Bạn đọc viết:

Giải pháp cho vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá ở Việt Nam

(Dân trí) - Giải quyết vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá VN giữa AVG và VFF (cũng như VPF), chúng ta cần phải xuất phát từ lợi ích của người hâm mộ bóng đá, đồng thời không thể bỏ qua chữ “tín” trong các hợp đồng đã ký kết, cũng như chữ “tín” trong cuộc sống

Giải pháp cho vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá ở Việt Nam - 1


Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet)

Vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá không phải đến bây giờ mới là vấn đề phức tạp, nan giải khi mà thời gian khởi tranh của giải Super League 2012 chỉ còn được tính bằng giờ. Việc chưa thể giải quyết vấn đề bản quyền truyền hình giữa VFF (Liên đoàn bóng đá VN), VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN) với AVG (Công ty cổ phần viễn thông và truyền thông An Viên) phản ánh rõ nhất sự phức tạp về vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam. Chúng ta cần tìm ra giải pháp cho vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá Việt nam giữa AVG với VFF (cũng như VPF) nói riêng cũng như vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá của các giải đấu quốc tế nói chung ở VN. Đó là mục đích của bài viết này.

Về vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam giữa AVG và VFF (cũng như VPF), để mọi người biết được diễn biến của sự việc xung quanh bản quyền truyền hình giữa VFF và AVG, tôi xin trích một đoạn trong bài viết: Bản quyền truyền hình hay chuyện “củi mục”, của tác giả Hoàng Huy, đăng trên Thể thao & Văn hóa, ngày 28/12/2011:

 “…Cho tới trước khi AVG xuất hiện cùng với bản hợp đồng bản quyền truyền hình bóng đá có thời hạn lên tới 20 năm cùng VFF, việc thương thảo giữa VFF với các đài truyền hình lớn để bán bản quyền V-League, giải hạng nhất hay Cúp QG chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng, mà lý do chủ yếu là vì bóng đá VN vẫn chưa phải là món ăn giải trí hấp dẫn trên truyền hình, nên nếu xét trên góc độ kinh doanh thì các nhà đài không mấy mặn mà. Bởi thế việc phát trực tiếp V-League và giải hạng nhất trên sóng truyền hình chỉ theo mục tiêu phục vụ là chính, và tiền bán bản quyền truyền hình bóng đá VN đến bây giờ vẫn chưa phải là một khoản thu đáng kể, cho dù là với VFF hay CLB. Do đó không ai ngạc nhiên khi VFF đã không quá khó khăn để nhận lời trước việc AVG đề nghị mua bản quyền phát sóng với thời hạn lên tới 20 năm và giá trị hợp đồng lũy tiến 10% theo từng năm.

 Vì đây là một bản hợp đồng kinh tế giữa một tổ chức xã hội nghề nghiệp là VFF và một doanh nghiệp tư nhân là AVG, nên chắc chắn không có quan hệ cấp trên, cấp dưới hay bất cứ một sự miễn cưỡng ép buộc nào, mà cơ sở duy nhất để VFF và AVG bắt tay nhau là tinh thần tự nguyện hợp tác giữa hai bên. Dông dài như thế để thấy là AVG không hề có lỗi trong việc ký hợp đồng bản quyền truyền hình với VFF trong thời hạn 20 năm, vì thực chất AVG chỉ là người đề nghị, còn chấp thuận hay từ chối phải là VFF, phải là các CLB…” ;

Và lời phát biểu của ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF, trong cuộc giao lưu trực tuyến trên báo Bóng đá điện tử vào ngày 3/10/2011: “Tôi khẳng định bản quyền truyền hình của V-League thuộc về VFF, giống như bản quyền World Cup thuộc về FIFA, bản quyền EURO thuộc về UEFA. Các CLB được chia 50% giá trị bản quyền là VFF quan tâm đến CLB. Trước đây, các CLB khó tìm tài trợ, người ta luôn hỏi có truyền hình trực tiếp không? Nếu không thì giá trị hợp đồng tài trợ rất thấp. Trước đây, số trận được truyền hình trực tiếp rất nhỏ nên rất khó có hợp đồng tài trợ lớn…”.

 Qua hai đoạn trích này, tôi xin được diễn giải như sau: trước đây việc bán bản quyền truyền hình bóng đá là rất khó khăn bởi vì người xem ít, việc tổ chức sản xuất để có được một trận bóng cho khán giả rất tốn kém nên ít đài truyền hình quan tâm. Do không được phát trực tiếp nên số quảng cáo cũng rất hạn chế. Trên cơ sở phân tích nhu cầu người hâm mộ, việc quảng cáo gắn liền với truyền hình trực tiếp, đồng thời cũng là đơn vị có tiềm lực kinh tế nên AVG đã đứng ra mua bản quyền truyền hình để tổ chức sản xuất và bán lại bản quyền cho các đài truyền hình khác.

 Điều độc đáo ở đây là AVG đã không lấy tiền của người hâm mộ mà chia đôi thời lượng quảng cáo của các đài truyền hình tiếp sóng trước, trong và sau trận đấu. Đây là một sáng tạo cực kỳ thú vị (sẽ được ứng dụng giải quyết vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá quốc tế chung ở VN) của AVG. Việc ký kết hợp đồng bản quyền truyền hình lên tới 20 năm chắc cũng do lo lắng việc thu hồi vốn (rất lớn mà AVG đã bỏ ra để sản xuất, truyền dẫn và mua bản quyền truyền hình..) của AVG. Đó cũng là điều bình thường của một doanh nghiệp, vấn đề quan trọng là VFF cũng đồng ý với thời gian đó của hợp đồng.

 Việc xem xét lại hợp đồng bản quyền truyền hình bóng đá VN xuất phát từ hai sự việc sau: thứ nhất, mặc dù sự quan tâm của người hâm mộ đối với bóng đá VN cũng chưa tăng được bao nhiêu nhưng do có truyền hình trực tiếp nên số lượng quảng cáo trên các đài truyền hình cũng tăng. Thứ hai, việc ra đời của VPF, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN. Chúng ta đều hiểu là VPF là một công ty ra đời kế thừa một phần trách nhiệm, nhiệm vụ của VFF, để tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp và hiệu quả, nhằm thúc đẩy bóng đá VN. Theo thông lệ luật pháp và thông lệ cuộc sống, một đơn vị, tổ chức ra đời thay thế chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức khác, thì đương nhiên sẽ phải tiếp thu toàn bộ di sản của tổ chức cũ để lại liên quan đến chức năng và nhiệm vụ mà mình gánh vác.

 Giải quyết vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá VN giữa AVG và VFF (cũng như VPF), chúng ta cần phải xuất phát từ lợi ích của người hâm mộ bóng đá, đồng thời không thể bỏ qua chữ “tín” trong các hợp đồng đã ký kết, cũng như chữ “tín” trong cuộc sống.. Bởi lẽ, ở Việt nam chữ “tín” chưa bao giờ được quan tâm đúng mức. Và cơ sở để đánh giá ai đó nói rằng, mình vì bóng đá VN, vì người hâm mộ chỉ cần xem xét họ giữ chữ “tín” như thế nào mà thôi. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta giữ nguyên hợp đồng bản quyền truyền hình bóng đá VN giữa AVG và VFF. Có điều, nếu đã thực sự quan tâm tới chữ “tín” thì VFF và VPF trong việc thảo luận và xem xét lại vấn đề bản quyền truyền hình với AVG, họ phải hiểu được họ ở thế đề nghị (thế yếu) và cần phải bảo đảm tôn trọng tối đa quyền lợi của AVG.

Trên tinh thần này, cá nhân tôi đề xuất một giải pháp, đề nghị các bên liên quan xem xét và tham khảo. Trước mắt, giữ nguyên hiệu lực bản hợp đồng đã ký kết giữa VFF và AVG trong mùa bóng Super League 2012. Đây là yêu cầu tối thiểu để chứng tỏ VFF và VPF tôn trọng hợp đồng VFF đã ký kết với AVG. Điều này cũng bảo đảm không có sự xáo trộn đáng tiếc đối với việc phát sóng phục vụ người hâm mộ trong khi hợp đồng mới được thương thảo. Thứ hai, mọi thương thảo về hợp đồng chỉ nên xoay quanh vấn đề về thời hạn của hợp đồng giữa VFF đã ký với AVG. Thời hạn của hợp đồng cần phải được tính toán một cách khác quan, bảo đảm để AVG phải hoàn được vốn đã đầu tư để khởi động thực hiện hợp đồng mà VFF và AVG đã ký kết. Điều này rất quan trọng bởi vì không thể để một doanh nghiệp lỗ vốn do sự “bất tín” của một cơ quan hay một cá nhân nào trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng. Vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá VN lúc này phụ thuộc rất nhiều vào VPF và cá nhân ông Nguyễn Đức Kiên.
 
