Giáo dục nhãn mác ngoại đắt giá nhưng chưa chắc đáng giá

Trường Quốc tế TPHCM (ISHCMC) được xem là một trong những trường thu học phí cao nhất với mức gần 800 triệu đồng/năm học, chưa kể những chi phí khác.

Giáo dục nhãn mác ngoại đắt giá nhưng chưa chắc đáng giá - 1

Minh họa: Ngọc Diệp

Trường Quốc tế TPHCM (ISHCMC) được xem là một trong những trường thu học phí cao nhất với mức gần 800 triệu đồng/năm học, chưa kể những chi phí khác.

Hàng hóa nhãn mác nước ngoài giá cao, trong giáo dục cũng thế. Lâu nay, nhiều trường quốc tế có mác Úc, Mỹ, Anh hốt bạc rất khá, nhưng với mức học phí cao ngất này, cũng khiến cho người ta tò mò.

Báo Lao Động điện tử ngày 21.5 có bài: “Học phí gần 800 triệu đồng/năm ở Việt Nam: Học sinh được học những gì?”, phụ huynh cũng cần biết con mình sẽ học gì ở trong những ngôi trường nhãn mác ngoại.

Vì là trường quốc tế cho nên học sinh được dạy và học bằng tiếng Anh. Trường cung cấp chương trình Tú tài Quốc tế (International Baccalaureate - IB). Với bằng IB, học sinh dễ dàng chuyển tiếp vào các trường đại học và cao đẳng trên thế giới.

Cũng có thể có những giá trị khác như rèn tính độc lập suy nghĩ, tư duy sáng tạo cho học sinh.

Lẽ dĩ nhiên theo cơ chế thị trường, cơ sở giáo dục đưa ra mức giá học phí, phụ huynh thỏa thuận được thì cho con họ đi học. Thuận mua vừa bán là vậy. Nhưng cũng đặt ra vài câu hỏi về các “giá trị” quốc tế ở đây.

Để thủ đắc tiếng Anh, có cần phải học ở một trường quốc tế với học phí cao ngất ngưởng như vậy không? Rất nhiều học sinh các trường công lập, ngoài công lập trong nước, lấy chứng chỉ IELTS, TOEFL với mức điểm cao, vượt quá tiêu chuẩn du học ở các trường nổi tiếng trên thế giới.

Bằng tú tài quốc tế IB có là cánh cửa duy nhất để học sinh được vào các trường cao đẳng, đại học trên thế giới hay không? Trên thực tế, không ít học sinh Việt Nam đã tốt nghiệp IB, nhưng cũng chẳng phải có lợi thế gì ghê gớm. Và không ít học sinh chỉ tốt nghiệp tú tài Việt Nam, nhưng vẫn vào những trường danh tiếng khắp nơi trên thế giới.

Với sĩ số học sinh 20 em/lớp tất nhiên có điều kiện dạy tốt, học tốt hơn lớp đông học sinh. Nhưng với sĩ số bằng nửa lớp học bình thường, lại có giá học phí cao gấp từ 80 đến 100 lần so với trường trong nước, thậm chí 200 lần so với trường công.

Ở đâu cũng có người rất nghèo và người rất giàu, cho nên cũng cần có chỗ để phục vụ người rất giàu. Có điều, nếu xem xét tỉnh táo, sẽ thấy cơ sở giáo dục nhãn mác ngoại khai thác thị trường Việt Nam với giá quá “khủng” so với “giá’ thực mà họ mang lại.

Có điều sự học không phải cứ nhiều tiền là nhiều chữ. Không chỉ trường quốc tế trong nước, ngay cả học ở nước ngoài, có khi cũng chỉ dán vào trán cái nhãn mác du học và tấm bằng quốc tế chỉ để cha mẹ trang trí mà thôi. 

Theo Lê Thanh Phong

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm