Đừng nói không dùng tiền ngân sách là tiết kiệm!

Định mức xe công hầu hết chỉ giới hạn ở mức 1,1 tỉ đồng nhưng sao ra đường thấy nhiều xe biển xanh giá thị trường lên tới 8-10 tỉ đồng thế? Giá trị cao quá, vậy có đúng tiết kiệm chống lãng phí hay không?

Đừng nói không dùng tiền ngân sách là tiết kiệm! - 1

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội

Định mức xe công hầu hết chỉ giới hạn ở mức 1,1 tỉ đồng nhưng sao ra đường thấy nhiều xe biển xanh giá thị trường lên tới 8-10 tỉ đồng thế? Giá trị cao quá, vậy có đúng tiết kiệm chống lãng phí hay không? Đó là câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trong phiên Ủy ban TVQH thảo luận về Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Và hỏi, cũng là trả lời. Bởi trong mắt dân, những người đóng thuế - đó là những chiếc xe biển xanh rất đắt, rất sang, rất lãng phí.

Nhưng sự lãng phí không chỉ ở những chiếc xe công xa xỉ, sự lãng phí còn ở những chiếc vé máy bay hạng sang, ở những chuyến công du học tập kinh nghiệm, ở cả các cuộc họp triền miên, và thậm chí là ở cả việc bắn pháo hoa nữa.

Bắn pháo hoa là ví dụ của chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi bà cho rằng, việc bắn nhiều quá cũng tốn kém tiền bạc của cải. Lãng phí, bởi dù là tiền của các nhà tài trợ, nhưng tiền đó lẽ ra dùng làm cầu đường nông thôn, hay giúp dân xóa đói giảm nghèo thì hiệu quả hơn. “Cứ nói không sử dụng ngân sách nhưng huy động của các tổ chức, cá nhân thì vẫn dùng nguồn lực xã hội, cũng vẫn là lãng phí. Đừng nói không dùng tiền ngân sách là tiết kiệm”- lời Chủ tịch Quốc hội.

Tại hội nghị trực tuyến với Chính phủ hôm 10.4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngân sách nhà nước năm nay sẽ giảm thu khoảng 140.000 - 150.000 tỉ đồng. Một trong những phương án để đảm bảo cơ cấu thu chi ngân sách, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, là phải tiết giảm các khoản chi không cần thiết.

Nếu cắt giảm được 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài thì riêng các cơ quan trung ương thôi đã tiết kiệm được đến 700 tỉ đồng. Các nguồn lực rất lớn đang được tập trung để chống dịch: 52.000 tỉ đồng cho công tác chống dịch, chưa kể mua sắm thiết bị vật tư y tế ở các địa phương. 62.000 tỉ đồng gói an sinh xã hội... Chưa kể các gói giãn thuế, cho vay hỗ trợ DN.

Tiền phải chi ra rất nhiều. Và vì thế, tiết kiệm, chống lãng phí, giờ đây cần phải được ban hành bằng những văn bản mang tính pháp lý với những định lượng cụ thể.

Bộ Tài chính đang thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có tốt không? Có. Rất tốt, mà một hình ảnh mang tính chất điển hình là những vị thứ trưởng đi làm bằng taxi, một điển hình gương mẫu trong việc thực hiện khoán xe công.

Nhưng suy cho cùng, với vai trò “tay hòm chìa khóa”, cái mà người dân cần là việc mạnh tay với những khoản chi vượt định mức, cần những quy định để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là việc mà các bộ ngành, địa phương phải làm như một nghĩa vụ, chứ không chỉ trông chờ vào sự tự giác. 

Theo Đào Tuấn

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm