Gió đưa giá cả lên trời, để lương ở lại chịu đời đắng cay!

(Dân trí) - Lương lại rục rịch tăng, lòng người lại xốn xang vì mừng ít mà lo càng gia tăng gấp bội tỉ lệ phần trăm lương được tăng. Cầm tiền triệu trong tay nhưng so với thực tế cuộc sống, dân nghèo vẫn càng nghèo hơn, nhà khó lại càng khó hơn. Nghịch lý vẫn tiếp diễn!

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Tăng mà giảm

 

Không tăng lương thì giá cả mọi thứ vẫn tiếp tục đà gia tăng chóng mặt sau mỗi lần các “ông lớn” xăng dầu, điện nước… hắt hơi sổ mũi và ca điệp khúc LỖ, LỖ, LỖ…Nhưng lương mới rục rịch chuẩn bị tăng, mặt bằng giá cả thị trường lại như được tiếp thêm sức mạnh để leo thang, leo thang lên… những tầm cao mới. Bởi thế nên mỗi lần bàn tới chuyện lương, những người làm công chỉ chòm chõm trông vào mỗi đồng lương hàng tháng chẳng những không mừng mà chỉ càng thêm rầu rĩ…

 

“Gió đưa giá cả lên trời, để lương ở lại chịu đời đắng cay!” - Nguoi Kien Giang:  nguoikiengiang@yahoo.com

 

“Nên xem lại vấn đề lương, cần nhìn vào thực tế xem với mức thu nhập trung bình như vậy, cuộc sống người làm công ăn lương có đảm bảo được không?” - H5J:  noisaochoemhieu_longanh2000@yahoo.com

 

“Thông tin này rất hay, song chưa có quyết định nên lại chỉ làm giá cả tăng lên nữa mà thôi. Sao không đưa trước thông tin tăng giá xăng dầu, giá vàng, ngoại tệ?” - Nguyễn Thị Phương Thảo:  thaontp.gdtx@thainguyen.edu.vn

 

“Nghe tin sẽ tăng lương tối thiểu mà không thấy vui, chỉ thấy lo. Thứ nhất, hiện nay hầu như tất cả các doanh nghiệp đang trả lương cho công nhân cao hơn mức lương tối thiểu theo đề xuất này. Nghĩa là người lao động chưa chắc đã được tăng lương, có chăng là tăng mức đóng bảo hiểm - tăng ngân sách cho nhà nước thôi. Thứ 2, thấy lo vì chi phí doanh nghiệp tăng, giá cả sẽ tăng... Vậy thực sự lương người lao động sẽ giảm chứ không phải tăng!” - TVC:  tvc.wvi@gmail.com

 

“Lương tăng chẳng được bao nhiêu nhưng giá lại tăng lên gấp bội lần, làm cho đời sống người lao động thêm vất vả. Vì lương tăng thì giá thành sản phẩm tăng, giá bán tăng ...” - Trần Đức Thành: ducthanh60@gmail.com

 

“Thôi đừng tăng làm gì. Tăng xong điện, xăng, nước… lại tăng lên, đã khổ rồi lại càng khổ thêm!!!” - Hà Nguyễn:  hanguyen@yahoo.com

 

“Đừng tăng lương nữa, nếu không giá cả lại tăng lên cao hơn, lương không đuổi kịp thì đời sống người lao động cứ phải đuổi theo, mệt lắm! Chỉ mong vật giá ổn định là đồng lương có giá trị lắm rồi!” - Vật Giá: Thaiduong4102000@gmail.com

 

“Có lẽ mình sắp được ăn bát phở… 1 triệu đồng rồi?” - Gà mơ: abc123@gmail.com

 

“Sao cứ phải tăng? Mỗi lần tăng là kéo bao nhiêu thứ tăng theo, cuối cùng chỉ người lao động là chịu thiệt. Thay bằng tăng lương gây biến động giá cả, hãy tìm cách bình ổn giá sẽ hay hơn!” - Mr Da Nang:  haylcuarienganh03@yahoo.com

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

Giảm mà tăng

 

Tâm lý sợ tăng lương nhìn chung là như vậy, mặc dù thật ra ai chẳng muốn được tăng lương nếu mặt bằng giá cả được kiềm chế ổn định. Song cụm từ “bình ổn giá” chỉ có 3 chữ thôi mà bao lâu nay dân vẫn chưa thấy được hiệu quả…  

 

“Làm sao để bình ổn giá còn hơn tăng lương!” - Nguyễn:  tam_thaiduong@yahoo.com.vn

 

“Trời! Tăng lương kiểu gì cũng không đủ sống. Mà nếu đã tăng thì tăng đồng bộ cả khối doanh nghiệp cũng như khối nhà nước đi, vì mối quan hệ tương quan và điều tiết lẫn nhau trong đời sống. Còn nói sống bằng đồng lương không thì không biết bao nhiêu mới đủ? Thà rằng tăng lương và đừng để thị trường tăng giá, còn cứ tăng lương mà giá cả thị trường còn tăng gấp mấy lần thì đối tượng chưa được tăng lương vẫn chỉ có… khóc thôi! Hãy cho một câu trả lời về lương chính xác: Chúng ta cũng có thể tăng lương lên 100% và điều chỉnh nó trong 3 năm,  thì lúc đó thị trường giá sẽ như thế nào so với tăng 20% hay bất kỳ con số nào? Hãy làm phép tính có phần tăng của giá trị thị trường chứ đừng làm lắt nhắt, vì khổ  nhất cũng vẫn chỉ là CNVC và người lao động mà thôi!” - Minh:  mylove20092002@yahoo.com.vn

 

“Tăng lương tối thiểu cũng chỉ giải quyết được cho số lao động nằm trong khối hành chính và các doanh nghiệp nhà  nước, còn lại thì người lao động lại chỉ có mức lương thực nhận thấp hơn. Cụ thể là mỗi lần tăng lương thì BHXH cũng tăng, dẫn đến lương thực nhận của người lao động lại thấp hơn. Mà đa số các doanh nghiệp hiện nay đều trả lương theo doanh thu chứ không theo hệ số” - Ngoc Bang:  ngocbang09@gmail.com

 

“Việc tăng lương là nhu cầu cần thiết cho người lao động hiện nay. Nhưng giá cả leo thang, chi phí sinh hoạt cao, người lao động làm không đủ chi phí cho cuộc sống. Việc tăng lương tôi cảm thấy rất đồng tình, nhưng thay vào đó nên kiểm tra các doanh nghiệp để đồng lương thật sự đến với người lao động. Xin cảm ơn!” -  Nguyễn Xuân Tứ:  Nhodonemchieuthu7@facebook.com

 

“Tăng lương  là việc làm cần thiết nhưng phải gắn liền với ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Cán bộ đông nhưng làm việc thiếu chất lượng và hiệu quả, vẫn hạch sách nhân dân là chính… Đặc biệt phải kiện toàn chức năng của từng bộ máy hành chính cơ sở để xứng đáng với đồng tiền của dân, làm cho dân tin, dân mến. Nếu không sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ trục lợi, thao túng thị trường, khiến tình hình đất nước càng thêm rối trong tương lai…!” - Nguyễn Trung Kiên:  fxnguyentrungkien@gmail.com

 

“Trong giai đoạn suy thoái kinh tế thế này thì chưa nên tăng lương làm gì, nếu tăng thì thường là các doanh nghiệp cũng sẽ điều chỉnh xuống mức tối thiểu để tránh các khoản đóng bảo hiểm. Thực tế các khoản thu của doanh nghiệp không tăng, thậm chí giảm thì lấy đâu tăng cho người lao động? Do đó tăng lương chỉ làm thu nhập thấp đi mà thôi. Mỗi lần tăng là một lần điều chỉnh đóng bảo hiểm, điều chỉnh đơn giá tiền lương, lại chỉ khổ doanh nghiệp! Có những tỉnh thành đến bây giờ vẫn chưa có văn bản điều chỉnh hệ số cho năm 2013, mà lại phải chuẩn bị tiếp cho năm 2014? Các nhà làm chính sách hãy ngẫm nghĩ cho kỹ hơn đi, năm nào cũng điều chỉnh có nghĩa là lương điều chỉnh để… bù lạm phát?” - Minh Tiến:  vpctien@Gmail.com

 

“Nói lương tăng thì phải vui, nhưng bọn tôi lại buồn! Làm trong doanh nghiệp tư nhân, lương có được tăng hay không lại tuỳ thuộc vào thái độ của sếp. Sếp vui thì tăng lương,  còn nói chung cứ nghe lương tăng là sợ vì bảo hiểm phải đóng nhiều hơn… Sếp vẫn lặng thinh trong khoản tăng lương, mấy năm mới tăng được 200.000-300.000đ. Chán!” – Hau Nguyen:  hauviet19@yahoo.com.vn

 

Tâm trạng với LƯƠNG xem ra vẫn chưa khá lên được là bao. Nhìn Thỏ - Giá lại càng thương Rùa – Lương và xót cho mệnh giá đồng tiền!

 

Kiều Anh