Chùm bài viết Chào Xuân của độc giả:

Gõ cửa “bác” Giáo dục, cốc cốc cốc “anh” xe buýt…

(Dân trí) - Năm qua, Diễn đàn đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo trên khắp cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, góp phần làm đa dạng và phong phú thêm sắc màu cho Dân trí. Xin cảm ơn và giới thiệu chùm bài viết mới nhất mở hàng năm 2013.

1/. Để đừng hờ hững với Nàng Xuân
 
1/. Để đừng hờ hững với Nàng Xuân
 

Đọc báo thỉnh thoảng ta thấy có người viết: Thầy cô giáo phải làm thêm nghề khác để tồn tại vì nghề cao quí không nuôi sống nổi bản thân. Trong đó có những thầy phải nhận thêm lịch bán để có thêm một ít thu nhập trang trải cho cuộc sống mấy ngày Tết...; càng thấy nỗi xót xa quặn thắt đã là điệp khúc bên cạnh bài ca sư phạm ngọt ngào, vẫn vang lên từ muôn nẻo cuộc sống bao lâu nay.

 

Ta cứ lấy mốc thời gian từ sau ngày đất nước thống nhất 30/04/19775 để nhìn về cuộc sống nhà  giáo, để thấy khúc ca sư phạm hoành tráng ấy không phải chỉ bằng một nghĩa cử định giá lương tiền.

 

Sau 30/04/75, giáo dục cũ trong Nam cáo chung để đón nhận, hòa vào nền giáo dục XHCN của cả nước. Những nhà giáo chi viện từ phía Bắc, những nhà giáo từ khu vực giải phóng, những nhà giáo lưu dụng, những tân giáo viên mới ra trường… khi đó tất cả đều hừng hực khí thế “đi bất cứ đâu khi Tổ quốc cần”. Họ không sống bằng lương cơ bản mà chỉ được trợ cấp mỗi tháng vài chục đồng cộng với lương thực, thực phẩm hưởng theo chế độ phân phối. Một số nơi giáo viên còn phải nhờ phụ huynh nuôi sống bằng cách cho gạo, muối… để tồn tại và đứng trên bục giảng.

 

Ngày ấy nhiều thầy cô phải lội đồng làm thêm ruộng, phải nuôi chuồng thỏ bên hông nhà, con heo ủn ỉn dưới sàn giường… Ấp ủ  mọi cách kiếm sống theo chân mình tới bục giảng để cải hoạt thêm cho cuộc sống.

 

Rồi khá nhiều thầy cô không đủ sức phấn đấu tiếp, đành chia tay với sự nghiệp khi mới đi được nửa chặng đường. Dù lòng còn thiết tha với trẻ thơ và những mái đầu xanh non nớt vẫn còn đó, nhưng họ đành vẫy tay chào nghề mà nước mắt rớt rơi! Có người gần 15 năm công tác đành nghỉ “mất sức lao động”, lãnh nốt một lần lương chưa đầy triệu bạc. Vậy mà cũng chỉ nghe một số nhỏ than van, còn đa phần ai cũng tạm hài lòng với cuộc sống khó khăn khi đất nước còn nghèo, khi Tổ quốc vừa trải qua chiến tranh với bao khó khăn vẫn bộn bề…

 

Nhìn nhận cho cùng, con đường gian nan trên mặt trận giáo dục đã thành công, đánh đuổi được tàn dư giặc dốt và mở ra trang mới với những kỳ tích, ma đến hôm nay vẫn được nhiều đánh giá khách quan chia sẻ: đó là sợi chỉ đỏ xuyên sau suốt 38 năm.

 

Những mùa xuân gian nan của các thập niên 70, 80 vẫn không thiếu những nét rạng ngời, tươi tắn trên gương mặt các thầy cô giáo khi họ được nhận dù chỉ một miếng thịt heo nhỏ, một chục hột vịt, một gói bột ngọt, nửa ký lô đường cát, một bich xà phòng hay vài lưỡi lam, một khúc vải có khi không may tròn tấm áo, chiếc quần…

 

Bây giờ có  dịp ngồi lại với bạn bè là thầy cô giáo, ta biết đồng lương không còn tệ so với mặt bằng các ngành nghề khác và người dân lao động trong xã hội. Có những thầy giáo dạy từ năm 75 gần về hưu tới nay có thể có mức lương 8-9 triệu. Nếu tính ra lúa mua được gần trăm giạ, tương đương với thu nhập anh nông dân làm nửa hecta ruộng trong một vụ mùa ba tháng nếu năng suất cao.

 

Nói như vậy là trên lý thuyết suy tưởng, thực tế giáo viên đang chịu nhiều áp lực chi tiêu. Trong những thập niên 70, 80 nếu người giáo viên chủ yếu lo đối phó với cái đói, cái lạnh (nếu ở miền Bắc) để tồn tại, thì hôm nay họ phải đương đầu với bao thứ chi phí do nhu cầu cuộc sống xã hội nâng cao. Ví dụ như công tác ở một trường nhỏ có 30 giáo viên, thì nào là bao mối lo cho ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu liên tục thay phiên nhau phải lo cho các khoản giỗ, tang, cưới hỏi, sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng…

 

Bình quân mỗi giáo viên có một đám tổn phí mỗi ngày, chưa kể còn phải lo cho những mối quan hệ khác với xóm làng, giòng họ… Mà mức chi tiêu bây giờ không rẻ, đám cưới đa phần mừng dưới 200.000 đồng là coi không được. Rốt cuộc đồng lương giáo viên vẫn mãi rập rà với bao nỗi “khó khăn phi vật thể”!

 

Các bạn giáo viên chúng ta tạm xem mức sống của mình hôm nay đã tạm ổn hơn so với trăm lần những thập niên gian khó trước hơn chăng? Nếu không thì cần làm sao đây để không hững hờ với Nàng Xuân huyền ảo đang thướt tha bay về với quê hương dân tộc, với ngành nghề…???

 

Nguyễn Thành Nam (132/1, Trần Hưng Đạo, Q. Ô Môn, Tp. Cần Thơ)

thanhnamtpct@gmail.com

 
2/. Dạy thêm, học thêm: Cần bắt đúng căn bệnh!
 
 

2/. Dạy thêm, học thêm: Cần bắt đúng căn bệnh!

 

Vấn đề dạy thêm, học thêm lâu nay đã làm cho các chuyên gia và cả xã hội phải quan tâm nhiều (ủng hộ có, phản đối có) . Mới đây Bộ GDĐT đã ra thông tư 17 nhằm chấn chỉnh lại việc dạy thêm, học thêm. Các địa phương trước hết là 2 thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cùng như các Sở GDĐT trên khắp cả nước cũng ra những quy định về việc dạy thêm, học thêm gây bao tai tiếng này. Nhưng xem ra vẫn chưa có kết quả. Vậy nguyên nhân tại đâu? do thông tư, chỉ thị… sai hay các cấp học thực hiện không nghiêm?

 

Theo tôi nghĩ, dạy thêm, học thêm là loại hình giáo dục dành cho 2 đối tượng: học sinh học lực còn yếu kém thì phải tổ chức cho học phụ đạo. Học sinh khá, giỏi thì cũng cần tổ chức bồi dưỡng thêm. Tôi cho đó là việc làm cần thiết và rất thiết thực.

 

Nhưng do lâu nay việc dạy thêm, học thêm đúng nghĩa như vậy đã bị các cơ sở giáo dục buông lỏng, để quá “tự do” cho giáo viên, học sinh tự thực thi. Vì vậy dẫn tới hệ lụy là khắp các nẻo phố, các ngõ ngách, các xóm nhỏ đều có thể thấy  có những lớp dạy thêm , học thêm. Gần như không có ai quan tâm hoặc quản lý chương trình và các điều kiện cần thiết như bàn ghế, bảng , ánh sáng … Thực tế rối loạn đó trong giáo dục làm cho tình hình thêm phức tạp, khiến dư luận xã hội không biết bao lần đã phải lên tiếng .

 

Có nhu cầu học thêm, ắt sẽ có dạy thêm. Một số chuyên gia (và cả giáo viên, phụ huynh, người dân) cho rằng do thu nhập thấp, nên giáo viên phải dạy thêm để kiếm tiền lo cho sinh hoạt, học tập, vui chơi… hàng ngày. Tôi nghĩ,  điều này chắc cũng hoàn toàn chưa phải, bởi vì thu nhập theo lương của giáo viên hiện nay không thấp so với mặt bằng chung của các ngành khác trong cả nước (chỉ thua lực lương vũ trang mà thôi).

 

Theo tôi được biết, trung bình giáo viên mới vào nghề cũng có mức lương khoảng trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Dạy từ 10-15 năm cũng có mức lương 7-10 triệu đồng/ tháng. Thế thì làm thế nào để quản lý được việc dạy thêm , học thêm , tốt hơn , đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người học , người dạy và sự chấp nhận của toàn xã hội . trước hết chúng ta phải thống nhất cũ thể các đối tưởng được học thêm và dạy thêm .

 

 Theo tôi , đối tượng được học thêm nên chỉ dành riêng cho hai đối tượng là học sinh Yếu, Kém và học sinh Khá , Giỏi. Học sinhYếu, Kém thì chúng ta tổ chức phụ đạo cho đối tượng này (chỉ chiếm khoảng 2-5%) . Học sinh Khá , Giỏi chiếm khoảng 30%, chúng ta cũng nên tổ chức bồi dưỡng . Như vậy số lương học sinh học thêm chỉ chiếm khoảng 35% . Số học sinh được xếp loại trung bình về văn hóa, tôi đề nghị tuyệt đối các trường không được tổ chức học thêm, dạy thêm .

 

+ Về đối tượng được dạy thêm: Không phải bất cứ giáo viên nào cũng có thể dạy thêm được, mà cần  quy định cụ thể về điều kiện được dạy thêm như: thâm niên ngành, đạt các danh hiệu Giáo viên xếp loại chuyên môn khá, giỏi …( vì một số giáo viên mới vào ngành 1 năm cũng dạy thêm).

 

+  Công tác tổ chức dạy thêm học thêm: Hiệu trưởng nhà trường là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức dạy thêm, học thêm. Cần tổ chức học ngay tai trường, lên lịch cụ thể, kiểm tra giáo án , chương trình học. Cần coi việc dạy thêm, học thêm này cũng như các môn học chính khóa và có mức thu , chi ( kể các chi cho công tác quản lý) cụ thể, phù hợp.

 

Tuyệt đối không cho giáo viên tự mở lớp dạy thêm ở ngoài khu vực nhà trường, đồng thời cần có biện pháp mạnh đối với một số giáo viên vi phạm như phê bình, cảnh cáo, chậm nâng lương… Các cơ sở giáo dục thiếu phòng học thì chỉ nên tập trung phụ đạo cho học sinh yếu, kém .

 

Hiệu trưởng nhà  trường còn cần tổ chức cho giáo viên đến trường thường xuyên hơn để sinh hoạt chuyên môn , thăm lớp, dự giờ, sinh hoạt ngoại khóa, đọc sách, thực hành thí nghiệm. Vì hiện nay trung bình giáo viên chỉ lên lớp mỗi tuần 17 tiết, thời gian còn lại theo tôi là cần tổ chức cho giáo viên sinh hoạt nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Ngoài nhiệm vụ của Hiệu trưởng các trường, thì chủ tịch UBND các xã, phường cũng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện , thị khi ở địa phương mình có mở lớp dạy thêm, học thêm vi phạm quy định.

 

Nếu làm được thế, tôi tin chắc rằng việc dạy thêm, học thêm sẽ  dần dần đi vào nề nếp, chất lượng sẽ được nâng cao, xã hội sẽ chấp nhận.

 

Nguyễn Tất Sinh (Tân Sơn – Đô Lương – Nghệ An)

nguyentatsinhcgc@gmail.com

 

Thư gửi cô giáo chủ nhiệm phút giao thời…

 

Kính chào BBT báo điện tử Dân trí! Lời đầu tiên, em xin kính chúc toàn thể thành viên trong BBT dồi dào sức khoẻ và  luôn công tác tốt, hoàn thành mọi nhiệm vụ.

 

Em tên là Viên Kiều Nga. Hiện nay, em đang sinh sống ở tỉnh Hà Giang, là một chiến sĩ công an. Năm 2013 đến, lại một năm hứa hẹn nhiều điều mới mẻ. Trong ngày cuối cùng của năm cũ, em chợt nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc. Dù đó là kỷ niệm buồn về những mất mát đau thương trong quá khứ, em vẫn muốn được chia sẻ vào dịp năm cũ qua, năm mới đến này.

 

Đó là ngày đầu tiên em bước chân vào trường phổ thông trung học. Đáng lẽ đó phải là một trong những ngày hạnh phúc nhất của đời học sinh. Nhưng vào ngày ấy, em lại nhận được một tin đau buồn. Cô giáo chủ nhiệm cũ của em bị sát hại. Nỗi đau đó cùng với sự ra đi của người em ruột đã khiến cho em buồn bã, chán chường trong quãng thời gian dài.

 

Nhưng thời gian trôi qua, cũng nhờ cố gắng vượt qua những nỗi đau đó, mà em có thêm nghị lực, bản lĩnh để học tập, phấn đấu không ngừng trong công việc. Giờ đây, em đã trưởng thành và đạt được nhiều điều như ước nguyện. Em muốn chia sẻ lại trải nghiệm của mình với quý báo, với các độc giả thân thương của báo Dân trí. Kính mong BBT tạo điều kiện giúp  đỡ em. Em xin chân thành cảm ơn.

 

Kính gửi cô chủ nhiệm thân yêu!

 

Đã 8 năm trôi qua rồi… thời gian trôi nhanh quá! Ngày mai là năm mới rồi, cô ạ. Năm 2013. Một năm mới lại bắt đầu với những ước vọng mới. Trong cái giá lạnh cuối cùng của mùa  đông, người người vẫn hối hả ngược xuôi giữa dòng đời. Ai nấy đều tất bật với những điều lo toan của cuộc sống thường ngày…

 

Còn trong căn phòng nhỏ ấm áp, lặng yên này, những ngón tay con vẫn đang mải miết lướt trên bàn phím vi tính. Tiếng nhạc giao hưởng nhẹ nhàng xoa dịu trái tim chan chứa nỗi buồn, đưa con trở về miền ký ức mờ xa…

 

Con nhớ ngày đầu tiên gặp cô. Khi ấy, con là một học trò ngỗ ngược, ngang bướng. Tuy học không tệ, nhưng con thường xuyên tạo ra những trò đùa tinh quái, phá rối trong các giờ  học. Nhưng mỗi lần như thế, cô chỉ yên lặng, coi như không có chuyện gì xảy ra.

 

Có một lần, trong tiết học toán của cô, con không chú ý đến bài giảng mà mải mê nghịch ngợm, trêu đùa cậu bạn kế bên. Lúc đó, cô đã gọi tên con, rồi nhìn con với  ánh mắt buồn bã, thất vọng. Từ đó, đôi mắt ấy luôn xâm chiếm tâm hồn con. Con tự hứa rằng sẽ không bao giờ khiến cho cô buồn thêm nữa! Và con đã làm được. Con trầm tính, hiền lành hơn trước. Học lực cũng tiến bộ hơn. Cô nói là tự hào về con nhiều lắm. Mỗi lần đến nhà cô chơi, cô thường âu yếm gọi con là con gái, rồi quan tâm thật tận tình. Cô bảo cô thương con nhiều. Bởi vì cô thích có con gái, nhưng ông trời lại chỉ cho cô hai cậu con trai.

 

Ngày đầu tiên bước vào trường cấp ba, con nhận được tin cô đi xa. Cô đã rời xa con… Đứa học trò bé nhỏ, ngỗ ngược của cô. Cô rời bỏ thế giới tươi đẹp này, mà không kịp nhắn gửi lại cho chúng con điều gì. Sau khi dự đám tang của cô, con như kẻ mất trí. Con bị ám ảnh vì những cảnh tượng khủng khiếp xảy ra với cô. Con hận bản thân mình không có mặt ở đó để bảo vệ cô. Những đêm sau đó, trong những giấc mơ, con luôn thấy cô tìm về… Cô còn tiếc nuối điều gì chăng?

 

Con đã sống với khát vọng mãnh liệt rằng mình phải làm gì đó để báo đáp công ơn của cha mẹ, của cô. Những lúc yếu đuối, sắp sửa gục ngã, muốn từ bỏ mọi thứ, con đã không ngừng nghĩ về người thân, về cô. Vì vậy, con đã đứng dậy, bước tiếp và không hối tiếc điều gì.

 

Và con cũng đã tự nhủ rằng: Ở nơi xa xôi, cô sẽ không bao giờ cảm thấy cô  đơn,  đau buồn. Cô sẽ được gặp người em của con. Em vốn là vị thiên sứ bé nhỏ vốn được gửi lại chốn trần gian và đến với gia đình con…Chắc là em con đã kiên nhẫn chờ  đợi cô, cũng tức là em đã lắng nghe được lời nguyện cầu của con.

 

Giờ đây con đã trở thành một người chiến sĩ. Con nguyện đem hết sức mình, kể cả dù có phải hy sinh tính mạng, để thực hiện bằng được ước mơ bảo vệ bình yên cho cuộc sống này. Con không muốn nhìn thấy bất cứ ai phải chịu khổ đau như em và cô giáo nữa.

 

Con bắt đầu viết lại những trang sách về cuộc đời, về những điều mà con đã phải chịu đựng, trải qua. Cả về sự hi sinh của cha mẹ, của cô, về người em đã ra đi thay thế cho bản thân con, để con được tiếp tục sống với cuộc đời...

