Giảng dạy đại học thời nay: Vẫn "quá nhiều thứ vô bổ"

(Dân trí) - Chương trình nặng nề, cũ kỹ, không thực tế… đã đào tạo ra không ít sinh viên kiểu “gà mờ”, hầu như không làm được việc sau khi ra trường. Điều này không chỉ nhà tuyển dụng kêu ca, mà ngay cả nhiều cựu sinh viên cũng phải than thở: “Quá nhiều thứ vô bổ”.

Giảng đường đại học (ảnh minh họa)
Giảng đường đại học (ảnh minh họa)

 

Bộ GD&ĐT vừa chủ trì hội thảo bàn về Đại học sáng tạo – một mô hình, xu hướng mới của các trường đại học. Liệu các trường Đại học Việt Nam có đạt đến mục tiêu đó hay không khi còn quá nhiều thứ lằng nhằng, vô bổ trong các chương trình đại học như hiện nay?

Qua tìm hiểu các bạn sinh viên tôi thấy chương trình, cách dạy – học… vẫn không khác nhiều so với trước đây. Nhiều sinh viên vẫn thở than rằng ngán tận cổ khi phải nạp hàng mớ lý thuyết đông tây kim cổ trong 2 năm đầu. Tính thực tiễn, ứng dụng… trong các bài giảng chuyên ngành – cái đáng lẽ ra phải rõ ràng, cụ thể, sinh động, thì vẫn rông dài ê a. Sinh viên vẫn phải chép nhiều, học thuộc nhiều… Nhưng cái cuối cùng vô cùng quan trọng, đó là kỹ năng chuyên môn và làm việc độc lập thì vẫn yếu.

 

Không ít lần, nhiều nhà nghiên cứu giáo dục đã thúc giục: nếu không trả lời được câu hỏi “học để làm gì” thì phải xem xét lại chương trình, nội dung giảng dạy. Nói một cách bình dân: những gì rườm rà, rắc rối, rông dài… nhưng rỗng tuếch thì phải được “quẳng sọt rác”! Hãy nhường chỗ cho người dạy – học tranh luận, phát huy sự chủ động, sáng tạo, khơi dậy tiềm năng bản thân và sự tự vận động – tự học nơi người học.

 

Điều này nghe có vẻ nhẹ nhàng, đơn giản. Nhưng không, nó đang gặp phải tâm lý thủ cựu, trì truệ, ngại thay đổi, luôn xem mình là đúng, cái mình dạy là quan trọng nhất… cản trở. Ở một chừng mực nào đó, nếu những “cây đa cây đề”, những người nắm giữ, phụ trách các chương trình đại học cũng có tâm lý này, sự đổi mới càng khó hơn.

 

“Thưa các em, thầy dạy như thế có đúng không?” - câu nói này của GS Hồ Ngọc Đại, nếu được ứng dụng trong giảng đường đại học thì có lẽ tình hình đã khá hơn. Trò được phép tranh luận và có “khoảng trống” để tranh luận. Thầy có thời gian đối đáp mà không phải “nói, nói và nói” như một con vẹt cho kịp giờ. Chắc chắn khi đó những bất cập trong chương trình sẽ được nhận ra.

 

Chúng ta đang chứng kiến ở bậc đại học - tầng cao nhất của nền giáo dục Việt Nam, vẫn còn cách đánh giá kiến thức theo kiểu kiểm tra khả năng… học thuộc. Câu hỏi thi đa phần là cứ “đạo”, “xào xáo” những câu hỏi có hàng chục năm theo kiểu nêu khái niệm, mô tả…. Hình thức học – thi vẫn theo mô típ cũ: giáo viên “đọc – chép” một lượng kiến thức khổng lồ và rồi cho “ân huệ” theo kiểu giới hạn câu hỏi, gợi ý thi…

 

Luật Giáo dục Đại học sắp có hiệu lực, cho phép các trường chủ động trong xây dựng chương trình đào tạo, không phải theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT như trước. Đây là làn gió mới để các trường, nhà giáo thay đổi, bổ sung, làm mới chương trình, nội dung… hướng đến cung cách dạy – học chủ động và thiết thực hơn.

 

Nhưng liệu có ai trong số các thầy, cô đang ngại thay đổi, tiếc nuối mà không dám “quẳng sọt rác” những cái không thiết thực trong các bài giảng?

 

Nguyễn Xuân Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm