Gian lận trong thi cử: Nói Không mà vẫn Có
(Dân trí) - Đã từ lâu, hầu như chẳng năm nào mà mỗi dịp thi cử ngành GDĐT lại không phải chịu bao lời phê phán, chỉ trích. Hết mổ xẻ bệnh thành tích, bệnh hình thức, lại tới nguyên nhân trượt dốc, xuống cấp… Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông này lại vẫn “bổn cũ soạn lại”.
Thầy xưa, thầy nay
Ai chẳng trải qua việc học hành, thi cử. Mỗi thời mỗi khác, mỗi nơi cũng có thể mỗi khác nhau nhưng chắc chắn ai cũng ít nhất đôi lần được chứng kiến (hoặc có thể là tự mình) những hành vi mà nói nhẹ thì là quay cóp, nói nặng là gian lận trong thi cử.
Có lẽ như nhiều người thuộc thế hệ “một thời đạn bom, một thời hòa bình” thời chúng tôi vẫn còn nhớ như in kỳ thi tốt nghiệp khi Mỹ đang leo thang ném bom sát sạt thủ đô Hà Nội. Trong tiếng đạn bom và còi báo động hụ cả chục lần mỗi ngày, trong cái nóng như thiêu như đốt và điện lên tục bị cúp, chủ yếu phải chong đèn học dưới ánh đèn dầu tù mù, chúng tôi vẫn miệt mài "sôi kinh nấu sử". Dù phải nói thật là khi đó một số học sinh khá, giỏi trong lớp tôi cũng đã được giáo viên phân công “giúp đỡ những bạn ngồi xung quanh nếu bí quá”.
Quả thật là giám thị coi thi thời ấy cũng không quá chặt chẽ, chủ yếu vì thương học sinh thôi chứ tiền bồi dưỡng coi thi của Bộ chắc chỉ đủ cho mỗi thầy cô ăn thêm được bát phở mậu dịch “không người lái” (không thịt) mỗi sáng. Các bạn học lực yếu chút cũng có phần yên tâm hơn khi biết dù sao cũng có “phao cứu đắm” khi chẳng may bị “lệch tủ”. Và thời đó lớp 10A trường Trưng Vương B chúng tôi chỉ có hai bạn trượt tốt nghiệp. Số còn lại nam thì đa số lên đường ra mặt trận (sau khi yên tâm đã có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông, ngày chiến thắng trở về còn có cơ hội học tiếp lên đại học), nữ chủ yếu thi vào ngành sư phạm…
Ra trường đã bao năm, nhớ ơn và dành tình cảm mến yêu cho các thầy cô giáo cũ bao nhiêu, chúng tôi càng xót xa cho các thế hệ “Người lái đò chở con chữ” chuẩn mực ấy bấy nhiêu khi được thấy và nghe kể về cảnh sống nhờ mức thu nhập “khủng” của nhiều bạn bè là giáo viên ở thủ đô bây giờ. Trong lớp tôi không ai là công nhân viên chức nhà nước mà có tài sản, của nả bằng được 1/10 các bạn giáo viên. Họ thu nhập từ đâu, không nói bạn đọc chắc cũng biết rõ cả.
Tôi cũng đã nghe bè bạn làm giáo viên tâm sự về nhiều điều cho thấy những gì chỉ là cực chẳng đã thời xưa (ví dụ như cũng có học sinh quay cóp, liều mang tài liệu vào phòng thi, nhắc bài cho nhau…) thì nay đã thành chuyện hiển nhiên, chuyện thường ngày và tất cả các “bệnh” trong ngành giáo dục hiện nay đều không thoát khỏi chữ Tiền.
