Đừng để con trẻ mất niềm tin!

(Dân trí) - Nguyễn Đăng Thuận: thuan10373@gmail.com nhấn mạnh thông điệp: “Đọc tin này mà tôi rơi nước mắt, thương cháu bé quá! Đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ sự việc, trả lại công bằng cho em. Đó là thế hệ tương lai của đất nước… đừng để con trẻ mất niềm tin!...”

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

Duy lý, duy tình
 

Lại một vụ việc gây phản cảm nữa vừa xảy ra hôm 10/4 tại 1 siêu thị sách ở thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai. Lại một lần nữa ý thức trách nhiệm trước cộng đồng thúc đẩy bao người dân cùng “vào cuộc”, góp thêm tiếng nói đấu tranh để những điều tốt đẹp phải được gìn giữ và phát huy. Cũng là nối thêm vòng tay lớn để tiếp tục đẩy lui “dòng chảy” tiêu cực cái xấu lấn át cái tốt vẫn hiện diện ở chỗ này chỗ khác trong xã hội hiện nay, mặc dù luôn bị phê phán và phản ứng mạnh mẽ.

 

Trước hết, đó là những kinh nghiệm từ trường đời có thể rất trái ngược nhau, nhưng qua đó ai cũng có thể rút ra những bài học cho riêng mình tùy theo cách cảm nhận và suy ngẫm…

 

“Cũng xảy ra trường hợp tương tự, nhưng siêu thị sách Phương Nam Q11- TP.HCM có cách giải quyết rất đáng phục. Khi phát hiện một học sinh (HS) dấu truyện trong áo để đem về nhà, anh nhân viên siêu thị đã mời riêng cháu bé ra một góc khuất và nhỏ nhẹ giải thích cho em này về hành động không đúng khi lấy đồ của người khác. Và anh nhân viên ấy còn nói: Sẽ rất vui khi cháu và các bạn đến đây ngồi đọc sách, các cô chú sẽ cho các cháu mượn sách đọc cả ngày. Sau lời khuyên của chú nhân viên, tôi thấy em HS rơm rớm nước mắt và cúi đầu xin lỗi với lời hứa sẽ không bao giờ lấy đồ của người khác nữa.

 

Theo dõi từ đầu sự việc, tôi cứ nghĩ mình sẽ can thiệp vào để trả tiền quyển sách cho cháu bé nếu anh nhân viên làm lớn chuyện. Nhưng không ngờ cách giải quyết ấy làm tôi thán phục và thầm cảm ơn sự tế nhị của người nhân viên đã hướng cho cậu HS một con đường đi đúng bằng chính bài học này. Tôi nghĩ Siêu thị Vĩ Yên nên cho nhân viên mình đến siêu thị Phương Nam Q11,TP.HCM để học cách đối xử với khách hàng nhỏ của mình” - Hoài Phương:  hoaiphuong@phuongvinh.com

 

“Tôi là người ngưỡng mộ đất nước Nhật Bản. Tôi đã tìm hiểu đất nước này và thấy rằng ngay từ thời xa xưa, ở Nhật Bản người ta đã rất ý thức trong việc giáo dục con người trung thực. Những người ăn cắp dù là một thứ đồ vật nho nhỏ, ít giá trị cũng đều bị lên án, bạn bè xa lánh và coi thường. Có thể chúng ta thấy như vậy là hơi quá đáng, nhưng chính nhờ sự nghiêm minh ấy mới có đất nước & con người Nhật Bản ngày nay như mọi người đã biết.

 

Tôi thấy VN chúng ta là một dân tộc duy tình, điều ấy có mặt tốt nhưng cũng có mặt không tốt. Bởi chính vì sự duy tình đó mà ta bỏ qua các nguyên tắc, vô hình trung điều đó lại nuôi dưỡng những điều sai trái. Chỉ khi nào chúng ta sống và làm việc theo nguyên tắc, theo lẽ phải và chấp nhận đau thương để loại bỏ những thói hư tật xấu thì mới mong thay đổi được đất nước con người VN theo hướng tích cực hơn được. Cá nhân tôi nghĩ vậy” - Nguyễn Vinh:  vinhph2007@gmail.com

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

Chuyện con trẻ, chuyện người lớn

 

Từ những suy nghĩ có thể gọi là về duy lý và duy tình như trên, ngẫm chuyện con trẻ cũng có thể rút ra được nhiều điều hơn về cách ứng xử của người lớn – những người đi trước có ảnh hưởng rất lớn tới các thế hệ tương lai:

 

“Trẻ con... thế nào là trẻ con? Nếu người lớn cứ nhồi nhét và mang cái bon chen tính toán, nhỏ nhen ích kỷ của mình trút lên đầu con trẻ, thì người lớn chúng ta cũng không bằng những đứa trẻ. Chưa dám quy cho ai đúng, ai sai, nhưng mỗi người lớn chúng ta đều nên tự xem xét lại chính bản thân mình,  từ lời nói tới hành động của mình với con trẻ. Anh bảo vệ có thể không có ác ý gì, nhưng sự vô tâm và hời hợt của anh lại làm thui chột một mầm non. Một chuyện đau lòng xảy ra, một điều không ai mong muốn đã xảy ra, nhưng chính nó cũng lại là hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta, “báo thức” cho chúng ta cần xem xét lại mình. Vì trong cuộc sống phức tạp này, trong xã hội này còn nhiều lắm lắm những chuyện tương tự như thế xảy ra và thậm chí còn tệ hơn nữa kia” - Nguyên Anh: ngocanh060113@gmail.com

 

“Nhiều người vào siêu thị mua đồ họ không có ý định trộm cắp gì cả, chẳng qua họ chưa biết mua rồi thanh toán chỗ nào vì nhiều lối ra vào. Tuy nhiên, việc bé gái cầm sách trên tay đi qua trước mặt bảo vệ mà lại bảo ăn cắp khi không hề có hành vi dấu giếm? Bảo vệ nếu được đào tạo cẩn thận, chắc đã yêu cầu và chỉ dẫn khách đến nơi thanh toán một cách lịch sự… Theo tôi, lỗi cũng tại chủ siêu thị không đào tạo văn hóa ứng xử cho nhân viên… Làm vậy gây tổn thương rất lớn đối với tâm lý trẻ!” – Hoang Dung:  hoangdung_b9@yahoo.com.vn

 

“Thật đau lòng cho em bé này quá! Khoan hãy nói đến chuyện em có hành vi trộm cắp hay không, mà chúng ta hãy nói về vấn đề hành xử của con người với đồng loại. Ham đọc truyện, ham học hỏi thì mới tìm sách và truyện mà đọc. Nhỡ ra vì con trẻ mà không có tiền, do nghèo mà nảy sinh tham lam quyển truyện, thì cũng nên tha thứ vì tình người, vì cuốn sách không giá trị như những của cải khác. Đằng này lại cư xử như vậy thật là quá đáng với em nhỏ này…  Buồn quá! Lỗi cỏn con mà xử sự đến thế kia ư? Ai chẳng có sai lầm?...” – Son Bac:  sonbac@rocketmail.com

 

Một lời nhắc nhở nữa cũng rất có ý nghĩa sau những câu chuyện buồn như thế:

 

“…Mọi người đều bảo vệ cô bé, nhưng đều là đến khi sự việc đã xảy ra. Thế có thể đã quá muộn vì từ đây số phận cô bé có lẽ đi theo chiều hướng không tốt? Tôi nói là có lẽ thôi, nhưng từ thực tế trên, tôi thấy hiểu biết về pháp luật của người dân ta nói chung còn rất sơ sài. Nếu hiểu biết pháp luật thì thử hỏi người bảo vệ kia có dám làm như vậy hay không? Chưa nói đến những người có mặt chứng kiến vụ việc ở đó. Chúng ta hãy tự xem lại mình, xem mình hiểu biết pháp luật được bao nhiêu? Mà chỉ riêng việc hiểu biết pháp luật là đã tự bảo vệ mình rồi…” - Do Quoc Toan: tnmtnghiahung@gmail.com

 
Tình trạng mất niềm tin luôn được nhắc tới trong rất nhiều bình luận của bạn đọc, làm sao đây để điều đó không lan sang cả các thế hệ tương lai nếu người lớn vẫn hành xử không đúng mức, không khác gì "những đứa trẻ mãi không lớn"...
 

Khánh Tùng