 

Suốt quãng đường đời còn lại, con sẽ  không bao giờ quên em và cô - những người đã giúp cho con có thêm nghị lực sống, tranh đấu và  đứng lên sau những lần vấp ngã.

 

Mùa xuân mới lại về trên quê  hương miền núi đá Hà Giang. Xuân trải khắp những triền đá tai mèo, vương trên từng nhánh lộc non, từng nụ hoa chớm nở. Mùa xuân của sự sum họp đầm ấm, yên bình. Nhưng ở đâu đó, vẫn còn lác đác chỗ này, chỗ khác những mảng màu xám phía sau những  mảng sáng. Vẫn còn những cảnh sống khó khăn, cơ cực và tệ nạn xã hội vẫn xảy ra…

 

Con lại chạnh lòng nghĩ ngợi: Liệu Xuân của người đã ra đi và người ở  lại có khác nhau nhiều không? Và vì sao mà trong lòng ta vẫn có bao nỗi niềm luyến tiếc, băn khoăn về những điều còn dang dở, chẳng thể trọn vẹn trong cuộc sống…

 

(Hà Giang, ngày 31.12.2012)

 

Kiều Nga

 
Thủ tục làm vé tháng xe buýt cho người cao tuổi nên tạo thuận lợi cho dân

 

Thủ tục làm vé tháng xe buýt cho người cao tuổi nên tạo thuận lợi cho dân

 

Trung tâm Quản lý  & Điều hành GTĐT thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa ban hành “Bản đăng ký làm vé tháng xe buýt”, trong đó có quy định như sau: “Đối với người cao tuổi, bắt buộc phải đóng dấu xác nhận của chính quyền địa phương, giáp lai vào một bản. Rồi cần xuất trình Chứng minh thư khi nộp Bản đăng ký làm vé tháng xe buýt.

 

Công dân Việt Nam ai cũng có chứng minh thư, trong đó ghi rõ ngày tháng năm sinh, chỉ cần xuất trình CMT là đủ xác nhận là người cao tuổi. Đặt thêm yêu cầu phải xin chính quyền phường xác nhận, theo chúng tôi, là chỉ gây nhiều phiền hà cho người cao tuổi, nhất là người ở xa UBND phường và trong những ngày trời lạnh thế này.

 

Ví dụ, một phụ nữ cao tuổi ngày 29/12 đi mua vé tháng, nhận được bản đăng ký này. Về nhà chụp ảnh mất 1 hôm. Ngày 30 ra Phường đóng dấu thì Phường nghỉ cho đến hết ngày 1 tháng Giêng. Thế là ngày nghỉ đầu năm chẳng có vé tháng mà đi, lại phải mua vé ngày. Mua cái vé tháng mà phải cuốc bộ 2 lần ra điểm bán vé (thường là xa trên 1 km), ra hiệu ảnh 1 lần, ra phường 1 lần. Thật khổ cho người cao tuổi!

 

Tôi không hiểu vì sao Trung tâm Quản lý & Điều hành GTĐT lại đưa ra yêu cầu nói trên?  Như thế là tạo thuận tiện cho dân hay là vẫn “hành” dân vì thủ tục nhiêu khê không cần thiết, kể cả với người cao tuổi ? Phải chăng đây là một động thái nhằm “cải cách hành chính” theo cách của của ngành GTVT?

 

Ở các nước khác, vé tháng in sẵn, ai mua bao nhiêu cũng được. Người ta khuyến khích mua vé tháng vì có lợi cho nhà xe. Vậy mà sao ở ta lại lắm thủ tục phiền phức thế? Vừa gây khó cho dân, vừa lãng phí giấy in “Bản đăng ký”, làm mất thời gian của người mua, người bán, người đóng dấu.

 

Bộ  Công an khi làm Chứng minh thư nhân dân đều đã lưu trữ vào hệ thống máy tính các dữ liệu cần thiết của người được cấp CMT, trong đó có năm sinh. Trung tâm Quản lý & Điều hành GTĐT muốn kiểm tra tuổi của người mua vé xe buýt thì chỉ cần truy cập vào hệ thống đó là xong, cần gì phải có chứng nhận của Phường? Chưa kể ảnh chụp cũng có thể xác nhận phần nào tuổi của người mua vé.

 

Rất mong Trung tâm Quản lý & Điều hành GTĐT sửa lại quy định này.

 

Hồ Hải Anh

haihoanh@gmail.com