Đằng sau một cánh… thiệp hồng!

(Dân trí) - Đám cưới con một vị ở Ban Phòng chống tham nhũng tỉnh Cần Thơ nghe nói rất linh đình. Báo chí đăng có cả trăm chiếc ô tô, khách ngồi kín cả hội trường có sức chứa 90 bàn (khoảng gần 1.000 người). Có doanh nghiệp quen biết sơ sơ cũng… mời dự.

Đằng sau một cánh… thiệp hồng! - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Ngày xưa, trên thiên đường có một nàng tiên nữ vô cùng kiều diễm. Trong một lần rong chơi nơi hạ giới, nàng đã phải lòng một hoàng tử đẹp trai và hai người quyết làm đám cưới, không quay trở lại thiên đường. Thượng đế tức giận bèn trừng phạt nàng bằng cách biến nàng thành chiếc thiệp hồng chuyên đi báo tin hạnh phúc. Từ đó, cánh giấy hồng có in hình hai chú chim bồ câu ngậm mỏ nhau bay trong bầu trời mơ ước và hai trái tim hồng hồi hộp đập luôn làm nhiệm vụ báo tin một thiêng liêng và trọng đại: Từ nay, trên thế gian này lại có thêm một đôi lứa nguyện gắn bó cả tâm hồn và thể xác…

Thế nhưng gần đây, cánh chim hồng hạnh phúc đang có nguy cơ trở thành “mối đe dọa”… toàn cầu! Cuộc trò chuyện của blogger Bùi với nàng tiên nữ giáng trần “Cánh thiệp hồng” như một chủ đề để cùng nhau bàn luận.

Xin chào bạn Thiệp hồng! Trước hết, xin được hỏi cô nàng xinh đẹp đến Việt Nam từ bao giờ vậy?

Một câu hỏi thật buồn. Tôi sinh ra ở đây, trên mảnh đất này, sao lại hỏi tôi đến từ đâu.

Thế ư? Mà tôi thấy có gì đáng buồn với câu hỏi đó đâu?

Buồn chứ. Rất buồn là đằng khác vì Bùi tiên sinh không hiểu về văn hóa của chính dân tộc mình. Từ xa xưa, tôi là miếng trầu têm cánh phượng để báo tin với họ mạc, dân làng trong mỗi ngày đại hỉ. Giờ đây, thay cho trầu cánh phượng, tôi là chiếc Thiệp hồng.

Từ trầu cánh phượng trở thành chiếc thiệp hồng là một niềm vui, sao lại buồn làm vậy?

Về hình thức thì vui nhưng về bản chất thì buồn, rất buồn. Ngày xưa, tôi mang đến cho người nhận niềm vui thì giờ đây, nhiều khi là một nỗi buồn khó nói…

Sao lại có sự thay đổi quan trọng về bản chất như vậy và vì sao khó nói?

Về bản chất, nếu trước kia thiệp hồng chỉ mang trên mình nó một nhiệm vụ là báo tin vui đến với mọi người thì giờ đây, nhiều khi nó như một “công văn” đòi nợ. Cay đắng hơn, nó như một cái “trát” nhưng lại núp dưới danh nghĩa nghĩa tình, kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc.

Tôi không nghĩ chuyện lại rắc rối đến như vậy?

Bởi vì lão không hiểu rằng người đời đã biến chúng tôi thành kẻ đi đòi nợ miệng và lễ vật cúng tế.
 
Sao lại “thành kẻ đòi nợ miệng”?

Đó là những món nợ không thể không trả. Ví dụ ngày cưới lão, tôi đến dự, giờ cưới tôi, lão cũng phải đến dự. Ngày trước, tôi “đi” lão phong bì 300 ngàn đồng, giờ trượt giá, lão “đi” lại 500 ngàn đồng… Tuy nhiên, những cái đó còn có thể bỏ qua nhưng biến chúng tôi thành “trát”, kiểu như “lệnh truy nã” thì quá sức chịu đựng.

Bạn có quá bức xúc chăng?

Tôi đã hơn một lần chứng kiến những điều mà không thể không bức xúc.

Những điều gì vậy?

Đó là khi họ lợi dụng ngày lễ tình yêu thiêng liêng để làm kinh tế. Đã có không ít vị có chức, có quyền quanh năm thu bổng lộc, hết lễ đến tết, đến ngày cưới của con mình vẫn tranh thủ. Họ mời hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thực khách dưới quyền, có liên quan hoặc cả không mấy liên quan không chỉ để phô trương mà còn là vụ kinh doanh thu về hàng tỉ đồng lợi nhuận sau đám cưới. Ngày xưa có cưới chạy tang (khi gia đình có người thân già yếu, sắp mất phải cưới “chạy” bởi sau đó, phải kiêng 3 năm) thì giờ đây, có cả cưới… chạy hưu.

Cưới chạy… hươu chứ?

Hươu nai cái gì. Cưới chạy về hưu. Đó là mấy bác có chức, có quyền nhưng sắp sửa nghỉ hưu, kiếm “canh bạc” vét. 

Nhắc chuyện này tôi mới nhớ ra. Báo chí đang ầm ĩ chuyện ông Phó Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng của một tỉnh ở ĐBSCL còn cho ghi rõ cả họ tên, chức danh lên thiệp cưới của con  mình. Hôn lễ nghe nói rất linh đình, hơn trăm chiếc ô tô, khách khứa ngồi kín cả hội trường có sức chứa 90 bàn (khoảng gần 1.000 người). Có doanh nghiệp quen biết sơ sơ cũng được…  mời. Chả hiểu ông ấy in cái chức danh Phó ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng lên đó để làm gì nhỉ? Lỡ người ta lại nghĩ rằng hay là ông ấy dọa, bắt  phải đến dự đám cưới con mình thì sao?

Ôi, thật thế thì xấu hổ quá vì lại mang thêm cái tên là “thiệp đe dọa, khủng bố” thì còn ra thể thống gì nữa?

Cậu cứ lo xa. Chắc bác ấy chỉ vô tình thôi…

Vô tình ư!!!? Thế tôi hỏi lão, liệu lão có bao giờ “vô tình” in trên thiệp cưới của con lão cái chức danh “Bùi Rửa Bát. Phó chi hội phụ huynh học sinh lớp 2E không???”

Không. Không… Ai lại ghi cái chức danh “phọt phẹt” ấy… Nhưng chắc bác ấy vô tình.

Không!

Vô tình.

Không…

Cuộc trò chuyện của lão Bùi với nàng tiên nữ Thiệp hồng bỗng dưng biến thành cuộc… cãi vã. Theo các bạn, sự biến tướng của tiên nữ Thiệp hồng do đâu và  bác Phó ban ấy, có vô tình không nhỉ?

Bùi