“Tôi nghĩ rằng đây là một sự phản ánh thực chất về nền giáo dục VN. Chúng ta quá coi trọng thành tích, muốn mau chóng phổ cập giáo dục cấp tiểu học và THCS, mà có lẽ đã không phân chia được đối tượng theo sở thích và năng lực. Nên thậm chí có cả những em chưa thông mặt chữ cũng lên được cấp 2, và điều gì phải xảy ra thì đã xảy ra…”
Đau lòng trò, xót lòng thầy
Có lẽ cũng đúng như một bạn đọc đã nhận xét: chuyện gian lận trong thi cử thường diễn ra nghiêm trọng hơn ở phía Bắc, nên sau khi đoạn video clip quay cảnh gian lận trong một phòng thi ở Bắc Giang được tung ra, phản ứng từ phía các giáo viên cũng khác nhau:
“Tôi không thể tin được chuyện như vậy. Tôi là một giáo viên ở TT - Huế, mà không ngờ và không tin được tại một hội đồng thi lại có hiện tượng thoải mái trao đổi, phao thi, cả việc giáo viên chỉ bài cho học sinh như vậy. Tôi đề nghị các cấp trên xử lí nghiêm các trường hợp này, kể cả với giáo viên và học sinh ở phòng thi trên và cả hội đồng thi” - Nguyễn Bảo: ngbaocntt@gmail.com
“Tôi là một giáo viên đã từng dạy học cấp THPT và đã đi coi thi tốt nghiệp nhiều lần. Tôi thấy hiện tượng học sinh vô tư dùng lài liệu, vô tư trao đổi, giáo viên giúp học sinh làm bài... là có thật, rất thật và diễn ra hầu hết ở tất cả các hội đồng coi thi. Tôi có thể nói rằng kì thi tốt nghiệp THPT là một kì thi có lẽ chỉ giúp cho học sinh và cả phụ huynh các em thể hiện sự không trung thực. Và một phần không nhỏ, kể cả là giới chức lãnh đạo ngành GD, cũng như vậy. Nếu thi tốt nghiệp nghiêm túc như kì thi đại học thì tôi có thể cam đoan rằng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của cả nước không quá 30%. Hãy bỏ bớt một số môn học không cần thiết trong cấp THPT, và có lẽ cũng nên mạnh dạn bỏ cả kì thi tốt nghiệp không thực chất này đi!” - Trượt Thua: tailieudiin@gmail.com
Còn từ chính các học trò, xem ra chỉ có số ít nghiêm túc mới còn... “sốc” khi thấy cảnh này.
“Mình ở Bắc Giang, mình không nghĩ là ở quê mình lại có hiện tượng này. Bởi mình thi tốt nghiệp khoá 2009 thì thấy kỳ thi thực sự nghiêm túc. Bản thân mình cũng chưa từng quay cóp bao giờ, cho đến khi học đại học cũng vậy. Nhưng bây giờ mình thấy các bạn thí sinh học càng ngày điểm càng thấp, thi cử lúc nào cũng thấy mang phao, lại còn thêm cả hiện tượng trên nữa, quá chán!” - Kiên Đặng: kinhdoanh.dkvn@gmail.com.vn
“Nhớ cái hồi mình thi (2007) theo quy chế mới của bác Nguyễn Thiện Nhân, năm đó trường mình trượt khá nhiều (trường phổ thông vùng cao Việt Bắc). Cứ tưởng các năm tiếp theo sự chặt chẽ, kỷ cương sẽ được siết chặt hơn. Ai dè từ năm sau chỗ nào thi cũng thấy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao đột biến, có tỉnh đạt 99,8%. Thật đáng “ngưỡng mộ” công sức các thầy cô…giải đề. Chuyện này giờ thường như chợ huyện, đâu đâu cũng có, vùng khó khăn càng được đà phát triển.
