Bạn đọc viết:

Giáo dục gia đình thời nay

(Dân trí) - Không phải tự nhiên mà từ xa xưa cha ông ta đã cho rằng: “Nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân” (mỗi gia đình làm điều nhân thì cả nước sẽ vươn tới điều nhân), bởi gia đình luôn là nơi khởi nguồn và hình thành nhân cách của mỗi con người.

(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

 

Bác Hồ từng nói: “Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”. 
 

Là người Việt Nam chắc hẳn không mấy ai không thuộc câu hát: “Cha mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con…” Cha mẹ chính là điểm tựa tinh thần vững chắc cho các thành viên trong mỗi gia đình, là những người chia sẻ, động viên, xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp để giữ bầu không khí vui vẻ, hạnh phúc cho gia đình.

 

Các hành vi ứng xử của cha mẹ đều sẽ để lại những dấu ấn sâu sắc và được cá nhân hình thành một cách tự giác hay tự phát thông qua quá trình tổ chức cuộc sống hoạt động và giao tiếp giữa các thành viên.

 

Mỗi sự trung thực hay giả dối; tin cậy hay hoài nghi; bảo thủ hay tiến bộ; đích thực hay ngụy tạo; dũng cảm hay hèn nhát; quyết đoán hay do dự; vị tha hay ích kỷ; vô tư hay vụ lợi... tất thảy đều được nuôi cấy và dưỡng dục, thử thách và kiểm chứng trước hết từ giọt mầm đầu tiên đến cội rễ cuối cùng ở chính dưới mái nhà của mỗi gia đình.

 

Hay nói cách khác sự giáo dục của gia đình, cha mẹ là cơ sở quan trọng giúp cho trẻ phát triển theo những chiều hướng nhất định - định hình nhân cách.

 

Nhất là ngày nay trước những biến đổi không ngừng của nền kinh tế thị trường, có những giá trị tưởng sẽ là bất biến lại có nguy cơ thay đổi, vì vậy giáo dục gia đình càng có ý nghĩa quan trọng.

 

Thế nhưng có một thực tế là trong khi sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước ngày càng được khởi sắc, đời sống của phần lớn các gia đình được nâng lên, việc giáo dục thế hệ trẻ càng có thêm những điều kiện thuận lợi; con trẻ có cơ hội vươn lên tự khẳng định mình trong sự phát triển lành mạnh của gia đình và xã hội. Song việc giáo dục gia đình có vẻ như lại có phần không được bằng những thời kỳ trước. Có rất nhiều bậc cha mẹ tuy trình độ chuyên môn cao nhưng lại thiếu những kiến thức cần thiết về khoa học giáo dục, nên không biết rõ dạy cái gì và dạy con như thế nào?

 

Nhất là những “ông bố”, “bà mẹ” trẻ do mải mê kiếm tiền, làm giàu, thăng tiến … đã phó thác trách nhiệm hoàn toàn việc dạy bảo con cái cho nhà trường mà không hiểu rằng, có những công việc giáo dục được bắt đầu từ chính trong mỗi gia đình.

 

Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân đang làm băng hoại đạo đức một bộ phận xã hội, lôi cuốn một bộ phận thế hệ trẻ vào vòng tội lỗi.

 

Nhưng cho dù sự tác động nhiều chiều của cách mạng khoa học công nghệ, của sự bùng nổ thông tin, của quá trình toàn cầu hóa, của cơ chế thị trường, thì những giá trị đạo đức truyền thống của gia đình, của dân tộc vẫn cần được tiếp tục gìn giữ và phát huy.

 

Giáo dục gia đình không chỉ có tính đa dạng và nhiều chiều, mà còn có ảnh hưởng quan trọng của cá nhân đối với cá nhân (giữa cha mẹ với con cái; giữa ông bà với cháu). Đồng thời có ảnh hưởng của cả tập thể gia đình liên kết với nhau tác động đến từng cá nhân qua lối sống, nếp sống ở mỗi gia đình.

 

Tính đa dạng còn thể hiện qua phương pháp giáo dục, không chỉ bằng lời nói mà bằng thái độ, tình cảm, nêu gương, không chỉ là nói lý thuyết hay nói suông mà phải bằng thực tiễn từ những việc làm cụ thể. Tính nhiều chiều trong giáo dục gia đình thể hiện qua sự tiếp xúc rộng rãi với môi trường xã hội của các thành viên.

 

Tôi rất tâm đắc với câu nói của một học giả: “Trong giáo dục gia đình không đòi hỏi các bậc cha mẹ dạy các môn học cho con được (trừ một bộ phận cha mẹ có kiến thức, nắm vững chương trình dạy học)”, mà giáo dục cơ bản trong gia đình theo tôi trước hết và chủ yếu là xây dựng nền nếp gia giáo, vì đó là yếu tố nền tảng. Có thể hiểu gia giáo ở đây không phải là cách giáo dục của thời kỳ cũ, mà mục tiêu của gia giáo ở đây chính là giúp mỗi thành viên trong gia đình hình thành nhân cách, trau dồi phẩm hạnh, rèn luyện tài năng ý chí, giáo dục lý tưởng, hướng tới chân - thiện - mỹ trong mỗi con người.

 

Minh Tư: mtu.tdh@moet.edu.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm