Giết khỉ và chuyện mảnh gương trong cuốn sách

Bên dưới tấm gương có dòng chữ ngụ ý nhắc nhở: Bạn đã nhìn thấy mình chưa? Cần lắm một mảnh gương như vậy để "cảnh tỉnh" những người giết khỉ này.

1. Có một câu chuyện thấm thía về loài người, tôi được nghe một lần, không biết từ đâu, nhưng nhớ mãi. Ấy là trong một cuốn sách viết về các loài linh trưởng trên thế giới, tác giả đã dẫn dắt người đọc qua từng chương, mỗi chương viết về một loài, kèm ảnh và tranh vẽ minh họa.

Từ những loài bé nhỏ nhất như con culi bằng nắm tay, có hai mắt tròn xoe, đến những loài khỉ đột, đười ươi khổng lồ như con Kinh Kong đều được thể hiện. Dù có kích cỡ, trình độ phát triển rất khác nhau, nhưng tất cả chúng đều thuộc bộ linh trưởng, tức là gồm những loài có sự tinh anh (linh) đứng hàng đầu (trưởng) trong các loài động vật. Chúng đã trải qua 65 triệu năm tiến hóa là một vốn quý của trời đất. Đại loại như thế.

Nhưng khi đọc đến cuối cuốn sách, người đọc bất ngờ thấy trong trang sách chẳng có một thông tin gì ngoài một tấm gương nhỏ gắn ở giữa. Ai cũng tò mò thử nhìn vào trong gương xem sao, thì chỉ thấy trong đó khuôn mặt ngơ ngác của chính mình. Lúc đó người ta mới để ý thấy bên dưới tấm gương có dòng chữ ngụ ý nhắc nhở người đọc là: Bạn đã nhìn thấy mình chưa? Bạn chính là loài linh trưởng "tiến hóa" nhất có tên trong cuốn sách này (loài người). Những con cu-li, khỉ đột mà chúng tôi trình bày ở trên chính là "ông tổ" của bạn đấy.

2. Câu chuyện đó cứ ám ảnh tôi mãi, mặc dù tất cả những điều đó, tôi đã được học trong cuốn Sinh học lớp 12, nhưng thay vì phải giải thích lằng nhằng với những con số triệu triệu năm, cùng các mối quan hệ "chi trên nhánh dưới" phức tạp trong "cây tiến hóa" ngành động vật. Tấm gương ở cuối trang sách chính là bài học trực quan để mỗi người cảm thấy, một cách trực tiếp nhất, sự gắn bó "trực hệ" của mình (tất nhiên là về mặt sinh học) với các loài linh trưởng cùng bộ, mà do trình độ phát triển khác nhau, trong khi chúng ta được đàng hoàng sung sướng trong cuộc sống văn minh thì các "ông tổ" về mặt sinh học của chúng ta phải lặn lội trong rừng núi. Từ đó đánh thức từ trong sâu thẳm mỗi người ý thức trách nhiệm về việc bảo vệ các loài linh trưởng nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung.

Giết khỉ và chuyện mảnh gương trong cuốn sách - 1
Chà vá hay còn gọi là voọc ngũ sắc
 
3. Có lẽ nếu mấy thanh niên "giết khỉ" trong bộ ảnh đang làm chấn động xã hội mấy ngày qua đã không hành động dã man như thế, nếu tình cờ họ được nghe câu chuyện và biết được mảnh gương kể trên. Nếu những con vật bị họ tra tấn dã man đó thực sự là những con voọc chà vá, thì không những chúng thuộc loài động vật rất quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, mà còn thuộc về "họ hàng rất gần" của chính con người chúng ta (Nghe nói, loài này có mức độ tiến hóa gần con người nhất theo thuyết Darwin trong 4 nhóm: cu-li, khỉ, voọc, vượn). Chưa kể, sự khôn ngoan, tình nghĩa của các loài voọc, vượn, đười ươi có mức tiến hóa rất cao, đến mức con con hoặc con mẹ sẵn sàng chết theo nhau (điều này đã được các nhà khoa học ghi nhận bằng tư liệu, hình ảnh). Như thế hành vi của nhóm thanh niên này (tra tấn giết con voọc đang mang thai) mang tính chất của một tội ác khó dung thứ.

4. Xét cho cùng theo quan điểm "nhân sát vật", thì con người xưa kia, khi chưa có nhận thức đúng đắn về bảo tồn, có thể giết các con vật để thỏa mãn nhu cầu thực phẩm của mình. Nhưng vấn đề không chỉ là giết con vật nào (giết những con vật thân thiết như con chó, con mèo thậm chí bị cấm tuyệt đối ở một số nước), mà còn là cách thức thực hiện hành vi đó. Chưa nói đến việc con khỉ, con voọc quý hiếm ra sao, phải bảo vệ như thế nào theo quy định của pháp luật, chỉ riêng việc tra tấn các con vật trước khi giết hại để làm vui thôi, dù là con vật nào, cũng đáng bị lên án. Nói theo quan điểm của nhà Phật sẽ bị chất chồng nghiệp chướng.

Cần lắm một mảnh gương để "cảnh tỉnh" những thanh niên này.

Theo Sỹ Ẩn
TT&VH