Ấy vậy mà có 1 số vị lãnh đạo còn có ý tưởng gộp 2 kỳ thi làm một, mình nghĩ các vị ấy là siêu nhiên (như Tôn Ngộ Không chẳng hạn) có thể dùng phép phân thân mà coi thi cho minh bạch được. Nhưng kêu rồi sẽ đến tai ai? Có khi nào sự việc lại cứ dần trầm lắng xuống 1 cách khó hiểu như nhiều sự việc "đình đám" trước đó? Mình chỉ buồn khi thấy ở quê hương mình vẫn còn tồn tại những giáo viên học 12/12, hoặc trung cấp, cử tuyển… Họ chỉ biết dạy học sinh học thuộc chứ không hề biết thế nào là tư duy, đừng nói đến tư duy logic” – Mr. Hưng: qhung1989@yahoo.com
“Mình phải ráng nuốt hết cuốn sử vì sợ rớt tốt nghiệp. Vậy mà...nhìn thấy mấy cảnh này đau lòng hết sức. Đề Hóa dễ như thế mà cũng phao (hóa, toán còn phao thì chắc văn, sử, địa… khỏi bàn)” - TQK: traitimcanmottinhyeu94@yahoo.com
“Tôi cũng từng là học sinh, đã trải qua thời kỳ vất vả thi cử rồi. Ngày xưa đi thi mà có người cho xem, mà ‘quay’ được bài thì thích lắm. Nhưng bây giờ lớn khôn mới biết cái giá trị của việc học hành. Tại sao ngành giáo dục lại làm cho con em VN mình nói chung dần dần hình như càng thua xa về học thức so với các nước trong khu vực thế nhỉ? Hay chỉ vì căn bệnh thành tích. Tôi có một người bạn người Campuchia đang học đại học Y Thái Bình. Bạn ấy nói rất tốt tiếng Anh, tôi hỏi bên bạn nói tiếng gì là phổ biến. Bạn ấy trả lời " tiếng Khmer và tiếng Anh". Nghe đến đây tôi buồn và xót xa cho nhiều học sinh VN mình quá....” - Dương: phongduong9x@gmail.cpm
Thương trò “cho ngọt cho bùi”?
Đã gọi là thi cử thì ắt có trò đỗ, trò trượt. Số trượt hầu như luôn chiếm tỉ lệ ít hơn, thực tế từ xưa đã là vậy. Trường nào, lớp nào có tỉ lệ trượt cao, tất nhiên nỗi buồn nỗi lo không chỉ với chính bản thân học sinh cùng phụ huynh, mà cả với các thầy cô giáo nữa.
Cái khác thường mà chúng tôi thấy ở đây là giáo viên thời nay quả là vừa thích dạy thêm kiếm tiền tay trái gấp hàng chục lần tay phải, vừa thích được tung hô thành tích đến mức khó hiểu. Và để được tiếng giáo viên giỏi, hình như cả họ và nhiều phụ huynh học sinh sẵn sàng bất chấp tất cả. Tất nhiên vẫn còn đó những thầy cô chuẩn mực, hết lòng vì học sinh thân yêu. Nhưng có lẽ họ cũng bị hoặc buộc phải “cuốn theo chiều gió”…
Có lẽ cũng bởi thế mà nhiều lý lẽ "chẳng giống ai" (so với các nước khác) vẫn được đưa ra để biện hộ cho những sự “lỏng tay” trong thi cử hiện nay ở VN ta:
“12 năm học chỉ quan trọng trong 1 lần thi. Các thí sinh thì căng thẳng, giám thị cũng căng thẳng, không giúp các bạn thì các bạn làm thế nào, tương lai các bạn ra sao? Còn giúp các bạn thì những giám thị này có thể bị chuyển công tác hay sa thải khỏi ngành. Thế các bạn có biết những trường hợp khác nữa không, như có khi học lực ở lớp các bạn tốt mà khi đi thi bạn không được kết quả tốt? Có những bạn đi thi không được rồi nghĩ quẩn....... Bạn sẽ cảm giác như thế nào nếu bạn là giám thị, hay là 1 thí sinh mà 12 năm rèn luyện (có khi hơn 12 năm cơ đấy) rồi kết quả không tốt thì sao, lại tốn thêm bao thời gian và tiền bạc của cha mẹ. Bằng cấp 3 thật ra không quan trọng bằng bằng trung cấp, cao đẳng hay đại học đâu các bạn à. Mà những bằng như trung cấp, cao đẳng hay đại học ......... mới cần thiết cho cuộc sống chứ. Nhưng mà không có bằng cấp 3 thì về làm nông dân hết à !? Các bạn nên hiểu cho kì thi THPT chứ!” - Name: forevertime00@yahoo.com
Bất cập là thi cử nghiêm túc thì quá khó khăn. Các giám thị đã làm được việc tốt, cho các em đỗ hết để tương lai còn phấn đấu tiếp. Các em không có bằng thì mất đi nhiều cơ hội, biết đâu trong số đó phát triển theo hướng tiêu cực không có ích cho xã hội thì sao? Theo tôi thì nên đầu tư nhiều hơn cho việc giảng dạy để các em có kiến thức tốt, thi cử chỉ là hình thức thôi, nhè nhẹ thôi” - No Name: khonghoten@yahoo.com
“Có gì là kinh khủng đâu. Cách đây 12 năm về trước, khi tôi thi tốt nghiệp, những cảnh tượng tương tự cũng diễn ra mà. Các năm trước đó cũng như vậy và sau này chắc chắn cũng như thế. Nếu cứ "bí mật" đặt camera quan sát ở khắp các nơi tổ chức thi thì sẽ thấy "hiện trạng" của "bệnh thành tích" khắp mọi nơi. Bệnh này còn lâu mới được chữa trị, còn lâu mới khỏi. Có gì mà phải "giật mình!” - Người đọc báo: thitkhoto4@yahoo.com
“Nhìn mà thấy chán! Trường nào chẳng muốn tỷ lệ đậu cao và thành tích nổi trội. Còn học sinh ai cũng muốn mình điểm cao mà không cần học hoặc học ít. Tôi nghĩ còn nhiều hiện tượng này lắm, clip này chỉ phản ánh được 1 góc nhỏ những chuyện vẫn diễn ra trong các kỳ thi hàng năm thôi” - Nguyễn Lập: nguyenlapdbcom@gmail.com
“Không có gì lạ lắm với vấn nạn này, nó quá phổ biến. Nếu làm chặt chẽ thì hãy nghiêm túc từ đầu và ở mọi hội đồng thi trong cả nước. Đừng nên chỉ đầu voi đuôi chuột kỉ luật một số người, trong khi còn nhiều chỗ còn trắng trợn hơn” - Xuan Thu: xuanthu_bk83@yahoo.com
“Gian lận trong kì thi tốt nghiệp, tôi chắc là có trên hầu khắp cả nước. Coi thi chéo thì giám thị đến các địa điểm thi đều được bồi dưỡng, để làm lỏng lẻo trong quá trình coi thi. Nhà trường thì thu thêm những khoản tiền của học sinh để bồi dưỡng giám thị. Mình thấy ở 1 trường trên thành phố Thái Nguyên, học sinh còn nộp tiền ‘chống trượt’ tốt nghiệp. Thế là khi vào thi thầy giáo bảo học sinh mang tài liệu vào chép. Không hiểu ngành giáo dục VN hiện nay thực chất như thế nào nữa???????? Người thì vất vả học tập, thức khuya dậy sớm mà cũng chỉ bằng những học sinh mang tài liệu vào phòng thi chép, thế thì công bằng thử hỏi ở đâu ra????” - Nguyen Hoang: hoangcoi_278@yaoo.com
“Xem xong clip này rồi vài hôm nữa lại chắc lại nghe tin Bộ GDĐT công bố "năm nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của chúng ta đạt 99,9%. Đó là thành quả lao động không biết mệt mỏi của toàn thể ngành giáo dục". Buồn quá! Không biết Bộ trưởng Luận nghĩ sao?” – Tiger Trung: chung.hanstar@gmail.com
“Năm 2008 là năm đầu tiên áp dụng quy chế 3 không. Năm đó bọn mình thi không có 1 ai dám đem tài liệu vào phòng thi chứ chưa nói là giở tài liệu như thế này. Và năm đó cũng là năm mà học sinh trượt tốt nghiệp nhiều nhất. Riêng trường mình trượt những 50%, xem báo chí thì có trường còn đỗ chỉ có 1 học sinh. Trong mấy năm trở lại đây, mình thấy tỉ lệ đỗ tốt nghiệp càng ngày càng tăng dần. Và giờ thì gần như ai đi thi cũng đỗ. Năm ngoái trường mình đỗ 99%. Vậy mà Bộ GDĐT còn nhận xét là kì thi nghiêm túc được? "Nhiều phao thi không có nghĩa coi thi không nghiêm" - đó là 1 câu mà mình nhớ được nghe một vị Thứ trưởng Bộ GDĐT từng nói đấy. Có chăng học sinh thời nay giỏi hơn rất rất nhiều học sinh thời trước. Có lẽ cũng phải, học sinh giờ có ĐIỀU KIỆN hơn mà” - Đức Tâm: ductam280890@gmail.com
Bỏ thương, vương sao cho khỏi tội?
Nhấn mạnh tính hình thức, sự không thực chất và tốn kém của việc tổ chức 2 kỳ thi, nhiều ý kiến một lần nữa đề đạt ngành GDĐT nên cân nhắc lại xem có nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT này nữa không. Người ủng hộ nhiều, nhưng phản đối cũng có.
“Chuyện này thì có gì là lạ đâu, ai đã từng trải qua kì thi tốt nghiêp THPT đều biết. Trước khi thi, các phụ huynh đều phải đóng 1 khoản phí gọi là phí ‘chống trượt’ cho con em mình, như mình là 200.000đ. Năm mình thi còn phải khoanh sai đi để không được điểm 10. Như thế này là tự nói dối nhau, nói dối chính mình. Thi tốt nghiệp THPT chỉ là hình thức, mình nghĩ nên bỏ kì thi này đi để đỡ lãng phí” - Son: chumoine@yahoo.com
“Tôi nghĩ, bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là giải pháp đúng đắn nhất, vì những lý do sau:
1/. Không bao giờ giải quyết được vấn đề gian lận trong thi cử. Ai khẳng định giải quyết được thì tôi coi đó là người nói dối hoặc là người "ngoài hành tinh", vì bậc phụ huynh nào cũng muốn con mình đỗ tốt nghiệp -> họ có thể làm mọi cách để cho con mình đỗ + việc các nhà giáo và các giám thị thực sự họ cũng không ‘nhẫn tâm’ khi mà coi thi quá chặt. Chỉ khi nào mọi người đi coi thi thì mới thấy. Em nào làm được bài thì không sao, em nào làm không được thì nhìn các em rất thương: mồ hôi mồ kê, ánh mắt nhìn như van xin....Tôi nghĩ rằng đại bộ phận giám thị sẽ tạo điều kiện cho các em trao đổi bài một chút (tất nhiên tôi phản đối việc đưa bài từ ngoài vào cho các em chép, hoặc các em mang tài liệu vào phòng thi và chép một cách ngang nhiên như clip ở trên).
2/. Vì đã không giải quyết được khâu thứ nhất nên kỳ thi chỉ mang tính hình thức -> lãng phí tiền tài, nhân lực....
3/. Nếu như ông Thứ trưởng bộ GD&ĐT đã nói rằng việc thi nằm ở chỗ "không phải để đánh trượt học sinh. Việc thi là kiểm tra năng lực, đánh giá lại việc học và dạy của nhà trường và chuẩn bị cho các em thi chuyên nghiệp", vậy thì tôi xin thưa với ông là không cần kỳ thi tốt nghiệp thì hàng năm các trường THPT vẫn có những hình thức thi thử đại học cho học sinh. Và tôi tin chắc rằng với việc hàng năm các em phải làm những bài kiểm tra học kỳ từ năm lớp 1->12 và việc thi vào 10 cũng rất căng thẳng như thi đại học, thì các sĩ tử của chúng ta không cần phải trau dồi thêm kinh nghiệm nữa vì kinh nghiệm có thể coi là đã đủ rồi” - Sasly: saslynguyen@yahoo.com
“Theo tôi thì bộ GDĐT không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp 12 này, vì nếu bỏ thì học sinh sẽ không chịu học. Mà nên tổ chức các kỳ thi 1 cách chặt chẽ, nghiêm túc hơn. Những năm đầu thời của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã làm rất tốt quy chế thi cử, tôi thấy học sinh đã lo sợ và chịu khó học hơn. Nhưng vài ba năm gần đây tình trạng coi thi lỏng lẻo, khiến học sinh không chịu học mà chỉ trông chờ vào giám thị coi thi dễ để giở tài liệu… Tôi tin, chỉ có các kỳ thi nghiêm túc mới đánh giá thực chất được kiến thức chuẩn của học sinh. Và tôi nghĩ Bộ GDĐT cũng phải có những biện pháp mạnh đối với những giám thị coi thi ở hội đồng thi trong clip trên” - Thanh: tongphanthanh@gmail.com
“Cách đây 2 năm đọc bài báo " Lo việc chung chi cho hội đồng thi " của trường Tiểu La , Thăng Bình , Quảng Nam. Hôm nay lại đọc và xem video bài: " Sốc" với clip gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp 2012 (Bắc Giang). Nhưng mình nghĩ dù có nhiều bài viết phản ánh tình trạng này bao nhiêu đi nữa cũng chẳng tác dụng gì, chẳng thay đổi được "sản phẩm văn hóa mới " này đã ăn sâu trong tiềm thức của các vị có trách nhiệm rồi. Họ luôn đi đầu chỉ đạo cho phụ huynh, học sinh theo sự hướng dẫn nhiệt tình của mình qua các "cuộc họp", "Đại diện phụ huynh tiếp xúc hội đồng thi" v.v... Làm sao xóa bỏ tệ nạn này?” - Le Thi Sa: elisa5407@yahoo.com
Ý kiến với ngành giáo dục sẽ còn tiếp tục nhiều lắm, vì e rằng trong thời gian trước mắt chưa thể có thay đổi nào khả thi được cả, bởi chung quy lại giải pháp nào cũng khó có thể vượt qua được những rào cản mà rốt cuộc cũng có cái tên chung là Tiền. Dù nhiều người đều hiểu như Hai Nguyen: vanhaica1@gmail.com:
“Thi là để kiểm tra kiến thức của học sinh ra sao, chứ đâu phải lấy thành tích là trên hết? Là những người làm công tác đưa đò nhưng dường như họ (các giáo viên) bây giờ không muốn cho khách sang bờ ấy? Qua đây cũng có thể thấy công tác giảng dạy ở trường này cũng nên xem lại, nếu như học sinh tự tin với năng lực của mình thì chẳng cần tài liệu làm gì. Đừng trách học sinh mà nên xem lại cách giáo dục của người lớn!”
Để có nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm thẳng thắn của Núi: nguyenson48dt3@gmail.com:
“Nền GD nước nhà thì chỉ có vậy thôi sao? Tại sao những người có trách nhiệm không dám nhìn thẳng vào sự thật là con em mình học quá sơ sài? Nên làm mạnh tay để một vài năm tới con em sẽ có kiến thức thực sự khi bước vào đời…”
Và cùng chia sẻ nỗi niềm nhức nhối tâm can với Phạm Liêu lieuvkshn@gmail.com:
“Tôi tin đây là một thực tế và có ở rất nhiều nơi và các giáo viên đều biết, nhưng vì sính thành tích nên họ cho qua. Thật buồn! Để bài trừ vấn nạn này không hề đơn giản, không thể ngày một ngày hai. Nhưng đây là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục và của toàn XH, không thể cứ để thế này mãi được vì rồi thì ngành GDVN sẽ ra sao?”
“Trái bóng” vẫn ở bên sân của ngành GDĐT, đồng thời cũng là ở chính “chân” của mỗi người trong xã hội chúng ta. Bởi nếu không dũng cảm nói không với tiêu cực, chúng ta ai cũng có thể bị dòng lũ tiêu cực cuốn theo lúc nào không hay biết.
Kiều Anh