Bạn đọc viết

Giúp người nghèo thoát nghèo bằng “con cá” hay “cần câu”

(Dân trí) - Thực tế cho thấy nhờ có những chính sách ưu tiên hỗ trợ người nghèo, nên số hộ nghèo ở nước ta đã giảm nhanh, tuy nhiên tỷ lệ hộ thoát nghèo bền vững lại chưa cao, khiến nhiều người băn khoăn đặt ra câu hỏi nên giúp người nghèo bằng “con cá” hay “cần câu”

Các chính sách hỗ trợ giảm
nghèo vẫn còn chồng chéo, dàn trải, chưa phát huy hiệu quả.

Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo vẫn còn chồng chéo, dàn trải, chưa phát huy hiệu quả.

Điều không thể phủ nhận là công tác xóa đói, giảm nghèo của nước ta trong những năm qua đã đạt được những “thành tích ngoạn mục” và được Tổ chức Nông Lương thế giới thế giới thừa nhận đánh giá cao. Thành tích ấy có được là nhờ truyền thống thương yêu, đùm bọc, san sẻ với tình nghĩa đồng bào và đặc biệt là luôn được Đảng, nhà nước có nhiều chủ trương trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Nhất là trong những năm gần đây, kể từ khi triển khai Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 30a của Chính phủ vừa được tổ chức vào ngày 08/5 mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã cho thấy một con số hết sức ý nghĩa về những thành tựu trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững. Chỉ trong 6 năm, nguồn lực bố trí từ ngân sách Nhà nước và huy động hỗ trợ các huyện nghèo theo Chương trình 30a đã lên tới 22.189 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương là 17.051 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 2 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ của các doanh nghiệp là 3.138 tỷ đồng.

Bình quân mỗi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a được hỗ trợ từ 35-40 tỷ đồng/năm (cả vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn sự nghiệp); mỗi huyện nghèo hưởng có chế hỗ trợ theo Nghị quyết 30a được hỗ trợ từ 18-20 tỷ đồng/năm.

Trên địa bàn các huyện nghèo đã có sự thay đổi rõ nét, kinh tế từng bước phát triển; cơ sở sản xuất đã có sự chuyển dịch theo hướng phi nông nghiệp và sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, đầu ra của sản phẩm được đảm bảo; thu ngân sách trên địa bàn tăng; thu nhập bình quân đầu người được cải thiện (tăng từ khoảng 2,5-3,0 triệu đồng/người/năm thời điểm cuối năm 2006 lên khoảng 6,5-8,0 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2010, tăng gấp 2,5 lần và đạt khoảng từ 12-13 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2014); hầu hết người lao động trong độ tuổi được đào tạo.

Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới) bình quân tại 64 huyện nghèo đã giảm từ gần 378 nghìn hộ cuối năm 2010 xuống còn gần 235 nghìn hộ cuối năm 2014. Tính ra, qua 4 năm, gần 150 nghìn hộ dân đã thoát nghèo, so với tổng số khoảng 700 nghìn hộ tại 64 huyện.

Thế nhưng, một con số khác trong báo cáo cũng được nhắc đến, làm nhiều người phải suy nghĩ, đó là: Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giúp người dân thoát nghèo, tuy nhiên tỷ lệ nghèo vẫn còn ở mức cao. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ nghèo bình quân của 64 huyện nghèo vẫn gấp 5,5 lần so với tỷ lệ bình quân của cả nước. Tại một số huyện, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm trên 50%, cá biệt có huyện cao trên 60-70%. Số hộ nghèo kinh niên ngày càng tập trung hơn tại các vùng dân tộc thiểu số

Điều này không chỉ cho thấy đúng là vấn đề giảm nghèo không hề đơn giản. Thực tế, lâu nay trong chuyện xóa đói giảm nghèo, người ta hay nói tới đưa cho người nghèo con cá hay cái cần câu. Hiểu một cách ẩn dụ thì đó là việc nếu đưa cho người nghèo con cá thì người đó sẽ ăn hết ngay, sau đó nghèo vẫn hoàn nghèo, còn nếu đưa cho họ cái cần câu thì họ buộc phải đi câu lấy cá mà ăn, cũng có nghĩa là hỗ trợ để họ tự vươn lên thoát nghèo.

Vậy, con cá hay hơn hay cái cần câu hay hơn? Thường thì người ta nghĩ tới cái cần câu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xóa đói giảm nghèo phức tạp hơn nhiều, làm cả thế giới đều băn khoăn, chứ không đơn giản là giúp đỡ bằng cách này hay cách kia. Chính vì thế mà theo các nhà chuyên môn thì, để có thể giảm nghèo bền vững, công việc chính cần làm là phải trao quyền để chính họ tự tìm ra cách thức giảm nghèo, cũng như để họ được tham gia vào quá trình lập kế hoạch và giám sát các chương trình xóa đói giảm nghèo. Đây là cách tư duy có thể coi là mới mẻ khi nhìn về người nghèo.

Nói cách khác để người nghèo, tự thoát được nghèo điều quan trọng là phải đi sâu đi sát, phải hiểu được người nghèo đang cần nhất là cái gì, những điều kiện nào để họ có thể làm bàn đạp để đưa cuộc sống của mình thoát khỏi vũng lầy của sự nghèo đói dai dẳng. Nếu không thực sự lắng nghe họ, nghe từng cộng đồng một, từng gia đình một thì sẽ vẫn là sự giúp đỡ chung chung, cảm tính, hiệu quả không cao. Việc giám sát các chương trình giúp đỡ người nghèo cũng hết sức quan trọng để khắc phục tình trạng một mặt là giúp đỡ không trúng, mặt khác lại có sự chia chác, hà lạm, nên đến tay người ta không phải là con bò mà chỉ là sợi dây thừng - như cách nói của một vị lãnh đạo Ủy ban Dân tộc trước đây mấy năm.

Tóm lại, xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước và là sự nghiệp của toàn dân. Phải huy động nguồn lực của Nhà nước, của xã hội và của người dân để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, nhất là sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Người nghèo thì cần đủ thứ. Vấn đề là cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người nghèo.. rất cần sự quan tâm sâu sát, xem họ thực sự cần những gì nhất để từ đó định hướng cho họ có chỗ dựa mà nỗ lực vươn lên. Đó là nhân tố quyết định thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững.

 Minh Tư