đơn vị không có khả năng thi công nhưng vẫn trúng thầu?
Vấn đề cần đặt ra là, những nhà thầu như thế này cần đưa vào “sổ đen” để loại trừ họ ngay từ vòng “gửi xe” khi tham gia những dự án khác trên toàn quốc. Không thể để họ tái diễn tình trạng “tay không bắt giặc” qua việc mua bán dự án kiểu như thế này.
Vương Hà