Đừng biến thiệp hồng thành “công văn đòi nợ”
(Dân trí) - “Bắt đầu mùa cưới rồi nên làm nghiêm để các quan có chức có quyền và toàn dân thực hiện đúng quy định về ma chay hiếu hỷ” – độc giả Nguyễn Phúc Thuận từ Tuyên Quang nhắn gửi sau bài viết “Đằng sau một cánh… thiệp hồng!” của tác giả Bùi.
Từ cuối năm 2005 bản quy chế Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đối tượng điều chỉnh là mọi công dân, song nhấn mạnh cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sỹ trong các đơn vị lực lượng vũ trang... Vậy nhưng mấy ai đã thực hiện được đúng như quy định và nếu sai thì đơn vị nào xử lý?
(Minh họa: Ngọc Diệp)
NíckNongdan8X - Nam - 30 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh nêu thực trạng: “Quả thật ngày nay nhiều người nhận được thiệp hồng thường không thấy vui. Lạ thật đấy, họ thường hỏi nhau là tháng này “dính” mấy đám. Thật không thể hiểu được người Việt Nam. Còn trong vụ của bác này, nếu chức danh thuộc lĩnh vực khác đã là không chấp nhận được rồi. Đằng này lại là chức danh “phó trưởng ban phòng chống THAM NHŨNG”. Thật không thể hiểu nổi”.
Trong khi nickname Chàng trai của rừng - Nam - 28 tuổi - Từ Thanh Hóa lại chua chát: “Ông này làm thế thì lạc hậu quá rồi. 5 năm trước ở trên tận một huyện miền núi, người ta đã làm việc này rồi. Cũng ồn ào cả huyện nhưng lúc đó thông tin không lan nhanh được như bây giờ thôi. Tự dưng thấy có cái phong bì của cơ quan cấp trên (phong bì in sẵn dùng để gửi công văn) tưởng là cấp trên có chỉ thị gì, ai dè mở ra lại là thiệp mời đám cưới con của SẾP.
Nguyễn thị khuyên - Nữ - 29 tuổi - Từ Đắk Lắk bức xúc: “Tôi chẳng hiểu tại sao mọi người đều kêu lên về những cái “công văn đòi nợ” nhưng không ai dám chung tay xóa bỏ nó. Những công chức làm công ăn lương như chúng tôi, không có bổng lộc gì, một tháng hơn 5 triệu không đủ để ăn cưới. Tôi nghĩ chẳng qua chúng ta bỏ tiền ra để được một buổi lễ hoành tráng cuối cùng là “nuôi béo” mấy anh nhà hàng và làm khổ nhau. Cưới con tôi thì anh mặt méo nhận thiệp mời và đi dự, cưới con anh thì tôi cũng thế. Ngoài mấy anh nhà hàng còn có đối tượng hưởng lợi lớn từ việc tổ chức đám cưới linh đình cho con em mình. Không nói ai cũng biết tại sao rồi!”
Tương tự, Nguyễn Nam - Nam - 36 tuổi - Từ Hải Phòng cho rằng việc các quan làm trái quy định về nếp sống văn minh, tổ chức cưới xin, ma chay linh đình cũng là một hình thức tham nhũng. Vậy nên đã là tham nhũng thì phải bị xử thật nghiêm. Độc giả nàyđưa ra dẫn chứng cụ thể: “Vụ này mà ở Nhật chắc từ chức luôn ngày hôm sau rồi. Mấy bác bên chính quyền có lẽ nên học hai bác lãnh đạo bên Cục Điện ảnh, mặc dù điện ảnh VN kém thật nhưng thấy vẫn có văn hóa hơn, ít ra là hơn ông Phó ban này”.
Cùng quan điển nick Quảng ninh today - Nam - 60 tuổi - Từ Cần Thơ lên tiếng: “Đúng như các bạn nói, ở nước ngoài chỉ vạ miêng 1 câu thôi, cũng phải từ chức, nhưng ở ta không chỉ vạ miệng mà vạ cả tay cũng chẳng sao. Đám cưới này có lẽ chỉ là 1 trong số hàng ngàn việc. Làm Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng mà cư xử thế này thì liệu nói ai nghe, làm ai tin?
Còn Trần Nguyễn Việt Nga - Nam - 60 tuổi - Từ Cần Thơ rất đồng tình với bài viết của tác giả Bùi, bạn nàyviết: “Bài viết trên quá hay, tấm thiệp trở thành trát đòi của quan. Ông ấy mới chỉ phó ban ở cấp tỉnh. Nếu trưởng ban, hay chức cao cấp hơn, thì ông ấy có thể còn khủng bố táo tợn hơn, rộng rãi hơn. Có nơi xa phải đi máy bay, tàu hỏa đến ấy chứ. Nhưng kệ ông ta, vì cấp dưới có khi chỉ mong vậy để tạ ơn thì sao? vả lại, cũng chỉ moi của các quan chức khác, hoặc của các doanh nghiệp khác muốn lợi dụng lòng “tốt” của ông ấy trong làm ăn. Còn thường dân cũng chẳng bao giờ được dự đâu mà lo”.
Uyensan - Nam - 60 tuổi - Từ Cần Thơ ngao ngán: “Có gì lạ đâu khi tham nhũng vẫn là vấn nạn của xã hội không thể dẹp bỏ được. Nói thẳng ra đi làm công ăn lương thì làm sao xây được nhà lầu, mua được xe sang. Phải “khâm phục” trong cuộc sống này lại tồn tại những con người lại có mức độ trơ lỳ, lạm dụng chính chức quyền của mình để vụ lợi trắng trợn. Càng “nể phục” khi chính họ lại là những người trong ban lãnh đạo ban phòng chống tham nhũng”.
Le Tham Nhung - Nữ - 25 tuổi - Từ Hà Nội bày tỏ: “Mặt trái của xã hội ấy mà: Trong một xã hội thị có kẻ tốt và người xấu. Trong một lớp học thì có học sinh ngoan và học sinh hư đốn. Trong một tổ chức thì có người liêm chính và kẻ tham nhũng. Đừng để một người tham nhũng mà làm mất đi danh tiếng của Cần Thơ!
Bên cạnh đó Ninhgiang - Nam - 27 tuổi - Từ Cần Thơ nhận định chính con người đã làm biến tướng cả những điều thiêng liêng, bình dị nhất: “Mừng đám cưới hay Viếng đám ma là một tục lệ từ ngàn đời nay ở Việt nam. Mình cho là một nét văn hoá riêng và rất hay, dựa theo truyền thống lá lành đùm lá rách, đoàn kết giúp đỡ nhau của dân tộc ta. Nhà ai cũng phải có lúc có công có việc, và không phải ai cũng có đủ điều kiện giải quyết. Mừng hay phúng là để mỗi người góp nhặt nhau 1 chút thành 1 món tiền lớn giúp đỡ gia chủ. Và đến lượt nhà ai cũng thế, gia chủ sẽ bớt gánh lo và tình làng nghĩ xóm thêm đoàn kết. Chỉ có suỹ nghĩ của con ng ta biến tướng thôi”.
Nguyễn Hải Thành - Nam - 57 tuổi - Từ Quảng Ngãi chia sẻ: Từ câu chuyện này toio có 2 nỗi buồn:
- Buồn chung vì chuyện “kinh doanh đám cưới” đã quá phổ biến trong đời sống, khó có thể xóa bỏ được. Thôi thì mình buồn, mọi người cũng buồn. Đó là chút an ủi.
- Buồn riêng cho trình độ nhận thức của ông cán bộ cấp thành phố trung ương này quá kém. Vậy làm sao ông làm tốt công tác lãnh đạo được. Nhưng rồi ông cũng lãnh đạo thôi, vì rồi cũng “rút kinh nghiệm”.
Hiền Nga - Nam - 30 tuổi - Từ Hải Dương kết luận bằng một câu chuyện có thật: “Toàn người làm hư người thôi. Cánh thiệp hồng không có tội, cơ quan tôi có một vị sếp khi con gái ngoài 21 tuổi vừa mới có người yêu đã ép cưới không thì “mẹ sắp về hưu , cưới chạy hưu ấy mà” chẳng may cậu người yêu thấy ép cưới đâm hoảng bỏ của chậy lấy người. Đám cưới không diễn ra, thời gian trôi đi suy nghĩ thay đổi bây giờ cô con gái vị sêp ấy đã 27 tuổi vẫn chưa lấy chồng nhưng chẳng thấy vội”.
Trần Bách