Đừng biến vịnh Hạ Long thành vịnh rác!

Mỗi ngày, hai công ty trúng thầu thu gom rác trên vịnh Hạ Long đem về đất liền từ 6 - 7 tấn rác, nhưng vừa vớt xong rác lại đầy vịnh. 6 tháng đầu năm, số lượng rác do 2 công ty thu gom được là 573 tấn, trong đó 220 tấn rác ven bờ và 354 tấn ngoài vịnh Hạ Long.

Đừng biến vịnh Hạ Long thành vịnh rác!  - 1

Đề tài thiết bị thu gom rác thải bãi biển, mặt nước chủa nhóm SV Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng được chọn trao giải trong cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học

Mỗi ngày, hai công ty trúng thầu thu gom rác trên vịnh Hạ Long đem về đất liền từ 6 - 7 tấn rác, nhưng vừa vớt xong rác lại đầy vịnh. 6 tháng đầu năm, số lượng rác do 2 công ty thu gom được là 573 tấn, trong đó 220 tấn rác ven bờ và 354 tấn ngoài vịnh Hạ Long.

Riêng Công ty Cổ phần cây xanh công viên Quảng Ninh - 20 tàu vớt rác của công ty hoạt động hết công suất, vớt 4 - 5 tấn rác mỗi ngày, nhưng rác lại đầy vịnh ngay như chưa hề được dọn vớt. Rác đâu nhiều vậy?

Nói cho nó nhanh là do con người xả ra, chẳng lẽ rác từ trên trời rơi xuống. Ngay cả các loại rác được cho là từ Cát Bà và Cẩm Phả dạt về thì cũng do con người ở đó xả ra.

Công nhân vớt rác làm cật lực nhưng không xuể, và cho dù có tăng cường thêm vài công ty thầu dọn rác, tăng nguồn tài chính chi cho việc vớt rác, thì cũng không xuể nếu như không cắt được nguồn đầu ra của rác. Như đã nói trên, nguồn là do con người xả.

Địa phương cần tổ chức các hoạt động dọn rác, thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức trong xã hội tham gia, qua đó thay đổi nhận thức của cộng đồng. Để thay đổi được nhận thức của cộng đồng, không phải làm theo phong trào, một hai bữa là xong, mà kiên trì, bền bỉ, làm thật, lãnh đạo tỉnh phải xem dọn rác là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh.

Hãy xem, tỉnh Thừa Thiên - Huế khởi động Chương trình “Chủ nhật xanh” đến nay đã hơn 6 tháng, thực hiện liên tục, chính quyền từ thành phố Huế đến các huyện, phường, xã đều tham gia triển khai chương trình, chưa kể rất nhiều nhóm, câu lạc bộ và các tổ chức khác.

Quảng Ninh cũng đã triển khai nhiều chương trình dọn rác, nhưng cần phải siết chặt hơn, làm tới nơi tới chốn. Nếu không thì không “chiến thắng” được giặc rác đang hoành hành, nguy hiểm nhất là rác đang bức tử vịnh Hạ Long.

Cắt nguồn rác xả ra môi trường, ngoài triển khai các chương trình dọn rác, dứt khoát phải tiến hành xử phạt. Luật có trong tay, không xử theo luật là trách nhiệm của chính quyền, là do chính quyền yếu kém.

Vịnh Hạ Long là của Việt Nam, nhưng là địa chỉ đến hấp dẫn của công dân toàn cầu, là nơi mà những người yêu thiên nhiên trên khắp thế giới hướng về với tấm lòng ngưỡng mộ. Không thể để rác tấn công vịnh đẹp có một không hai này. Rác tích tụ trong vịnh, biến Hạ Long thành vịnh rác, đây không chỉ là chuyện ô nhiễm môi trường bình thường, mà là ô nhiễm một Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Các nước mong có một báu vật thiên nhiên để chăm sóc, để giữ gìn và tự hào. Việt Nam có trong tay, thì không thể để báu vật bị hủy hoại.

Theo Lê Thanh Phong

Báo Lao động