Giật mình khi nhận “giấy triệu tập”

Ca dao có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” để nói về sự lịch thiệp trong giao tiếp, ứng xử của người Hà Nội xưa…

 
(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

Nhiều đại biểu về dự đại hội Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Thành phố Hà Nội (LHCTCHN TP HN) cho biết đã không khỏi giật mình khi nhận được “Giấy triệu tập” từ Ban Tổ chức.

 

Ông N.T.H (64 tuổi, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Khoảng nửa tháng trước khi diễn ra đại hội, tôi có nhận được một phong bì gửi qua

đường bưu điện, phía bên ngoài phong bì ghi là của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TP Hà Nội. Khi mở phong bì ra tôi phát hoảng khi thấy ghi là “Giấy triệu tập”. Tôi nghĩ mình có làm gì vi phạm pháp luật hay bị cưỡng chế về việc gì đâu mà phải đánh giấy triệu tập”.

 

Cũng theo ông H, sau khi đọc xong nội dung của “Giấy triệu tập” nói trên mới thấy nội dung chủ yếu là thông báo về thời gian, địa điểm, nội dung đại hội sắp tới của LHCTCHN TP HN nhiệm kỳ 2012 – 2017. Vấn đề không có gì nghiêm trọng.

 

“Về dự đại hội là các đại biểu đại diện cho các tổ chức, đoàn thể, là những công dân ưu tú của Thủ đô, đáng lẽ ra phải gửi “Giấy mời”, sao lại gửi “Giấy triệu tập”? Nếu người nào kỹ tính, họ hiểu sâu một chút sẽ “mếch lòng” ngay. Một đại hội của mà các đại biểu đều là những công dân ưu tú của Thủ đô mà lại gửi giấy triệu tập như thế thì có khác gì mấy anh công an phường gửi giấy triệu tập đối tượng tình nghi trộm cắp đến đồn công an làm việc đâu”, ông H bức xúc.

 

Ngoài ra, cũng theo ông H, nội dung giấy mời có nhiều chỗ “rất khó chấp nhận”. Ví dụ như phía dưới, thay vì viết dòng chữ “yêu cầu: đại biểu mặc trang phục: nam áo sơmi thắt cavat, quần màu sẫm, nữ trang phục áo dài” thì nên viết lại là “khi đến dự đại hội, các đại biểu vui lòng…” là được. Dùng từ “yêu cầu” nghe khiên cưỡng như giáo viên nhắc nhở… học sinh lớp Một.

 

“Các cụ ta xưa có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” để nói về sự lịch thiệp trong giao tiếp, ứng

xử của người Hà Nội xưa. Sự lịch sự ấy chẳng phải đâu xa xôi, mà ở ngay trong giao tiếp, lời ăn tiếng nói hằng ngày. Cách diễn đạt của nội dung ghi trong “Giấy triệu tập” của Ban Tổ chức làm tôi rất băn khoăn và hơi buồn…”, ông H tâm sự.

 

Theo Lưu Thủy

TT&VH Online