Giải pháp cho vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá ở Việt Nam - 2


Ảnh minh họa (internet)

Hiện nay, rất nhiều người đã tỏ ra hoài nghi về động cơ của ông Kiên, và nguy hơn nữa, là động cơ của VPF. Không hoài nghi làm sao được khi VPF vừa ra đời, chưa làm được gì cho sự phát triển của bóng đá VN, đã thấy VPF sổ ngay hợp đồng của VFF, đơn vị vừa chuyển giao trách nhiệm và quyền hạn tổ chức hai giải bóng đá quốc gia. Nếu bây giờ có người hỏi ông Nguyễn Đức Kiên rằng: ông là chủ ngân hàng, nếu ông mua lại, hoặc sáp nhập một ngân hàng nào khác vào ngân hàng ACB của ông, khi sáp nhập (hoặc mua) xong, ông tuyên bố không trả các khoản nợ của ngân hàng cũ nữa thì mọi người sẽ nghĩ sao? Vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá quốc tế ở Việt Nam Đây là vấn đề rất nhức nhối của các đài truyền hình, của người hâm mộ Việt Nam. Việc độc quyền phát sóng trực tiếp các giải đấu bóng đá quốc tế ở VN hiện nay đã dẫn tới hai hệ lụy rất đáng tiếc:

Người hâm mộ không được xem một số giải đấu (điển hình nhất là một số trận đấu của giải bóng đá ngoại hạng Anh ngày chủ nhật do K+ độc quyền) và giá bản quyền truyền hình chắc chắn sẽ đắt hơn bởi chúng ta chưa biết cách giải quyết vấn đề bản quyền truyền hình. Vậy làm thế nào để người hâm mộ được xem các giải đấu bóng đá trực tiếp mà giá bản quyền truyền hình phát sóng trực tiếp của VN không bị quá đắt do cạnh tranh trong việc mua bản quyền truyền hình, đồng thời các đài truyền hình đều cảm thấy thoái mái, không thắc mắc với đơn vị có bản quyền truyền hình trực tiếp? Dựa vào sáng tạo của AVG trong việc bán bản quyền phát sóng cho các đài truyền hình khác mà không thu tiền của người hâm mộ, bằng cách chia sóng quảng cáo của đài truyền hình đã phát sóng trước, trong và sau mỗi trận đấu. Chúng ta (bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ quản) cần tổ chức đấu thầu dựa vào tỉ lệ chia sóng quảng cáo để tìm ra đài truyền hình đại diện cho Việt Nam đi ký kết mua hợp đồng bản quyền truyền hình các giải đấu bóng đá quốc tế.

 Điều này có nghĩa là, các đài truyền hình tham gia đấu thầu bằng việc cam kết, nếu được trúng thầu sẽ đi mua bản quyền truyền hình phát sóng trực tiếp một giải đấu bóng đá và cho các đài truyền hình khác được phát sóng với cái giá là tỉ lệ chia sóng quảng cáo trước, trong và sau mỗi trận đấu. Ví dụ: có một giải bóng đá A nào đó, tất cả các đài truyền hình đều được tham gia đấu thầu. Giả sử VTC sẽ bỏ tiền ra mua bản quyền truyền hình giải đấu A đó và cho phép các đài truyền hình khác phát lại với giá là 60% thời lượng quảng cáo của các đài truyền hình trước, trong và sau mỗi trận đấu. VTV đưa ra tỉ lệ là 55% thời lượng quảng cáo; AVG là 51%, và một đài truyền hình khác là 45%. Tất cả là do tính toán kinh tế của các đài truyền hình, được đấu thầu và bỏ phiếu kín. Kết quả là đài truyền hình nào ra giá thấp nhất, tức số % thời lượng quảng cáo thấp nhất đối với các đài tiếp sóng , sẽ thắng thầu và đại diện cho Việt Nam đi mua bản quyền của giải đấu đó.

Cần lưu ý là với mỗi giải đấu cần một cuộc đấu thầu chứ không phải một cuộc đấu thầu sẽ được mua bản quyền nhiều giải đấu. Nếu thực hiện được điều này thì chắc chắn người hâm mộ luôn được xem miễn phí các giải đấu trực tiếp. Và đài truyền hình nào trúng thầu, được đi mua bản quyền truyền hình trực tiếp cũng sẽ không bị ép giá do cạnh tranh nữa.

Trên đây là giải pháp cho vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá ở Việt Nam. Nếu độc giả thấy đó là giải pháp hợp lý, hiệu quả, có thể thực hiện được xin hãy ủng hộ một cách tích cực, thiết thực bằng cách đăng bài viết này và gửi tới các cơ quan đơn vị hữu trách. Xin chân thành cảm ơn!

                                                                                                                          Trần Bình