Thu hồi xe máy cũ nát:

Đừng lấy "kế" mưu sinh "ngụy biện" cho hành vi vi phạm pháp luật!

(Dân trí) - "Mưu sinh có quan trọng bằng mạng sống? còn người còn của, người mất rồi của để làm gì? Mong các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý triệt để vấn nạn xe cũ, biết bao vụ tai nạn đã và đang xảy ra rồi"

Đó là ý kiến của đại đa số bạn đọc về chủ trương xử lý, thu hồi xe máy cũ nát trong chiến dịch ra quân lần này của Công an TP.HCM.

Việc yêu cầu thu hồi xe máy cũ đã từng được đề cập nhiều năm qua, nhưng đến nay, việc thực hiện vẫn dường như bế tắc bởi trên thực tế, phần lớn xe cũ nát hiện nay đều thuộc về sở hữu của người có thu nhập thấp, người nghèo. Đối với họ, đây không chỉ là phương tiện tham gia giao thông mà còn là sinh kế, là "cần câu cơm" hàng ngày nuôi sống gia đình.

Đừng lấy kế mưu sinh ngụy biện cho hành vi vi phạm pháp luật! - 1
Xe cũ nát vẫn lưu thông nhiều trên đường phố Hà Nội.

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, báo cáo việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải của phương tiện giao thông, yêu cầu Hà Nội, TP.HCM thu hồi, loại bỏ xe cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn; Bộ TN&MT đã gửi văn bản 7442/BTNMT-TCMT tới các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.

Trong đó, đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, Bộ TN&MT yêu cầu đẩy nhanh các giải pháp đồng bộ như phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải và đặc biệt phải thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố.

Vấn đề này đã trở nên nóng dần tại những diễn đàn bạn đọc tuần qua, đại đa số ý kiến đồng tình với việc phải thu hồi xe cũ nát, bởi đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường; cũng có nhiều quan điểm cho rằng người chạy xe cũ nát thì độ "cà chớn", ý thức giao thông cũng kém hơn. Một số ít cho rằng đây là vấn đề "động chạm" đến nồi cơm của người nghèo, và hai chữ "mưu sinh" lại được đưa ra làm bình phong, che đỡ cho những hành vi phạm luật.

 "Pháp luật không phân biệt giàu nghèo, đó là sự công bằng cho mọi công dân, vi phạm thì phải bị xử lý!"

"Tôi rất thương người nghèo và hay giúp họ trong khả năng. Tuy nhiên với vấn đề xe cũ nát mà người ta gọi là xe thây ma này, tôi ủng hộ ý kiến tịch thu để hủy, vì chúng đã hết hạn sử dụng, nếu cố dùng sẽ gây nguy hiểm cho cả chủ xe lẫn cộng đồng. Dù chủ xe là người nghèo nhưng nghèo không có nghĩa là được quyền vi phạm các quy định của pháp luật, không phải cứ nghèo là được thông cảm, làm sai không bị phạt hay xử lý. Pháp luật không phân biệt giàu nghèo. Thương người nghèo, hãy hỗ trợ họ theo cách khác chứ đừng khuyến khích hay dung túng họ đứng ngoài pháp luật, thật ra như vậy là làm hại họ và không tôn trọng họ";

"Pháp luật vốn không phân biệt giàu, nghèo, đó là sự công bằng cho mọi công dân, vi phạm thì phải bị xử lý, có như vậy người dân ra đường mới an toàn, mọi sự biện minh vì nghèo, vì phải kiếm cơm là ngụy biện vì biết vi phạm nhưng vẫn cố tình, pháp luật phải được thực thi có như vậy đất nước mới phát triển tiến lên. Ủng hộ chủ trương đúng đắn của Thủ tướng Chính phủ";

Chủ xe cà tàng chưa chắc đã nghèo! Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc, bởi "Chủ thực sự của những phương tiện giao thông này lại là những người có điều kiện khá giả, là những ông bà chủ của của hàng gas, quán cơm, cửa hàng vật liệu xây dựng. Họ cố tình mua những chiếc xe này về để cho nhân viên vận chuyển hàng, nếu có xảy ra tai nạn hay bị phạt thì có thể sẵn sàng "bỏ của, thoát tội". Tôi nhất trí cao với việc tổng rà soát để tiến tới thu hồi, loại bỏ xe cũ nát để bảo đảm an toàn giao thông tốt hơn, ô nhiễm do giao thông tốt hơn, ý thức tham gia giao thông tốt hơn";

 "Không thể dựa vào cái cớ người nghèo và người có thu nhập thấp để biện minh cho việc không xử lý các xe gắn máy quá đát, bởi vì hầu hết những xe cũ nát được các chủ cơ sở hoặc người chuyên hành nghề chở hàng mua lại với giá bèo rồi "độ" lại để "cày" chở hàng cho tiện.

Còn những người chạy xe cũ nát để sinh sống họ dư sức có một chiếc xe gắn máy tươm tất, thậm chí là xe có giá trị cao để sinh hoạt, giao tiếp hay ngao du trên đường phố. Chỉ cần CSGT ra quân kiểm tra, xử phạt vài lỗi đối với người và phương tiện như: bằng lái, chủ quyền xe, đèn, còi, thắng, thay đổi kết cấu xe... thì chắc chắn họ sẽ không ngần ngại bỏ xe, vì tiền phạt có khi lại nhiều hơn tiền mua một chiếc xe máy khác chỉ cỡ 1, 2 triệu đồng.

Chỉ cần vài tháng thì đường phố sẽ chắn chắn vắng bóng xe cũ nát trên đường thôi mà. Luật pháp phải công bằng, không thể vì lợi ích của số ít mà ảnh hưởng xấu đến cái chung của toàn xã hội";

Đừng lấy kế mưu sinh ngụy biện cho hành vi vi phạm pháp luật! - 2

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội (ảnh: Thế Kha).

 "Cần dẹp gấp loại xe này, cần thực hiện thường xuyên chứ không chờ có chiến dịch mới làm. Mấy xe này là mối nguy cho an toàn giao thông vì nó được tận dụng để chở hàng cồng kềnh, đi như vua mặc định xe khác phải nhường đường. Không thể vin vào lý do mưu sinh hay khó khăn mà du di cho mấy trường hợp này mà gây ảnh hưởng đến an toàn của đại đa số người tham gia giao thông khác";

 "Người chạy các phương tiện này xác định là không đem theo giấy tờ bằng lái, nơi ở nhiều khi không ổn định nữa. Khi bị tịch thu xe thì họ sẵn sàng bỏ luôn vì xe cũ chẳng tiếc, vì vậy việc tịch thu tiêu hủy là cần thiết để an toàn cho người sử dụng và người tham gia giao thông";

 "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc ra quân của CSGT, thu dẹp xe cũ nát được sử dụng hàng ngày và đó cũng là mối nguy hiểm đang rình rập từng ngày với mỗi chúng ta. Hãy để người dân bớt đi nỗi lo lắng khi di chuyển trên đường cũng là góp phần đem lại sự an toàn cho xã hội bởi hiện nay ngoài những loại xe này có thêm cả cánh chạy xe công nghệ cũng lấy 2 chữ " mưu sinh" rồi chạy ẩu, vi phạm luật giao thông, có khi còn rất hung hãn,côn đồ... Cứ xử lý theo đúng qui định pháp luật để bảo vệ cho những người chấp hành đúng qui định pháp luật, khỏi ấm ức. Đó mới là thượng tôn pháp luật!";

"Mưu sinh có bằng mạng sống? còn người còn của, người mất rồi của để làm gì? Mong các cơ quan chức năng phải mạnh tay xử lý triệt để vấn nạn xe cũ, biết bao vụ tai nạn đã và đang xảy ra rồi".

Đừng lấy kế mưu sinh ngụy biện cho hành vi vi phạm pháp luật! - 3
Các xe máy cũ nát bị Đội CSGT An Sương, TP.Hồ Chí Minh tạm giữ (ảnh: Hoàng Thuận).

Không chỉ phản đối, nhiều bạn đọc đưa ra những góp ý rất thiết thực:

"Nhà nước giải quyết hỗ trợ kinh phí mua xe mới một lần/người/tổng số người (không có điều kiện kinh tế) tham gia giao thông cả nước. Sau đó sẽ dán tem kiểm định chất lượng và các hình thức phạt bổ sung sẽ được thực hiện với loại xe này nếu xảy ra. Phí môi trường thu qua xăng được sử dụng hỗ trợ người dân vào việc đánh giá kiểm định xe và cấp tem";

"Tôi nghĩ nên có phương án lâu dài, Cục CSGT nên có Bộ Dữ liệu về đăng ký xe thống nhất trên toàn quốc:

Thứ nhất, bắt đầu từ các xe được cấp biển 5 số, sau đó bắt buộc các xe biển cũ đổi sang biển mới hết (miễn phí đổi) trong khoảng thời gian 2-3 năm, khi đó sẽ lọc được 80% xe cũ nát (thường không giấy tờ hay xe gian)

Thứ hai, khi bị mất trộm hay cầm cố quá hạn bị bán hay bán xe mà người mua không làm thủ tục sang tên thì người bán sẽ báo với CSGT để "ghi sổ bìa đen";

Sau đó cấp cho các CSGT một thiết bị cầm tay hay cài app trên điện thoại, khi kiểm tra thì chỉ cần nhập số xe là sẽ ra thông tin".

"Có thể khẳng định rằng cho đến hôm nay số gia đình còn phải sử dụng những chiếc xe cũ kĩ đó rất ít. Đa phần họ chạy xe đó để né bị phạt là chính. Vì vậy, cần phải mạnh dạn thực hiện chứ cứ lừng khừng thế này thì bao giờ mới thực hiện được. Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng đến những gia đình nghèo thực sự, các cơ quan quản lý phối hợp với chính quyền địa phương điều tra để tìm ra những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thực sự để hỗ trợ cho họ có chiếc xe máy đủ tiêu chuẩn lưu thông. Làm được như vậy sẽ thực hiện được chính sách và không ảnh hưởng tới các gia đình khó khăn".

Ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào? Hãy chia sẻ ở khung bình luận bên dưới nhé!