Bạn đọc viết

Đừng làm vẩn đục truyền thống tôn sư trọng đạo

(Dân trí) - Mong rằng dịp 20/11 năm nay mỗi người hãy thể thiện lòng tôn vinh, sự tri ân các thầy cô giáo của mình bằng chính với tấm lòng trân trọng thành kính, chứ không phải là sự toan tính, thiệt hơn

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Là người VN, hẳn ai chẳng thuộc câu: “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, vì thế đến ngày 20/11, khắp nơi lại bừng lên sự tri ân của học trò để thầy cô yêu nghề hơn. Thế nhưng gần đây sự tri ân ấy lại mang cả sự tính toán thiệt hơn đang làm vẩn đục truyền thống tôn sư trọng đạo.

Điều làm không ít người phải băn khoăn suy nghĩ, bởi một thực trạng không thể phủ nhận là, có không ít phụ huynh và cả học sinh, sinh viên đã lợi dụng ngày này để toan tính, hơn thiệt. Một bộ phận không nhỏ trong xã hội coi đây là dịp để biến thành sự trao đổi, “mua chuộc” phục vụ cho mục đích không chính đáng của mình.

Việc này vô hình tạo ra ảnh hưởng không tốt đến nhận thức và suy nghĩ còn non nớt của các em học sinh. Rằng quà tặng mang ý nghĩa trân trọng gửi đến các thầy, cô giáo thật ra chỉ là một sự gửi gắm, đút lót, nịnh nọt. Rằng xã hội thời nay cũng thực dụng lắm, ngay cả nghề giáo, một nghề vốn được cả xã hội tôn vinh với những ý nghĩa tốt đẹp của nó, hóa ra cũng có cảnh “tiền trao cháo múc”, chút gì đó mang tính chất thương mại, trao đổi….

Cứ như thế tạo thành một “phong trào ngầm”, một cuộc chạy đua lôi kéo sự tham gia của chính các em nhỏ, bởi em nào cũng muốn bố mẹ mình mang những món quà to hơn, đắt giá hơn, để mong khi đến trường nhận lại sự quan tâm của thầy cô giáo.

Dẫu không phải thầy cô nào cũng xem nặng giá trị quà tặng. Số đông những nhà giáo tâm huyết, yêu nghề, điều họ mong mỏi nhất vẫn là sự trưởng thành của học trò. Mong muốn được học trò thể hiện yêu thương, nhớ đến mình là tình cảm tự nhiên nhất của con người và hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng chính những việc làm của các bậc phụ huynh khiến cho Ngày Nhà giáo đã bị sai lệch do những món quà thiên về vật chất nhiều hơn là tinh thần.

Mong rằng dịp 20/11 năm nay mỗi người hãy thể thiện lòng tôn vinh, sự tri ân các thầy cô giáo của mình bằng chính với tấm lòng trân trọng thành kính, chứ không phải là sự toan tính, thiệt hơn, làm vẩn đục truyền thống “tôn sư trọng đạo” vốn được người Việt ta gìn giữ lưu truyền bao đời.

Minh Tư-mtu.tdh@moet.edu.vn