Gian nan gieo hạt giống Tiếng Việt trên đất Lào

(Dân trí) - Ngôi trường Mẫu giáo-Tiểu học Hữu nghị Việt – Lào này là một biểu hiện sinh động của tình cảm nhân dân tỉnh Hà Tĩnh dành cho kiều bào và nhân dân Lào anh em ở tỉnh Bô-ly-khăm-xay.

Những đại sứ văn hóa

 

Trường Mẫu giáo-Tiểu học Hữu nghị Việt Lào, tỉnh Bô-ly-khăm-xay bắt đầu giảng dạy từ ngày 10/9/2009, gồm 3 lớp Mẫu giáo với 120 em học sinh con em Việt kiều theo học. Đây là ngôi trường đầu tiên của người Việt tại tỉnh Bô-ly-khăm-xay, là nổ lực chung của Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, Chính quyền tỉnh Bô-ly-khăm-xay, Hội người Việt Nam tại Bô-ly-khăm-xay, Tổng Lãnh sự quán VN tại Sa-va-na-khet, Quỹ hộ trợ người Việt Nam ở nước ngoài cùng chung sức xây dựng nên.

 

Gian nan gieo hạt giống Tiếng Việt trên đất Lào - 1

Trường Mẫu giáo-Tiểu học Hũu nghị Việt-Lào

 

Tại ngôi trường Hữu nghị này, không những học sinh là con em kiều bào ta ở nước ngoài được học tiếng mẹ đẻ mà con em các bộ tộc Lào cũng được học tiếng Việt. Sự ra đời ngôi trường này là kết quả sinh động của sự vun đắp tình hữu nghị đặc biệt của hai dân tộc Việt-Lào, sự hợp tác khăng khít, hữu nghị giữa hai tỉnh kết nghĩa anh em Hà Tĩnh và Bô-ly-khăm-xay.

Nhưng hiện nay, ngôi trường này còn gặp nhiều khó khăn cần được sự giúp đỡ của các cấp ngành có thẩm quyền ở Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Theo Hiệu trưởng Trương Minh Phúc cho biết: “Trường mới xây xong phần móng nhưng 2 năm nay chưa có kinh phí để xây dựng. Cơ sở vật chất hiện tại chỉ có 3 phòng học nên phòng họp hội đồng phải ngăn ra làm 2 phòng dùng cho lớp Tiểu học. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học rất thiếu thốn. Nguồn kinh phí của Hội rất hạn hẹp nên việc đầu tư xây dựng và phát triển trường gặp muôn vàn khó khăn”.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trong khi đó, yêu cầu của bậc Mầm non bắt buộc trẻ em đến trường phải vừa học vừa chơi, phải có đồ dùng trong lớp và ngoài trời. Nhưng thực trạng hiện nay, Nhà trường gần như không có đồ chơi, đặc biệt là đồ chơi ngoài trời. Vì thế, trẻ đến trường chóng chán và ngày càng thưa dần.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Lê Huy Chinh quê ở Thanh Hóa sang Lào dạy học cho biết: “Với tinh thần xác định mỗi giáo viên là một “đại sứ văn hóa” nên năm đầu hai giáo viên bọn em đã cố gắng xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp với bà con Việt kiều, một số cán bộ của tỉnh Bô-ly-khăm-xay và bà con nơi trường đóng chân. Bọn em đã thăm hỏi bà con mỗi khi gia đình có đám cưới, ma chay. Ngoài ra, đi dạy về là bọn em chỉ biết xem tivi, xem các chương trình của Đài truyền Việt Nam nên tivi hầu như không lúc nào tắt cả anh ạ. Cứ ăn cơm xong là lại ôm lấy tivi vì chăng biết làm gì cả”.

