Giảm tải chương trình giáo dục vội vàng khó đạt kết quả

(Dân trí) - Mặc dù đã nhiều lần điều chỉnh, chương trình sách giáo khoa (SGK) các bậc học phổ thông vẫn còn khá nặng nề. Yêu cầu giảm tải chương trình đặt ra cấp thiết nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Đầu năm học mới 2011-2012, Bộ GD&ĐT đã triển khai hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học ở bậc Tiểu học, THCS, THPT nhằm mục đích thực hiện giảm tải. Theo hướng dẫn này, sẽ điều chỉnh giảm tải nội dung bằng cách: cắt giảm một số đơn vị kiến thức trong chương trình sách giáo khoa. Giáo viên dành thời gian còn dư sau khi đã cắt giảm nội dung chương trình để tiến hành đổi mới phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng học sinh khá, giỏi và phụ đạo học sinh yếu, kém. Có thể nhận thấy, chủ trương giảm tải chương trình của Bộ GD&ĐT là đúng đắn. Tuy nhiên, cách thức, thời gian tiến hành và nội dung giảm tải còn có nhiều điều bất cập, gây khó khăn cho các đơn vị thực hiện, đồng thời, ảnh hưởng tới mục tiêu giảm tải đã đề ra.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trước hết, thời gian triển khai việc lấy ý kiến đóng góp của dư luận, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp học đối với bản dự thảo điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT là quá gấp gáp và có phần vội vàng. Từ ngày 17/8, nội dung hướng dẫn thực hiện điều chỉnh chương trình dạy học mới bắt đầu được gửi về các đơn vị trường học và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến đóng góp.

 

Vì những lý do khác nhau, nhiều đơn vị trường học đã không nhận được kịp thời tài liệu hướng dẫn điều chỉnh, bản thân giáo viên phải tự tìm hiểu thông tin trên mạng internet.Trong khi đó, thời hạn cuối Bộ GD&ĐT tiếp thu các ý kiến đóng góp để tiến hành tổng hợp và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chính thức là ngày 24/8. Nhiều người cho rằng, thời gian để dư luận đóng góp cho bản dự thảo chỉ trong vòng một tuần là quá ít, chưa tương xứng với một vấn đề hệ trọng liên quan trực tiếp đến chương trình giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.
 
Giảm tải chương trình giáo dục vội vàng khó đạt kết quả  - 1

Giảm tải nội dung chương trình, sách giao khoa nếu thực hiện tốt sẽ góp phần làm giảm áp lực trong học tập, thi cử cho học sinh.

 

Đáng nói là, hoạt động dạy và học của các nhà trường trong năm học mới ở nhiều địa phương trên cả nước đã được “khởi động” từ 1/8 và chính thức tiến hành từ trung tuần tháng 8. Như vậy, các tiết học vẫn được tiến hành theo phân phối chương trình cũ, trong khi có không ít bài ở một số môn học nằm ở phần đầu chương trình lại thuộc phạm vi hướng dẫn điều chỉnh. Đây cũng là thời điểm học sinh và giáo viên ở các đơn vị trường học đang bận rộn với nhiều công việc cần làm đầu năm học mới như: ổn định nền nếp, tổ chức lớp trong học sinh, chuẩn bị cho lễ khai giảng…

 

Thời gian lấy ý kiển ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn có một tuần, rõ ràng đã ảnh hưởng tới sự cân nhắc kỹ lưỡng trong việc đưa ra những ý kiến xác đáng đóng góp cho bản dự thảo của Bộ GD&ĐT. Đó là chưa kể có rất nhiều giáo viên chua hề được tiếp cận với bản dự thảo để có thể đóng góp được ý kiến.

 

Với một chủ trương lớn như việc giảm tải chương trình sách giáo khoa, cần phải được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng. Nên chăng, Bộ GD&ĐT cần dành nhiều thời gian hơn để thu thập ý kiến rộng rãi trong dư luận, từ đó có thể huy động được trí tuệ tập thể của đội ngũ giáo viên các cấp trong cả nước.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, có 5 nhóm nội dung lớn được tiến hành giảm tải, bao gồm: Những kiến thức viết trong chương trình, sách giáo khoa để dạy học ở nhiều môn khác nhau; Những nội dung trùng lặp có ở lớp dưới và lớp trên do chưa lường hết hạn chế của cách xây dựng chương trình, sách giáo khoa theo nguyên tắc đồng tâm; Những câu hỏi, bài tập yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp với trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh; Rà soát, điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương; Những bài học trước đây sắp xếp chưa hợp lý nay sẽ được sắp xếp lại nhằm đảm bảo tính logic. Xét tổng thể, những nội dung điều chỉnh khái quát nêu trên là hợp lý.

 

Tuy nhiên, khi tiếp cận với các phương án giảm tải của từng bộ môn trong từng khối, lớp, bậc học cụ thể thì không ít giáo viên – những người “trong cuộc” đã chỉ ra nhiều điểm bất cập, không hợp lý trong các nội dung kiến thức thuộc phạm vi điều chỉnh. Chẳng hạn như: chưa mạnh dạn “đưa” những bài học có nội dung kiến thức quá khó so với mức độ tiếp nhận của học sinh ra khỏi chương trình; các đơn vị kiến thức giảm tải ở một số môn còn bị xé lẻ, mang tính vụn vặt.

 

Đối với môn Ngữ văn – môn học có vị trí quan trọng nhưng chất lượng dạy và học đang có nhiều “vấn đề” bởi một phần từ thái độ học tập thiếu tích cực của học sinh thì nhiều phần giảm tải trong nội dung điều chỉnh lại chưa thực sự hợp lý.

 

Ở chương trình Ngữ văn lớp 10, nội dung kiến thức được giảm tải hoặc chỉ lược bớt, hoặc chỉ chuyển sang phần tự học có hướng dẫn, thời lượng giảm tải không nhiều. Toàn bộ thời lượng cả năm học chương trình Ngữ văn lớp 11 có 123 tiết thì hướng dẫn giảm tải chỉ điều chỉnh giảm 5 bài, trong đó có bài chỉ điều chỉnh phần chú thích.

 

Đối với chương trình Ngữ văn 12, học sinh vốn chịu nhiều áp lực thi cử nhất nhưng nội dung giảm tải chỉ có bài “Nhân vật giao tiếp” thuộc phân môn Tiếng Việt (Trang 18, Sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập 2). Thời lượng để dạy học bài này trước đây là 2 tiết. Theo hướng dẫn giảm tải của Bộ GD&ĐT đã ban hành, bài này được chuyển sang hình thức dạy “tự học có hướng dẫn” với thời lượng nửa tiết. Như vậy, chương trình Ngữ văn 12 cơ bản với thời lượng cũ là 105 tiết /năm nay chỉ được điều chỉnh giảm 1,5 tiết. Như vậy, mang tiếng là giảm tải nhưng thực chất, kiến thức được điều chỉnh giảm là không đáng kể.

 

Chương trình sách giáo khoa phổ thông với nhiều đơn vị kiến thức quá nặng nề đã tạo ra áp lực lớn về học tập và thi cử cho học sinh. Do đó, chủ trương điều chỉnh giảm tải nội dung, chương trình sách giáo khoa là mong muốn của nhiều giáo viên, học sinh, các bậc phụ huynh và những người có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, mục tiêu giảm tải chỉ có ý nghĩa khi vừa đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện vừa tránh để học sinh phải tiếp nhận một khối lượng kiến thức lớn trong thời gian ngắn.

 

Tôi nghĩ rằng, với một chủ trương lớn như việc giảm tải chương trình sách giáo khoa, cần phải được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng. Nên chăng, Bộ GD&ĐT cần dành nhiều thời gian hơn để thu thập ý kiến rộng rãi trong dư luận, từ đó có thể huy động được trí tuệ tập thể của đội ngũ giáo viên các cấp trong cả nước. Cũng là để chuẩn bị tốt về mặt tâm thế cho giáo viên khi áp dụng những nội dung điều chỉnh giảm tải trong thực tiễn giảng dạy.

 

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An)

 

 

LTS Dân trí - Việc giảm tải nội dung chương trình sách giáo khoa đáp ứng đúng mong đợi của dư luận xã hội cũng như các thầy cô giáo và học sinh. Tuy nhiên công việc này chỉ được tiến hành có hiệu quả trên cơ sở có sự chuẩn bị chu đáo, tránh tình trạng cắt sén vụn vặt, thiếu quan điểm chủ đạo và chính kiến rõ ràng, vì thế không giảm tải đáng kể và khó đạt được kết quả mong đợi như bài viết trên đây đã nêu lên.

 

Việc giảm tải cần đạt được mục đích làm cho nội dung chương tinh giản hơn, cung cấp cho học sinh những kiến thức phổ thông thật sự cần thiết, tạo điều kiện cho thầy và trò đổi mới cách dạy và học có suy luận để học ít, nhưng hiểu kỹ và nhớ lâu những kiến thức cơ bản, cần thiết nhất. Muốn vậy cần rà soát lại mục tiêu giáo dục các bậc học phổ thông, trên quan điểm giảm tải triệt để và toàn diện, không để việc học trở thành nỗi khổ ải đối với số đông học sinh như hiện nay. Phải tạo cho các em niềm vui được đến trường và hứng thú được tham gia vào quá trình tìm tòi và khai phá những kiến thức mói mẻ, chứ không phải căng óc ra nhồi nhét đủ các loại kiến thức một cách thụ động nhu hiện nay.