Đường sắt Bắc – Nam: Dân chọn phương án B2
(Dân trí) - Nhạy cảm và cả tỏ ra khá nhạy bén với những vấn đề liên quan tới giao thông, dư luận lập tức bày tỏ nhiều ý kiến nghiêng về phương án có tầm nhìn xa hơn theo báo cáo cuối cùng của JICA về xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc-Nam.
Liệu cơm gắp mắm
Trong tình cảnh tai nạn giao thông đường bộ của VN vẫn đang ở mức báo động đỏ như hiện nay, đường sắt là lựa chọn an toàn hơn với nhiều người dân. Nhưng thời hiện đại thời gian càng là vàng, là bạc nên việc nâng cấp, rút ngắn thời gian chạy tàu là điểm chung quan trọng nhất giữa nhu cầu thực tế với đánh giá của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Bởi thế mục tiêu rút ngắn thời gian tàu chạy xuống còn 25,4 giờ theo phương án A2 cải tạo tuyến đường đơn hiện có, cũng được một số ý kiến đồng tình:
“Đầu tư cho đường sắt là cần thiết và cấp bách vì thực sự hạ tầng đường sắt của VN quá lạc hậu. Cứ mỗi dịp lễ tết là quá tải, đi lại khổ cực. Chỉ có điều ngân sách hạn hẹp thì phải căn cơ, quan trọng nhất là chống tham nhũng lãng phí. Nếu đầu tư có nhiều một chút mà đi từ Hà Nội vào TPHCM chỉ trong vòng 1 ngày thì tôi tin người dân sẽ ủng hộ” - Thanh Tùng: yellowpine@gmail.com
“Tương lai phải có đường sắt cao tốc là tất yếu, còn hiện tại thì theo phương án A2 là khá hợp lý - cả về tiền bạc cũng như trình độ công nghệ VN hiện thời. Ngay như Mỹ tốc độ tối đa của tàu lửa cũng chỉ tầm 150km/h - bằng 1/2 so với hầu hết các nước có hệ thống đường sắt cao tốc như Nhật, Hàn, Pháp, Đức... Chúng ta chỉ nên bắt đầu xây dựng đường sắt cao tốc khi VN có khả năng nội địa hóa được tầm 70%, như vậy mới phù hợp với khả năng tài chính. Hiện tại nên triển khai phương án A2 càng sớm càng tốt để tạo động lực phát triển kinh tế” - Binh_tranph: binh_tranph@yahoo.com
"… Tôi đồng ý với phương án A2. Để phục vụ trước mắt ta tu sửa nâng cấp hệ thống đường sắt cũ. Song song với nó ta xây dựng tuyến đường sắt cao tốc để phục vụ tương lai, tiến độ đầu tư phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước. Giao thông đường sắt cao tốc là loại hình giao thông rẻ nhất, an toàn nhất. Tất cả các nước tiên tiến trên thế giới đều sử dụng nó…” - Trần Đình Hiệp: dinhhieptb@gmail.com
“Nếu thực hiện phương án A1-A2 hoặc B1, để nguyên đường ray 1m thì chẳng khác gì 100 năm trước. Đường khổ rộng 1m không bao giờ cải thiện được tốc độ, độ ổn định kém, ồn, toa tàu không thể nâng cấp tiện nghi phục vụ. Phương án B2 thì quá tốn kém vì đường đôi, khổ rộng. Tại sao các nhà hoạch định không nghĩ đến làm đường đơn khổ 1m 435 sẽ tăng được tốc độ chạy tàu, độ ổn định cao nên an toàn? Các nhà đầu tư nên sang Nga tham quan học hỏi, họ có những cung đường không được điện khí hóa, chạy đường đơn khổ rộng nhưng vẫn thật tuyệt vời” - Ang Ba: bahoai1985@mail.ru
“Ai chẳng muốn làm cho hoành tráng nhưng mà tiền đâu để mà làm, làm để cho ai đi trong khi đại đa số dân còn ăn chưa no, thiên tai liên miên… Rồi đến một lúc nào đó thế hệ này già đi, thế hệ con cháu phải bán nhà đi trả nợ thay ta đấy. Hãy sống theo đúng với những gì VN có chứ đừng có cứ muốn theo phong cách Âu Mỹ...” - Quannguyenba99: quannguyenba99@gmail.com
Tiết kiệm bằng đầu tư đúng
Nhắc lại điều vừa được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, khá nhiều người dân cũng cho rằng: đầu tư tiết kiệm hơn là phải sao cho vừa không lạc hậu với hiện tại, vừa hướng tới tương lai. Tốn kém một lần có thể nhiều hơn, nhưng vẫn tiết kiệm hơn so với phải đầu tư đi, đầu tư lại:
“Nếu tầm nhìn chiến lược, tôi chọn phương án B2 để khỏi lạc hậu với giai đoạn phát triển chuyển tiếp” - Lê Hải Yến: lehaiyenbt@yahoo.com
“Ủng hộ phương án B2 vì không đâu còn dùng cái đường sắt khổ 1m lỗi thời nữa. Trong khi theo phương án vẫn khổ 1m thì đầu tư cũng mất cả chục tỷ USD chứ ít gì. Vấn đề là phương án B2 và nghiên cứu bài toán gián đoạn giao thông trong lúc thi công sao cho ngắn nhất, ít ảnh hưởng nhất” – Le Minh Luc: luc.leminh@gmail.com
“Phương án tốt nhất là B2, nhưng nếu nhiều hạn chế quá thì nên chọn B1. Với hệ thống xây dựng lần đầu tiên như thế này, tốt nhất nên chọn phương án vừa phải và sử dụng điều kiện sẵn có. Quan trọng nhất là hệ thống hoạt động ổn định lâu dài chứ, không nhất thiết phải hiện đại nhất” - Nga: thaithanhnga@gmail.com
“Không thể dùng đường bộ và hàng không thay đường sắt được. Nếu thay được, các nước người ta đã thay rồi. Nước ta vừa dài vừa hẹp, giao thông đường sắt là hợp lý về kinh tế và đại chúng cho toàn dân. Phải phát triển đường sắt nhưng đường sắt không thể làm đi làm lại được, nên cân nhắc làm một lần cho tốt. Không thể trên một dải đất hẹp có hai đường tàu chạy song song. Quốc hội nên bàn và người đứng đầu Quốc gia nên dám quyết làm và chỉ nên làm theo phương án B2, khổ đường 1.435 mm đạt tốc độ 150 km/h. Đường đó nếu cần có thể cải tạo thành đường cao tốc sau này” - Đàm Thanh: Thanhdam110@gmail.com
“Địa hình địa lý nước ta hơi phức tạp, mùa mưa bão nhiều, năm nào cũng có hơn 10 trận bão và lụt lội, đường sá sạt lở, giao thông ách tắc. Tốc độ tàu hiện nay đi chậm, không an toàn, không phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu của xã hội và hòa nhập với khu vực...Vì vậy theo chiều hướng phát triển của đất nước ta, xây dựng đường sắt đôi khổ 1m 435 là hợp lý nhất. Làm từng đoạn một, xong đến đâu khai thác đến đấy. Khoảng 120km/h là OK rồi, đâu cần phải cao tốc làm gì. Miễn là an toàn, tăng chuyến, rút ngắn được thời gian đi lại. Nhân dân ai mà chẳng tán thành, đúng không bà con ơi! Tết sắp đến nơi rồi, năm nào cũng thế lại phải đi xếp hàng chờ đợi đăng ký mua vé tàu làm giàu cho… phe vé và tham nhũng. Rồi chen chúc, trộm cắp móc túi lộng hành, chỉ có dân nghèo là khổ mãi thôi!” - Phạm Minh Anh: minhanhducky@yahoo.com
“Rất vui nếu VN có đường sắt cao tốc Bắc - Nam.Theo mình mỗi đất nước khác nhau thì nên xây dựng đất nước theo chiến lược khác nhau tùy vào điều kiện kinh tế, địa lý... của từng nước. Một nước có địa lý ba miền đất nước như chuỗi đường thẳng như nước ta, muốn gắn kết chuỗi thẳng đó thì sao? Đương nhiên khoảng cách địa lý là trở ngại lớn nhất mà ai cũng quan tâm, từ Bắc vào Nam hay từ Nam ra Bắc cũng thế. Vậy mong nhà nước sớm làm tuyến đường cao tốc để nhân dân ba miền có thể đi đến với nhau được nhanh nhất” - Vũ Thường Trường: vuthuongtruong@gmail.com
“Theo ý kiến cá nhân tôi, cần có tầm nhìn rộng ra cả hơn 100 năm sau nữa, nên là đường sắt khổ 1m435 cái này thế giới đã làm rồi. Và tầm nhìn ra xa hơn là có thể có đường sắt xuyên Đông Nam Á hay sang Trung Quốc. Ở châu Âu việc đi lại giữa các nước trong liên minh EU bằng đường sắt cao tốc đã có từ lâu rồi. Nếu đã tính phương án đầu tư thì nên đầu tư một lần mà sử dụng được lâu dài, còn hơn là cứ đào, bới, xúc, tu sửa, khắc phục.... MỆT MỎI LẮM!” - Nguyen Minh Tuan: tuan.nguyenminhvms@gmail.com
“Rất nên làm theo phương án B2, nhưng đầu tư dần dần, từng đoạn có khả năng thu hồi vốn cao như HN-Vinh, TPHCM-Nha Trang trước. Đất nước muốn hiện đại phải có đường sắt hiện đại, các nước phát triển đều vậy cả, không có gì phải băn khoăn. Chứ cứ để tình trạng GTĐB như hiện nay nhiều chặng đường hạn chế tốc độ còn có 50km/h, mỗi sáng ra VTV1 lại thông báo có nhiều người chết và bị thương vì tai nạn, thật tang thương! Cũng chẳng cần đường sắt siêu tốc làm gì, chỉ cần điện khí hóa với tốc độ khoảng 180 km/h là quá tuyệt vời, vì loại này còn chở được hàng hóa và thiết bị máy móc các loại. Hãy xem lại các phim tài liệu cuộc chiến tranh vệ quốc của Nga hồi đại chiến TG 2 mà xem, nếu Nga không có sẵn hệ thống đường sắt khá tốt thì làm sao vận chuyển được hàng vạn xe tăng, đại pháo, khí tài, lương thực ...về phía Tây để bảo vệ đất nước…” - Phan Cường: phankhanhcuongst@gmail.com
Kiều Anh