 

 

 

 

 
Gian nan gieo hạt giống Tiếng Việt trên đất Lào - 2

Thầy và trò Trường Mẫu giáo-Tiểu học Hữu nghị Việt Lào

 

Nỗi lòng người thầy

Nhiều giáo viên khác trao đổi: “Về đời sống ở Lào thì giá trị của tiền kíp gần gấp 3 lần tiền Việt Nam nên một gói mì tôm ăn sáng đã là năm nghìn (tính

theo giá trị của tiền Việt Nam). Lương tháng của bọn em năm đầu tiên là 600.000 kip Lào nên việc sinh hoạt hàng ngày đã là một khó khăn lớn. Ngoài ra, còn đi đám cưới, đám ma, lễ buộc chỉ tay thì với lương tháng đó bọn em thật sự không đủ để sinh hoạt. Mà ở bên Lào mùa cưới của họ thì ngày nào cũng có đám anh ạ. Có tháng phải đi 3 đám thế là mất đi 150.000 kip rồi. Có đợt hết tiền mà ở đất Lào chẳng biết vay ai cả, đành đi hái rau ở xung quanh trường để nấu ăn. Mua đồ ở Lào thì đắt nên mỗi lần sang dạy anh em phải mua tất cả mọi thứ từ gói mì tôm trở đi đến lọ dầu gội đầu...

 

Còn về việc sinh hoạt thì không có phương tiện đi lại nên đi chợ một tuần thì đi một đến hai lần, mỗi bận thì phải hai người đi để xách đồ về bỏ vào tủ lạnh. Xe không có nên phương tiện chỉ là cuốc bộ mà thôi. Ở Lào thì chẳng có xe ôm cũng chẳng có taxi chỉ có xe túc túc. Còn chuyện nấu ăn, đầu tiên, hai anh em tự nấu ăn lấy, quanh đi quanh lại thì cũng chỉ có hai món đó là thịt lợn luộc rồi lại rang. Sang năm nay có them hai cô giấo nên chuyện nấu ăn đỡ vất vả và được cải thiện hơn.

 

Về đời sống tinh thần thì buồn lắm. Cứ ăn xong thi mỗi anh một góc vì không biết nói chuyện gì cả. Sáng mai dậy lên quét dọn trường lớp, chăm sóc cây cảnh trong trường và dạy các em, trưa về ăn cơm rồi lại tiếp túc cứ như thế lặp đi lặp lại như một bản… “trường ca”. Rất may là được sự quan tâm của các bác Việt kiều ở xung quanh, hang tháng đến chơi… Đợt tết vừa rồi anh em về quê ăn tết, phòng bị trộm vào lấy hết đồ cũng nhờ các bác cho vay tiền mua đồ vì  kinh phí của Hội cũng eo hẹp.

 

Điều mà mỗi người ở xa nước thích nhất là được gặp Đoàn cán bộ Việt Nam đi công tác trên đất nước Lào tới thăm. Đặc biệt hơn nữa là, mỗi lần có đoàn cán bộ của tỉnh Hà Tĩnh sang đều ghé vào hỏi thăm sức khỏe của anh em như bác Nguyễn Thanh Bình-Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, bác Nguyễn Thiện-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bác Hồ Quang Minh-Giám đốc Sở Ngoại vụ... Có lần các bác cho mấy con mực rồi cả chai rượu nữa. Thích lắm. Năm nay, lại được sự quan tâm, tác động của Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Tĩnh nên tỉnh Bolykhamxay đã hỗ trợ thêm mỗi giáo viên mỗi tháng 500.000 kip nữa, vì thế, cuộc sống cũng đỡ hơn nhiều. Bên cạnh đó, bọn em cũng có sự quan tâm giúp đỡ của Tổng Lãnh sự Quán Việt Nam tại Savannakhet”.

 

Cô giáo Cao Thị Hà chia sẻ: “Ở xa  nên  khi gần đến tết hoặc hè thì mong muốn được về nhưng chỉ nghĩ đến chuyện về thì anh em cũng sợ vì xe cộ chẳng có chỗ ngồi. Người Việt Nam làm ăn ở bên Lào và Thái nhiều, cho nên xe lúc nào cũng đông. Có đợt về chỉ có chỗ đặt vừa hai chân để đúng mà thôi, qua  cả đêm như vậy, vất vả lắm. Giờ anh em mong nếu tết về mà có xe đón như mấy tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị thì khỏe quá. Họ có xe đưa sang rồi lại đưa về”.

 

Cần hơn nữa những hỗ trợ

 

Được biết, hầu như không có một tài liệu cụ thể nào hướng dẫn về chương trình nội dung giảng dạy tiếng Việt ở các trường trên đất Lào. Hầu hết ở tất cả các tỉnh ở Lào đều có trường dạy tiếng Việt cả. Các trường chỉ dùng  sách tiếng Việt ở tiểu học để giảng dạy. Có trường đề ra hết năm học thì học được một tập của quyển sách lớp 1; sang năm khác thì học tập 2. Đó là cách làm của trường Nguyễn Du ở Viêng Chăn; còn ở một số tỉnh như Savankhet, Khăm muộn, Pakse thì dạy hết cả tập một, tập hai. Với hai cách dạy như vậy thì ở các trường đều viết, đọc, nói tương đối tốt. Song chưa có một lần kiểm tra nào xem hiệu quả của hai cách thực hiện xem cách nào tốt hơn. Đợt vừa rồi có ra hai bộ giáo trình, đó là “Quê Việt” và “Tiếng Việt vui”, tuy nhiên cách viết lại theo như giáo trình tiếng Anh và dạy theo hai bộ giáo trình này thực sự là khó. Đó là về giáo trình.

 

Còn về đội ngũ giáo viên thì hầu hết là thiếu và yếu, họ không nắm được phương pháp giảng dạy tiếng Việt bởi  là những người Việt kiều biết tiếng Việt không thạo nên được đào tạo trong thời gian ngắn rồi tham gia giảng dạy. Mà chủ yếu là do giáo viên Việt Nam được cử sang đảm nhiệm vấn đề này. Còn về mặt quản lí thì hầu hết các bác Việt kiều tham gia công tác quản lí như là Hiệu trưởng, hiệu phó. Trong khi đó các bác hầu như không có một chút kiến thức và kinh nghiệm nào về công tác giáo dục cả. Tất cả  làm việc bằng sự nhiệt tình mà thôi nên dấn đến sự khó khăn trong việc phối hợp giữa giáo viên Việt Nam và các bác Việt Kiều trong Ban giám hiệu.

 

Thầy giáo Nguyễn Anh Sơn tâm sự: “Cơ sở vật chất hầu như là không có. Đều trông chờ vào sự hỗ trợ từ phía Việt Nam. Tiền học phí của các cháu chỉ đủ duy trì sinh hoạt của trường và trả lương cho các giáo viên thậm chí còn không đủ (như trường em). Đồ dùng dạy và học thiếu đủ bề, thậm chí có giáo viên phải bỏ tiền túi mua tài liệu từ Việt Nam mang sang để giảng dạy. Đồ chơi cho các cháu hầu như là không có, rất nghèo nàn. Còn đề án phát triển giáo dục của nhà nước ta mới chỉ dừng lại đào tạo phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho các giáo viên mà thôi, chứ còn kinh phí hỗ trợ cho trường hay giáo viên là chưa có”.

 

Cô giáo Lê Thị Mai Hoa được Hội tin cậy giao cho Quyền Hiệu phó quản lí nhà trường khẳng định quyết tâm: “Mặc dù còn bộn bề khó khăn là thế nhưng bọn em luôn luôn nhớ lời cặn dăn của Bác Hồ “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt” làm động lực để hoàn thành nhiêm vụ được giao”.

 

Trước thực trang này, Trường Mẫu giáo-tiểu học Hữu nghị Việt Lào rất mong nhận được sự quan tâm của Sở Ngoại vụ, Hội Hữu nghị Việt Lào tỉnh Hà Tĩnh, cùng các tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm quan tâm giúp đỡ, tạo mọi điều kiện hỗ trợ Nhà trường về cơ sở vật chất phòng học cũng như trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho trẻ để Nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy văn hóa và tiếng Việt trên đất Lào trong năm học 2011-2012 và các năm tiếp theo.

 

                                       Bài và ảnh: Lê Quốc Châu

 

 

LTS Dân trí-Trường dạy tiếng Việt cho kiều bào tại Lào quả là một loại hình trường đặc biệt cần được duy trì và phát triển vì tình nghĩa đồng bào cũng như tình đoàn kết gắn bó anh em giữa hai dân tộc Việt-Lào.

 

Các trường thuộc loại hình này đang còn gặp nhiều khó khăn từ chương trình nội dung, trường sở, đồ dung dạy học đến việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho những giáo viên sang dạy ở đây. Việc quan tâm giải quyết những khó khăn đó, không chỉ là trách nhiệm của các tình kết nghĩa mà còn cần sự giúp đỡ của các cấp các ngành có liên quan, nhất là Bộ GD-ĐT về chương trình nội dung giảng dạy và Đại sứ quán Việt Nam tại Lào để tranh thủ sự hỗ trợ của nước bạn.