1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Trình phương án “co” thời gian chạy tàu Bắc - Nam còn 25 tiếng

(Dân trí) - JICA vừa có báo cáo cuối cùng gửi Bộ GTVT và Chính phủ về xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc-Nam với phân kỳ đầu tư trong 5-10 năm tới. Đường sắt hiện tại được đề xuất đầu tư 1,8 tỷ USD nâng cấp, rút ngắn thời gian chạy tàu chỉ còn hơn 25 tiếng.

Đây là kết quả nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) về tuyến đường sắt trục Bắc - Nam kéo dài từ tháng 5/2011 đến tháng 3/2013 được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đánh giá là công phu và bài bản.

Có 3 nội dung chính được JICA đề cập trong báo cáo cuối cùng (tháng 6/2013): Định hướng phát triển đường sắt trên trục Bắc - Nam; Các phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện có khổ 1.000 mm và xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc.

Kỳ vọng rút ngắn thời gian chạy tàu Bắc-Nam

Với đường sắt khổ 1m hiện tại, đoàn nghiên cứu JICA đề xuất và phân tích 4 phương án cải tạo, cụ thể:

Phương án A1: Đường đơn, không điện khí hóa, tốc độ chạy tàu lớn nhất 90 km/h, thời gian chạy tàu 29,1 giờ, khai thác 32 tàu/ngày đêm. Đây là phương án cải tạo đường sắt hiện hữu, tuy JICA không đưa ra chi phí nhưng theo tính toán của giới chuyên môn thì đầu tư cải tạo đường sắt hiện hữu tính từ năm 1999 đến nay rơi vào khoảng 500 triệu USD.

Phương án A2: Đường đơn, không điện khí hóa, tốc độ chạy tàu lớn nhất 90 km/h, thời gian chạy tàu 25,4 giờ, tuyến đường có năng lực khai thác là 50 tàu/ngày đêm. Chi phí đầu tư sau khi đã hoàn thành phương án A1 là 1,8 tỷ USD.

Phương án B1: Đường đôi khổ 1.000 mm, không điện khí hóa, tốc độ chạy tàu 120km/h, thời gian chạy tàu 15,6 giờ, năng lực khai thác 116 tàu/ngày đêm, chi phí 14,5 tỷ USD.

Phương án B2: Đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ chạy tàu tối đa 150 km/h; thời gian chạy tài 12,7 giờ, chi phí 27,7 tỷ USD.

Đường sắt cao tốc tại Nhật Bản (ảnh minh họa)

Đường sắt cao tốc tại Nhật Bản (ảnh minh họa)

Trong các phương án này, xét về yếu tố kỹ thuật và hiệu quả kinh tế thì JICA cho rằng phương án có tính khả thi nhất, được đánh giá cao nhất là A2. “Phương án này cho hiệu quả kinh tế cao nhất với tỷ suất nội hoàn vốn (EIRR) đạt 14%.” - JICA lý giải.

JICA khuyến nghị không nên theo phương án B2 - cải tạo khổ đường sắt 1.000 mm lên 1.435 mm do sẽ phải làm lại toàn bộ kết cấu nền đường; cầu - hầm dẫn tới đóng toàn bộ tuyến đường sắt quốc gia trong thời gian dài: “Việc nâng cấp tuyến đường sắt khổ 1.000 mm để chạy tàu cao tốc là không khả thi do chi phí đầu tư còn lớn hơn cả xây dựng một tuyến đường sắt mới”.

Về xây mới đường sắt Bắc Nam, JICA cho rằng với các dự án mở rộng, xây mới đường bộ cao tốc, hàng không thì từ nay tới năm 2030 trục Bắc Nam đáp ứng được nhu cầu vận tải mà không cần đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, JICA khuyến nghị, sau 2030 nếu không có đường sắt cao tốc sẽ dẫn tới ùn tắc và quá tải trên đường bộ, đường không. Đường sắt cao tốc là cách thức phù hợp nhất để thỏa mãn nhu cầu về dịch vụ vận tải khách tốc độ nhanh, chất lượng cao.

Sẽ có đường sắt cao tốc vào năm 2030

Trong báo cáo này, JICA nhận định với tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam giả định là 6%/năm thì thời điểm phù hợp để hoàn thành 1 trong 2 đoạn đường sắt cao tốc ưu tiên (Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang) là năm 2030.

Ước tính chi phí xây dựng đoạn tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh dài 284 km và sẽ khai thác từ năm 2036, đoạn cao tốc này có chi phí 10,2 tỷ USD với đơn giá 35 triệu USD/km. Đoạn tuyến HCM - Nha Trang có chiều dài 366 km, khai thác từ năm 2031, có chi phí 9,9 tỷ USD với đơn giá 27,1 triệu USD/km.

JICA cho biết, kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt mới khổ tiêu chuẩn được đề xuất trong báo cáo này là cơ sở để đưa ra nhiều phương án về tiêu chuẩn kỹ thuật cho các phương án vận tải và kết nối với đường sắt hiện hữu, tốc độ chạy tàu tối đa 160 km/h - 320 km/h.

Được biết, ngoại trừ sự khác biệt về việc lựa chọn đoạn thực nghiệm, VNR cơ bản thống nhất với các đề xuất của JICA đối với các nội dung “đặt hàng”.

Theo đó, nếu như JICA “chấm” đoạn Hà Nội - Phủ Lý (dài 40 km) cao điểm nhất trong số 3 đoạn thực nghiệm cao tốc thì VNR lại chọn đoạn sân bay Long Thành - Thủ Thiêm dài 30 km để đầu tư trước. Theo các chuyên gia, sự khác biệt này là không lớn bởi 2 đoạn này đều nằm trong kịch bản ưu tiên thử nghiệm của JICA.

VNR cho rằng, nếu xác định đường sắt là phương tiện chủ đạo về vận tải khách trên trục Bắc - Nam thì nên làm theo khuyến nghị của JICA. Cụ thể, VNR thống nhất nâng cấp tuyến đường sắt hiện có lên mức A2 và xây dựng mới một tuyến đường sắt cao tốc (chỉ chạy tàu khách) với phân kỳ đầu tư hợp lý, phù hợp với nguồn lực trong giai đoạn 5 - 10 năm tới cũng như xa hơn.

VNR cho rằng kết quả nghiên cứu của JICA phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011- 2012 và Điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm