Đừng coi nông dân nghèo là … “chùm khế ngọt”?

Chẳng nhẽ, cán bộ xã sai phạm, còn cán bộ huyện không chịu trách nhiệm? Đã đến lúc không thể để các loại lợi ích nhóm, dù chỉ cấp xã, huyện kéo dài dài ở nông thôn kiểu này. Nó làm suy giảm lòng tin vào chính quyền cấp xã của nông dân.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Vẫn là “ăn không từ một thứ gì”

Việc chi tiền hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn trong 2 năm 2015-2016 vừa được thanh tra kết luận tổng sai phạm của các địa phương trong tỉnh Kiên Giang lên tới 14,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo TTO, hình thức kỷ luật đưa ra nặng nhất là khiển trách còn lại tất cả chỉ là rút kinh nghiệm!?

Hỗ trợ cho bà con nông dân gặp khó khăn là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, nhưng không ít nơi, cán bộ đã “mượn gió bẻ măng” và “ăn không từ một thứ gì”. Nó là những đòn chí mạng đánh vào lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước.

Từ chuyện gà, nhím “lạc” vào quan xã ở xã Quế An, Quế Long, huyện Quế Sơn, Quảng Nam, hay như bò cấp cho hộ nghèo ở huyện Phù Yên, Sơn La cũng đi “nhầm” vào nhà quan. Riêng ở bản Vạn, xã Tân Phong (huyện Phù Yên, Sơn La) có 11/38 hộ nghèo được cấp bò giống thì ngoài con trai ông trưởng công an xã, còn có nhà bí thư chi bộ bản, Phó xã đội trưởng, hộ có ô tô… Điều gây bức xúc cho dư luận là, trước câu hỏi của PV, tại sao nhà gỗ 2 tầng, vecni sáng choang mà vẫn nhận bò dành cho hộ nghèo, ông trưởng bản Đinh Văn Thực nói trơn tuột: “Tôi được hỗ trợ bởi tôi là người biết phấn đấu để thoát nghèo. Còn các hộ kia do không biết phấn đấu nên cứ nghèo mãi. Những hộ nghèo kéo dài như thế thì có hỗ trợ mãi cũng đến thế thôi”.

Nếu các trường hợp trên, các con vật chỉ đi “nhầm” vào nhà quan thôn, bản, quan xã thì ở Thanh Hóa, như Dân trí đã thông tin, dê giống giúp các hộ nghèo lại leo “nhầm” lên trang trại của Bí thư Huyện ủy Thạch Thành. Theo đó, trong chương trình thị ủy thị xã Bỉm Sơn hỗ trợ các hộ nghèo của huyện Thạch Thành 24 con dê, thì có đến 12 con leo nhầm vào nhà ông Đỗ Minh Quý, Bí thư huyện ủy Thạch Thành. Không chỉ là “ăn chặn” mà ăn mất hẳn một nửa của tất cả các hộ nông dân nghèo thì không còn đủ tư cách một người bình thường chứ đứng nói gì là… quan đứng đầu huyện.

Vì sao sợi dây rút kinh nghiệm kéo dài hết năm này sang năm khác?

Trở lại những sai phạm trong việc chi tiễn hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn ở Kiên Giang, điều đáng chú ý là, hầu hết các huyện của tỉnh này mắc phải sai phạm. Theo kết luận thanh tra, sai phạm ở đây có những nét điển hình ở nông thôn khi bị thiên tai: Kê khống diện tích, kê khống mức độ thiệt hại, lập danh sách khống, kê khai thiếu hàng chục nghìn hộ dân với diện tích hàng nghìn ha, nhận thừa tiền hỗ trợ trên 8,6 tỉ đồng…

Phải nói ngay rằng, ngân sách Nhà nước rất eo hẹp, những đồng tiền hỗ trợ cho nông dân cũng rất hạn chế, chỉ phần nào giảm bớt khó khăn cho bà con. Vậy mà một số quan xã, quan huyện vẫn tìm cách ăn chặn đủ các kiểu, nông dân không phẫn nộ với họ mới lạ.

Mặt khác, các huyện được yêu cầu phải báo cáo kết quả xử lý cho chủ tịch UBND tỉnh trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có kết luận thanh tra, nhưng đến tháng 8 này, gần hai tháng đã trôi qua, mới chỉ có huyện Giang Thành có báo cáo. Theo đó, kết quả xử lý kỷ luật hình thức nặng nhất dành cho chủ tịch, phó chủ tịch và hai công chức của xã Phú Lợi là khiển trách. Còn các cá nhân công tác tại các xã Vĩnh Điều, Phú Mỹ, Phòng NN&PTNT, Phòng Tài chính - kế hoạch huyện Giang Thành chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Dư luận không thể không đặt câu hỏi: Sao sợi dây rút kinh nghiệm cứ kéo dài lê thê mãi như vậy? Chẳng nhẽ, cán bộ xã sai phạm, còn cán bộ huyện không chịu trách nhiệm? Phải chăng, để né trách nhiệm của mình, lãnh đạo huyện phải xử nhẹ quan xã? Đã đến lúc không thể để các loại lợi ích nhóm, dù chỉ cấp xã, huyện tác oai, tác quái ở địa phương kiểu này. Chính những phi vụ tưởng rằng nho nhỏ này, nhưng nó làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin vào chính quyền cấp xã của nông dân.

Vương Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm