Du lịch băng tuyết - tại sao không?
Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để vươn lên, đó mới là bản năng tuyệt vời của con người và cũng là bước phát triển khôn ngoan của xã hội.
Băng tuyết miền núi trong rét đậm rét hại ở miền Bắc có thể trở thành một đặc sản du lịch nếu người dân được tạo điều kiện để chủ động thích ứng và khai thác, thay vì việc để các anh hùng bàn phím ngồi chỉ trích du khách và tỏ ra xót thương cho người bản địa.
Giữa rét đậm rét hại ở miền Bắc, khi nghĩ đến những giây phút nín thở ngồi trong chiếc xe trượt không kiểm soát trên mặt đường đóng băng lên đèo Ô Quý Hồ, khoảnh khắc tê tái nhìn những đứa trẻ trong đêm giá rét 0 độ ở Sa Pa vẫn lang thang tìm khách mua hàng, lúc chứng kiến cả gia đình đồng bào Mông thẫn thờ bên xác 4,5 con trâu chết rét ở Trung Chải trong chuyến công tác cách đây nhiều năm, thú thực, tôi đã thấy việc người người háo hức kéo nhau đi xem băng tuyết là rất phản cảm. Bởi có lẽ là "bệnh" nghề nghiệp, tôi nhìn băng tuyết long lanh qua giọt nước mắt của những người nông dân khốn khổ vì cơ nghiệp của mình chết lụi trong băng giá.
Nhưng sau một thời gian dõi theo câu chuyện của những tour du lịch hút khách miền Tây mùa nước nổi hay Hội An biến ngập lụt thành đặc sản du lịch, tôi hiểu ra một điều: Thiên tai là câu chuyện không tránh khỏi và niềm háo hức trải nghiệm kia của du khách cũng chẳng có lỗi gì.
Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để vươn lên, đó mới là bản năng tuyệt vời của con người và cũng là bước phát triển khôn ngoan của xã hội. Vấn đề là ở chỗ, phải có sự chuẩn bị đầy đủ cho từng bước đi của hành trình lội ngược dòng ngoạn mục đó.
"Băng tuyết là một cơ hội quảng bá hấp dẫn cho du lịch Tây Bắc và Đông Bắc. Nó thực sự có sức hút lớn với một lượng du khác không phải nhỏ. Nhưng hiện nay, bên chúng tôi không dám triển khai tour du lịch đó". Bạn tôi, một giám đốc trẻ, nhiều sáng tạo của một công ty du lịch tại Hà Nội đã trả lời như thế khi tôi hỏi: "Tại sao không làm tour du lịch băng tuyết?", nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 hoành hành, khiến hàng loạt công ty lữ hành, du lịch lao đao.
Bạn tôi, và nhiều đồng nghiệp của bạn tôi, đang phải chăm chỉ "nhặt nhạnh" theo đúng nghĩa đen của từ này, để duy trì hoạt động và nuôi sống nhân viên.
Câu trả lời là 3 "không": Không đảm bảo an toàn, không có đủ thông tin và không có sự hỗ trợ từ cơ sở.
Năm 2008, cắm chốt 1 tuần để tác nghiệp về rét đậm, rét hại ở Sa Pa, tôi đã thấy lũ lượt từng đoàn người đổ về Sa Pa ngắm băng tuyết. Và hơn 10 năm sau, không chỉ Ô Quý Hồ (Lào Cai) mà Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Tà Xùa (Sơn La), Bình Liêu (Quảng Ninh), thậm chí là ở ngay Ba Vì (Hà Nội), cũng đã có băng tuyết phủ kín.
Nhưng vẫn một cảnh tượng cũ, vẫn những đoàn xe tự phát lũ lượt đi lên. Thông tin truyền thông vẫn tràn đầy hình ảnh những cành cây băng trắng, thông tin vài xe trơn trượt hay một số người gặp nạn. Và vẫn câu thở than suốt 10 năm nay không đổi của các địa phương về việc tắc đường, kẹt xe, hỗn loạn giao thông, ngập tràn rác thải...
Tôi đã mong chờ, từ lâu lắm, những thông báo, thông tin chính thức của các địa phương cảnh báo cho du khách về các tuyến đường đi, về thời tiết, điểm ngắm an toàn và không an toàn. Hoặc cơ bản nhất là cung cấp cho du khách địa điểm, đường dây tiếp nhận khẩn cấp khi có các vấn đề liên quan đến sức khỏe, cứu nạn... khi về địa phương mình ngắm băng tuyết.
Nhưng cho đến thời điểm này, thú thực, điều khuyến cáo tôi được nghe chỉ vỏn vẹn là: Người dân đừng vì tò mò mà đổ ùn ùn về vùng băng tuyết nữa. Và thậm chí, ngay cả sự cảnh báo này cũng hết sức dè dặt.
Bao nhiêu năm nay, giá rét, băng tuyết đã trở thành vị khách bất đắc dĩ thường niên nơi cửa ngõ phía Tây Bắc, Đông Bắc của Tổ quốc. Đơn giản, cứ nhìn vào việc, số con trâu trong 1 bản chết rét ít hơn. Số ca ngộ độc khí C0 phải cấp cứu ở bệnh viện huyện giảm đi, cũng đủ thấy dưới sự hướng dẫn của chính quyền và các cơ quan chức năng, bà con đã dần biết cách sống chung với thời tiết cực đoan, để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho gia đình.
Vậy thì không có cớ gì, thay vì than thở những đoàn xe ùn ùn đổ lên kia gây hỗn loạn, thay vì khi có bất cứ sự cố tai nạn nào xảy ra đều chỉ ra duy nhất một nguyên nhân là do du lịch tự phát, không kiểm soát được, chúng ta lại không chủ động xây dựng kịch bản đàng hoàng cho du lịch mùa băng giá.
Bạn tôi nói, khó có kịch bản trước bởi các sự kiện này là bất ngờ, năm có, năm không. Nhưng tôi lại nghĩ hoàn toàn khác. Cuộc sống luôn đầy rẫy những rủi ro bất ngờ và cũng không thiếu những cơ hội bất ngờ. Thành công chỉ dành cho những người sẵn sàng và có đủ điều kiện, sự tự tin để đón nhận.
Du lịch thiên tai (Disaster Tourism) đã xuất hiện trên thế giới trên dưới 10 năm. Đó là những chuyến du lịch đưa du khách đến vùng thiên tai để trải nghiệm, chứng kiến hậu quả và trực tiếp tham gia vào việc cứu hộ, khắc phục khó khăn, chia sẻ vui buồn với cộng đồng dân cư nơi đó. Dẫu vẫn là một xu hướng du lịch gây ít nhiều tranh cãi nhưng thực tế đã chứng minh, hiệu quả kinh tế và xã hội của những tour du lịch này là có thật. Tất nhiên, nó đi kèm một điều kiện không thể thiếu: quản lý tốt, có sự đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các đơn vị tổ chức thực hiện.
Tôi không mong những đợt rét buốt bão giá cứ tới lui trên mảnh đất quê mình. Nhưng dù sao điều đó vẫn cứ phải đến, nên tôi mong sẽ có một mùa hoa băng đẹp đẽ, ý nghĩa, giàu sắc màu chứ không phải là một mùa thiên tai lộn xộn, bất lực với những cung đường tắc nghẽn xe cộ, những đứa trẻ phải lang thang trong đêm giá 0 độ để bán hàng cho khách du lịch hay những vụ tai nạn đáng tiếc và không đáng phải có.
Thay vì chỉ trích những du khách kéo nhau đến xem băng tuyết rằng họ đang giải trí với cái giá mà người dân địa phương phải trả, thì chúng ta đừng quên có những khía cạnh tích cực. Chính trong giá lạnh, người dân địa phương đã tự củng cố nhà cửa, che chắn chuồng trâu bò, tích trữ thức ăn cho chúng… Chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng đã vào cuộc rất tích cực để vận động, tuyên truyền cho người dân. Chính quyền cũng đã vận động du khách không mua hàng, cho tiền trẻ em ở nơi đó để tránh khuyến khích các em bỏ học ra đường kiếm tiền.
Cũng không ít nơi, những dịch vụ du lịch bản địa rất đắt hàng dịp này: Những khu homestay được cải thiện sạch sẽ ấm áp, dịch vụ tắm nước, ngâm chân lá thuốc, mát xa, những bữa tối ngon lành từ thực phẩm địa phương, các đặc sản địa phương dành cho du khách sau một ngày leo núi mệt mỏi… Những dịch vụ đó sẽ càng được phát huy và mang lại thu nhập tốt cho bà con nếu được tính đến trong một kế hoạch tổng thể, dài hạn cho du lịch mùa băng tuyết. Nếu những anh hùng bàn phím cứ ngồi xót thương cho bà con nông dân và phẫn nộ với du khách một cách thiếu thực tế thì thật vô lý.
Đã có một câu nói thế này: Khi bão đến, một số người thì xây tường, một số khác thì sẽ xây cối xay gió.
Xây tường hay cối xay gió, là sự chủ động thích ứng để vượt khó lúc thiên tai.