Du lịch Hạ Long – Chuyện ngăn sông cấm chợ không tin nổi

(Dân trí) - Lợi thế của từng vùng thì tỉnh có quyền khai thác lợi ích kinh tế một cách tốt nhất cho mình, nhưng không có nghĩa là “ngăn sông cấm chợ”, là bất chấp quyền lợi quốc gia.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Dư luận không khỏi sững sờ khi biết việc “ngăn sông cấm chợ” với các tàu du lịch muốn đưa khách theo đường biển từ Cát Bà sang vịnh Hạ Long. Có báo đã phải giật tít “Du khách từ Cát Bà thò mặt sang Hạ Long là bị đuổi?” Vâng, đây là chuyện có thật.

Cũng theo bài báo này, bà Bà Vũ Thị Thơm, hội trưởng Hội tàu du lịch Cát Bà (TP Hải Phòng) phải thốt lên: "Tôi không hiểu khi cùng một nước mà lại ngăn sông cấm chợ. Bây giờ khách đang đi Cát Bà và muốn tham quan cả Hạ Long, cho đi luôn chứ ai lại bắt họ vòng sang Quảng Ninh trong khi vé người ta vẫn phải mua."

Hậu quả xấu, rất xấu dồn tất cả vào du khách. Tham quan Cát Bà, du khách muốn cùng tàu đi luôn sang Vịnh Hạ Long là không thể được. Họ buộc phải lên bờ, vòng qua Quảng Ninh để ra vịnh. Là du khách trong nước, tôi cũng không thể chấp nhận được cách quản lý kiểu “phép vua thua lệ làng” này. Còn du khách nước ngoài, họ không chỉ nghĩ xấu về du lịch Việt Nam, mà còn quyền suy diễn cách làm việc manh mún, mạnh ai nấy làm, thiếu sự quản lý thống nhất của nhà nước. Đó là điều khó tránh khỏi.

Tôi chợt thêm hiểu, tại sao du khách đến Việt Nam vẫn rất khiêm tốn so với tiềm năng của mình. Chẳng đâu xa, du lịch ở Thái Lan đóng góp phần không nhỏ trong GDP của họ. Phần lớn du khách đã đến đều muốn quay trở lại, trong đó có rất nhiều du khách Việt Nam. Còn chúng ta thì ngược lại.

Vậy đâu là lý do của vụ việc khó thể hình dung này?

Điều đáng nói là, việc “ngăn sống cấm chợ” này chỉ mới xảy ra mấy năm gần đây, trước kia các tàu du lịch vẫn vô tư thông thương từ Cát Bà sang Vịnh Hạ Long và ngược lại.

Từ năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quyết định 4088 quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Theo đó, các doanh nghiệp ở địa phương khác muốn hoạt động du lịch ở địa bàn này phải có trụ sở chi nhánh và nộp thuế tại Quảng Ninh. Mục đích, để các cơ quan chức năng dễ quản lý, giám sát. Vậy, phải chăng có chi nhánh thì sẽ giám sát tốt hơn hay chỉ quản lý tốt hơn khoản đóng thuế cho địa phương?

Mặt khác, trả lời báo chí, ông Hồ Quang Huy - phó chủ tịch UBND TP Hạ Long – một mặt công nhận theo quy định, phương tiện ở địa phương nào, địa phương đó cấp đăng ký, đăng kiểm. Nhưng mặt khác, ông Huy cũng cho rằng: Tàu sang vịnh Hạ Long thì đoàn kiểm tra địa phương sẽ được phép kiểm tra, xử phạt nếu không đảm bảo các tiêu chuẩn.

Phải chăng đăng kiểm ở các địa phương khác khác tiêu chuẩn ở Quảng Ninh? Luật nào cho phép Quảng Ninh có quyền “được phép kiểm tra” kiểu như vậy? Phải nói thẳng rằng: Đó là “hàng rào kỹ thuật” chẳng giống ai, nhằm triệt các hãng du lịch ngoài tỉnh.

Và Quảng Ninh cần trả lời câu hỏi của dư luận: vịnh Hạ Long là của Quảng Ninh hay của Việt Nam? Do đó, không có lý do gì để phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư thuộc các tỉnh khác nhau tại VN. Cuối thế kỷ XX, chỉ cần một visa có thể đi qua được nhiều nước châu Âu, không lẽ gì, ở thế kỷ XXI, lại "ngăn sông cấm chợ" giữa các tỉnh của Việt Nam?

Tất nhiên, lợi thế của từng vùng thì tỉnh có quyền khai thác lợi ích kinh tế một cách tốt nhất cho mình, nhưng không có nghĩa là “ngăn sông cấm chợ”, là bất chấp quyền lợi quốc gia.

Vương Hà